Xây dựng nông thôn mới

Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới ở Mèo Vạc

16/07/2019 00:00 202 lượt xem

Cùng với hơn 500 huyện, thị của cả nước, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của Tỉnh; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc đã không ngừng nỗ lực, tích cực huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Trong đó tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tiêu chí nông thôn mới. Nhờ đó, sau 10 năm thực hiện Chương trình, Mèo Vạc đã đạt những kết quả nổi bật, kinh tế - xã hội có bước phát triển khá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.

Là huyện có xuất phát điểm thấp, cơ sơ hạ tầng thiếu đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân chưa được nâng cao. Nguồn lực trực tiếp dành cho Chương trình XDNTM và lồng ghép các nguồn lực khác còn hạn chế. Để công tác lãnh chỉ đạo được xuyên suốt và tổ chức triển khai đạt hiệu quả cao, huyện Mèo Vạc đã quan tâm thành lập BCĐ từ cấp huyện đến cấp thôn, đưa chỉ tiêu nông thôn mới vào Nghị Quyết các cấp; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo huyện, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện từ cấp xã. Trong 10 năm, tổng số vốn đầu tư cho chương trình trên địa bàn là hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước đầu tư trên 117 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn lồng ghép, huy động xã hội hóa. Sau 10 năm triển khai, bình quân mỗi xã đạt 9,41 tiêu chí, tăng 5,76 tiêu chí so với xuất phát điểm năm 2010. Không có xã đạt dưới 7 tiêu chí.

Việc phấn đấu đạt các tiêu chí NTM nói chung và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Huyện đã tích cực tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua nhiều phương tiện về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua lớn... Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, trong những năm qua, nhân dân đã tự nguyện hiến được trên 185.000 m2 đất; đóng góp được 92.900 ngày công lao động; đổ bê tông được trên 250 km đường các loại; mở mới và nâng cấp được trên 363 km đường trục thôn, liên thôn; quyên góp và ra quân ủng hộ được hơn 3,1 tỷ đồng; triển khai được 88 mô hình phát triển sản xuất; tổ chức đào tạo nghề nông thôn và tập huấn được 635 lớp với 9.140 người tham gia; thành lập được 50 tổ hợp tác tại các xã. Phong trào ngày thứ 7 hướng về nông thôn mới được phát triển mạnh mẽ, đây cũng là chương trình thiết thực, ý nghĩa nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Tinh thần đoàn kết, chung sức của cán bộ và người dân, sự hõ trợ của các tấm lòng  thiện nguyện đã làm nên con đường nông thôn mới  Trù Sán xã Sơn Vĩ.

Công tác quy hoạch đóng vai trò then chốt, tạo nền móng để thực hiện các tiêu chí còn lại, huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch. Đến nay công tác quy hoạch xây dựng NTM đã hoàn thành phù hợp với yêu cầu thực tế. Kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, chợ nông thôn, nhà văn hóa được quan tâm đầu tư. Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Mèo Vạc cho biết: “10 năm qua, đã đổ bê tông được 272,7 km đường giao thông nông thôn đạt 56,7% số đường trục xã được bê tông hóa. Số xã có đường đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc đổ bê tông đạt 100%; 100% các thôn đã có đường tới trung tâm thôn với khoảng 75% số thôn bản có đường đi lại thuận tiện. 17/17 xã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ thôn có điện lưới quốc gia đạt 76,3% tăng 26,3% so với năm 2010. Cơ sở vật chất trường học cơ bản đảm bảo, 9/56 trường đạt chuẩn theo tiêu chí NTM và một xã đạt tiêu chí trường học. Hạ tầng thông tin truyền thông có bước phát triển nhanh, có 17/17 xã có điểm phục vụ bưu chính, có dịch vụ viễn thông và internet, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành; 100% các xã có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn đạt trên 71%. Hệ thống chợ nông thôn từng bước được hoàn thiện, hiện toàn huyện có 8 chợ và khoảng hơn 600 cửa hàng bán lẻ đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân”.

Bên cạnh đó, Huyện xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu quan trọng. Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác; xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng cao. Qua đó, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2019 đạt trên 36.600 tấn, tăng trên 9.200 tấn so với năm 2010. Sản lượng lương thực bình quân đạt 426,48 kg/người/năm, tăng 41,98kg sao với năm 2010. Tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện hiện có trên 94.800 con, tăng trên 9.100 con so với năm 2010, riêng đàn bò có 32.021 con, tăng 7.194 con so với năm 2010. Tỷ trọng giá trị chăn nuôi đạt 49,64% so với giá trị sản xuất nông nghiệp.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì và phát triển. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" cùng với các phong trào khác được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực. 100% thôn, xóm, khu dân cư đã được xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Công tác Quốc phòng - An ninh được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân chung tay góp sức thực hiện; đã thành lập được 199 tổ an ninh tự quản và 26 mô hình tổ, dòng họ tự quản an ninh trật tự thôn, bản. Công tác khám, tuyển chọn và gọi công dân lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc đảm bảo nhanh gọn, an toàn, hoàn thành 100% chỉ tiêu trên giao.

Tiêu chí số 8 về lĩnh vực thông tin và truyền thông là tiêu chí khó cũng đã được huyện hoàn thành trong năm 2018.

Qua 10 năm triển khai thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020, đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân tích cực hưởng ứng và tham gia đã đem lại kết quả rõ rệt cụ thể đến nay đã có1 xã đạt 11 tiêu chí; 2 xã đạt 10 tiêu chí, 13 xã đạt 9 tiêu chí; tỷ lệ bê tông hoá đường trục thôn đạt 56,7%, số nhà ở kiên cố đạt gần 50%, số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia trên 76%, hệ thống thuỷ lợi cứng hoá trên 50%; tỷ lệ hộ thoát nghèo giảm 6,05%; duy trì 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 78% tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Một thôn được công nhận thôn nông thôn mới.

Mặc dù đã có những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng huyện Mèo Vạc ý thức rằng, những kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển của địa phương trong giai đoạn mới. Đó là những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; quy mô phát triển còn hạn chế; công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ nhân dân; một số lĩnh vực văn hóa xã hội, an sinh xã hội còn bất cập; tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng thiếu bền vững; đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn…

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là Chương trình có điểm khởi đầu, chưa có điểm kết thúc. Để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt trong giai đoạn 2010 - 2020, huyện Mèo Vạc tiếp tục lãnh, chỉ đạo, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Trong đó tiếp tục tập trung chăm lo xây dựng tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị thực sự vững mạnh, là nền tảng vững chắc để phát triển trên các lĩnh vực. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đảm bảo nâng cao chất lượng về mọi mặt, nhất là ý thức trách nhiệm vì công việc, vì nhân dân. Phát huy tiềm năng và sức mạnh tổng hợp, tiếp tục làm tốt công tác thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển để tạo bước chuyển dịch quan trọng trong cơ cấu kinh tế, nhất là về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến nông, lâm sản. Chăm lo đầu tư và phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với nâng cao đời sống và đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên thực hiện các mục tiêu của Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo quốc phòng vững chắc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện để phát triển bền vững.

Tin tưởng rằng, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có; với tinh thần: Tích cực đổi mới - mở rộng dân chủ - tăng cường đoàn kết - nâng cao trách nhiệm và giữ vững niềm tin; với sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân và cùng cấp ủy chính quyền từ Huyện đến xã, huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục vươn lên và tỏa sáng trong chặng đường phía trước.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập