Gương người tốt, việc tốt

Người phụ nữ dân tộc Mông làm kinh tế giỏi

03/08/2021 07:49 598 lượt xem

Những năm qua, phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở huyện Mèo Vạc có chuyển biến tích cực. Từ đó xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chị Thò Thị Già, dân tộc Mông thôn Há Chế, xã Tả Lủng là một trong những gương điển hình như thế.

Người phụ nữ dân tộc Mông làm kinh tế giỏi
Chị Thò Thị Già, thôn Há Chế, Tả Lủng, Mèo Vạc đang chăm sóc đàn bò của gia đình.

Sinh năm 1986, là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên trên địa bàn; chị Thò Thị Già luôn thấu hiểu những khó khăn, vất vả của cuộc sống. Vì thế chị luôn tìm cách để đưa kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho con ăn học. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo cùng với tính cần cù, chịu khó, chị Già luôn suy nghĩ làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ việc trồng cỏ nuôi bò phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương; đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Từ đó, chị đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc. Hiện nay, gia đình chị có khoảng 3 ha cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên cho đàn bò của gia đình. Cùng với đó, chị còn nấu thêm rượu, để tận dụng bỗng rượu để bổ sung thêm nguồn thức ăn tinh bột cho đàn bò; tận dụng thân cây ngô để ủ chua, dự trữ thức ăn cho đàn bò vào mùa đông.

Chị Thò Thị Già chia sẻ: Để phát triển chăn nuôi gia súc hiệu quả, tôi luôn tìm tòi, học hỏi, nắm kỹ các khâu kỹ thuật cơ bản như công tác chăm sóc, vệ sinh chuồng trại; kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh và lựa chọn các loại thức ăn phù hợp theo mùa cho đàn bò để đảm bảo dinh dưỡng, nguồn thức ăn đầy đủ cho đàn bò; nhất là phải dự trữ đảm bảo nguồn thức ăn cho bò vào mùa đông.  

Ngoài chăn nuôi bò sinh sản, chị tập trung chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa. Chị sử dụng nguồn vốn của gia đình để mua các con bò gầy yếu của bà con trong vùng và tại các phiên chợ trên địa bàn về để nuôi vỗ béo. Mỗi đợt chị nuôi vỗ béo từ 10 – 20 con bò, sau khoảng 3 – 6 tháng bán cho các thương lái ở các tỉnh dưới xuôi. Tuy nhiên, hiện tại do trên địa bàn huyện xuất hiện dịch viêm da nổi cục; huyện đã có thông báo cấm mua bán, vận chuyển trâu, bò nên gia đình chị giờ chỉ còn duy trì vỗ béo 10 con bò. Trừ các khoản chi phí mỗi năm gia đình chị thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng.

Chị Sùng Thị Mỷ, Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc cho biết: Chị Già không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn là hội viên tích cực, nhiệt tình trong các phong trào của chi hội, hội phụ nữ xã và các phong trào tại địa bàn. Với chị em hội viên trong thôn, chị luôn nhiệt tình và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, hỗ trợ cây con, giống cho các hội viên phụ nữ trong thôn cùng nhau phát triển kinh tế.

Với sự nỗ lực, cần cù trong phát triển kinh tế gia đình và những đóng góp tích cực của chị cho những phong trào tại địa phương, chị Thò Thị Già đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen “Phụ nữ tiêu biểu” năm 2020 và nhiều giấy khen của Hội LHPN tỉnh, UBND huyện Mèo Vạc. Cùng với đó chị luôn nhận được sự tín nhiệm, quý mến của chị em hội viên trong thôn.

Hà Linh

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập