Xây dựng nông thôn mới

Phỏng vấn đồng chí Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc về kết quả sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới

14/07/2019 00:00 330 lượt xem

Sau 10 năm tập trung triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện, phong trào xây dựng NTM ở Mèo Vạc đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Để tìm hiểu về kết quả, quá trình thực hiện cũng như những định hướng tiếp theo trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện. Vừa qua, phóng viên Trung tâm VH-TT-DL huyện đã có cuộc phỏng vấn với đồng chí Trần Quang Minh - Tỉnh ủy viên- Bí thư huyện ủy xung quanh vấn đề trên.

Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Mèo Vạc đã không ngừng nỗ lực, tích cực huy động mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Vậy xin đồng chí cho biết sau 10 năm thực hiện Chương trình, huyện Mèo Vạc đã đạt được những kết quả nổi bật như thế nào?

Bí thư Huyện ủy Trả lời:  Mèo Vạc là một trong những huyện nghèo của cả nước. Khi bắt đầu triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, điều kiện cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện thiếu đồng bộ, điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn, chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp. Tuy nhiên, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện luôn xác định phải phát huy nội lực, khai thác tiềm năng thế mạnh, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, các nguồn xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên địa bàn huyện có: 01 xã đạt 11 tiêu chí; 02 xã đạt 10 tiêu chí, 13 xã đạt 9 tiêu chí, 01 xã đạt 8 tiêu chí; bình quân đạt 9,18 tiêu chí/xã; huyện có 01 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 (thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà), tăng so với 5,76 tiêu chí so với xuất phát điểm năm 2010 và tăng 2,88 tiêu chí so với kết thúc giai đoạn 1. Không có xã đạt dưới 7 tiêu chí.

Về kết quả cụ thể trên các lĩnh vực, như sau:

- Công tác tuyên truyền:

+ Đã tổ chức tuyên truyền được 2.358 đợt với 173.199 lượt người tham gia.

+ Ra quân xây dựng nông thôn mới được 592 buổi với 60.648 lượt người tham gia (trong đó phát động ngày thứ 7 nông thôn mới được 291 buổi với 24.990 lượt người).

+ Vận động nhân dân hiến được 185.084m2 đất; huy động đóng góp được 92.900 ngày công lao động.

+ Mở mới được 160,48 km và nâng cấp được 203,493 km đường trục thôn; kiên cố hoá 251,29 km đường bê tông các loại; tổ chức quyên góp được 3.134,9 triệu đồng.

- Công tác lập quy hoạch đề án xây dựng nông thôn mới: Trong năm 2013, 100% xã đã hoàn thành công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới.

- Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập: Triển khai các cơ chế hỗ trợ cho nhân dân phát triển chăn nuôi, thực hiện các hình thức chăn nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, ngựa, dê, chim bồ câu... Trong chăn nuôi đã hình thành các trang trại, gia trại sản xuất theo hướng hàng hóa sử dụng giống tốt, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Toàn huyện có 16 hợp tác xã nông nghiệp, trên 50 tổ hợp tác hoạt động tạo điều kiện về công việc và thu nhập cho các hội viên. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 5,52 triệu đồng/người (năm 2010) lên 16,27 triệu đồng/người/năm (năm 2018). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 63,88% (năm 2010) còn 50,44% (năm 2018).

- Về Cơ sở hạ tầng nông thôn: Nhựa hóa được trên 104 km đường trục xã liên xã; bê tông hóa được 143,9 km đường trục thôn liên thôn; 62,05 km đường liên xóm, liên gia; 35,5 km đường vào hộ gia đình; nâng cấp sửa chữa trên 20 công trình thủy lợi; thi công trên 10 công trình điện, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên trên 76,3%, (152/199 thôn) tăng 26,3% so với năm 2010; xây mới 2 nhà văn hóa xã, trên 18 nhà văn hóa thôn, đến nay huyện có 01 xã đạt tiêu chí văn hóa; nâng cấp sửa chữa và xây mới 17 trạm y tế xã, 17/17 xã đã tiêu chí về y tế.

- Về phát triển giáo dục: Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi 6-14 đến trường hàng năm, đạt trên 98,10% (tăng 0,64% so với năm 2010); trường đạt chuẩn Quốc gia đến nay là 9 trường (tăng 9 trường so với năm 2010); 18/18 xã duy trì phổ cập giáo dục THCS và phổ cập đúng độ tuổi.

-  Về Y tế: Cơ vật chất và trang thiết bị y tế ngày càng được quan tâm đầu tư đồng bộ, đội ngũ cán bộ ngành y tế thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng cao; các chương trình y tế - dân số được triển khai thực hiện có hiệu quả, dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi kịp thời, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm đáng kể, các hoạt động về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được đẩy mạnh, hiện nay, 18/18 Trạm Y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

 - Về văn hoá và môi trường: Tỷ lệ hộ gia đình được cộng nhận gia đình văn hoá đạt 54,91%, tỷ lệ thôn, tổ dân phố được công nhận đạt tiêu chí văn hoá đạt 43,7%; Tiếp tục phát huy hiệu quả của làng văn hoá du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà được tỉnh công nhận trong năm 2017 và tiếp tục hoàn thiện các hạng mục xây dựng làng văn hoá du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 78%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 54,08%, tỷ lệ hộ có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 48,5%.

Qua thống kê sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Mèo Vạc đã nhận được sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của hàng trăm tổ chức, cá nhân (đặc biệt trong việc hỗ trợ xây dựng các điểm trường, hỗ trợ trang thiết bị dạy và học). Tổng kinh phí thống kê (sơ bộ) được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khoảng trên 140 tỷ đồng.

- Về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị, tiếp cận pháp luật và quốc phòng an ninh: Hệ thống chính trị cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đề ra, công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực được quan tâm, công tác giáo dục phổ biến pháp luật được chú trọng; công tác đấu tranh ngăn chặn âm mưu diễn biến hòa bình, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh nông thôn.

 

Phóng viên: Mặc dù có những thành tựu đáng ghi nhận song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Vậy xin đồng chí cho biết những nguyên nhân, giải pháp cụ thể nào khắc phục những khó khăn trong triển khai thực hiện những năm tiếp theo?

Bí thư Huyện ủy Trả lời:  Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình những nguyên nhân chủ yếu gây ra những khó khăn vướng mắc là:

+ Điểm xuất phát xây dựng NTM của huyện và các xã còn thấp. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn khó khăn, hàng hóa nông sản khó tiêu thụ.

+ Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân còn hạn chế, nhất là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư từ ngân sách nhà nước, tính tự lực, tự cường chưa phát huy đúng mức.

+ Một số nơi chưa làm hết trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động xây dựng NTM, cũng như huy động các nguồn lực xã hội cho xây dựng NTM, vốn trực tiếp của chương trình còn hạn chế. Việc thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Cơ chế hỗ trợ vốn xây dựng NTM còn dàn đều giữa các vùng có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội khác nhau.

- Để khắc phục những nguyên nhân, khó khăn vướng mắc trên và triển khai có hiệu quả trong những năm tiếp theo, Ban chỉ đạo Chương trình nông thôn mới huyện Mèo Vạc đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:

+ Tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất chuyển dịch cơ cấu lao động nâng cao thu nhập cho người dân; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng văn hoá môi trường, tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

+ Tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới như: vốn trực tiếp từ Chương trình; ngân sách tỉnh hỗ trợ; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án. Nguồn vốn tín dụng; Vốn huy động từ DN. huy động từ cộng đồng bao gồm tiền mặt; hiện vật (như đất đai, hoa màu và các tài sản gắn liền với đất…) ngày công lao động, và các hình thức xã hội hoá khác...

+ Thường xuyên kiện toàn bộ máy hoạt động từ cấp huyện đến cấp thôn để năng cao công tác lãnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tăng số lượng cán bộ chuyên trách xây dựng nông thôn mới cấp huyện, đồng thời bố trí văn phòng điều phối cấp huyện hoạt động riêng biệt.

+ Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với khí thế thi đua mạnh mẽ làm cho người dân có thêm động lực tích cực thực hiện chương trình.

 

Phóng viên: Xây dựng nông thôn mới xác định chủ thể chính là nông dân và cộng đồng dân cư, huyện đã có những giải pháp gì để tiếp tục tạo điều kiện cho người dân phát huy vai trò trong Chương trình XDNTM thưa đồng chí?

Bí thư Huyện ủy: Đảng bộ huyện Mèo Vạc luôn xác định Nông dân, Nông nghiệp, Nông thôn vừa là mục tiêu vừa là động lực để xây dựng NTM, lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu phấn đấu, vì thế huyện luôn có những giải pháp thiết thực để tạo điều kiện cho nông dân phát huy vai trò của mình. Trọng tâm là khơi dậy, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua quy chế dân chủ ở cơ sở, ngay tại cộng đồng, thông qua chính quyền, đoàn thể, mặt trận trên nguyên tắc mọi việc liên quan đến xây dựng nông thôn mới phải bàn với dân để nhân dân quyết định và lấy ý kiến nhân dân trước khi chính quyền quyết định theo đúng quy định của nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của nhân dân và các cơ quan chức năng đối với quá trình xây dựng nông thôn mới trong đó chú trọng giám sát đầu tư cộng đồng để phát hiện, uốn nắn xử lý tiêu cực, vi phạm khi mới phát sinh.   

      

Trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Huyện ủy Trần Quang Minh đã trả lời phỏng vấn!


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập