Xây dựng nông thôn mới

Hiệu quả sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng làm đường giao thông ở thôn Há Súng

14/10/2016 00:00 203 lượt xem

Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, đến nay công tác trồng và bảo vệ rừng ở huyện Mèo Vạc đã được triển khai thực hiện tốt. Người dân sinh sống trong vùng quy hoạch xây dựng thủy điện được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách này. Tuy nhiên, việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng như thế nào cho hiệu quả?

Có dịp tham gia cùng đoàn công tác của Thường trực HĐND huyện Mèo Vạc đến khảo sát việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân tại thôn Há Súng, xã Pả Vi. Tôi thấy cách sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của người dân nơi đây rất hiệu quả. Từ một thôn đặc biệt khó khăn, nằm trên đỉnh dãy núi Mã Pì Lèng, trước đây để đến được thôn này chủ yếu vẫn là đi bộ vì con đường dân sinh dải đá cấp phối, ghập ghềnh khó đi. Trong hai năm 2014-2015, xã Pả Vi được huyện phân bổ 1,1 tỷ đồng thuộc nguồn trái phiếu Chính phủ để đổ bê tông từ quốc lộ 4C vào thôn dài 2,1km. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 500m chưa được đổ bê tông vì thiếu kinh phí. Trong khi đó năm 2016, thôn Há Súng được chi trả hơn 96 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng thuộc nguồn kinh phí năm 2015. Sau khi phát hết tiền cho các hộ, được sự định hướng của xã, thôn đã tổ chức họp dân đề xuất mỗi hộ trích lại 500.000 đồng để mua xi măng đổ bê tông tuyến đường vào thôn, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại.

Người dân thôn Há Súng tích cực tham gia vận chuyển bột đá làm đường giao thông 

Ông Thò Chá Dính, trưởng thôn Há Súng cho biết: “Thôn có 100 hộ, trong đó 78 hộ thuộc diện hộ nghèo. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng ngay sau khi bàn thống nhất trích lại tiền dịch vụ môi trường rừng để làm đường giao thông, thấy chủ trương hợp lý, các hộ dân đều đồng tình cao. Vì mọi người nhận thức được nếu có đường bê tông thì hoạt động sản xuất nông nghiệp, trao đổi hàng hóa và học sinh đi học tại trung tâm xã sẽ thuận lợi hơn". Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành tuyến đường này, các hộ đã thống nhất mỗi gia đình cử một người tham gia vận chuyển vật liệu, phân công người thuê máy xát đá, máy trộn bê tông và mua xi măng để đổ bê tông. Cộng với phần quyên góp ủng hộ của cán bộ, công chức xã Pả Vi được 10,5 tấn xi măng, cả thôn đã huy động nhân dân cùng tham gia làm đường. Vì vậy, có mặt ở thôn Há Súng vào những ngày cuối tháng 9.2016 mới thấy được không khí náo nức, nhộn nhịp tham gia làm đường đông vui như ngày hội của người dân nơi đây. Từ già trẻ đến thanh niên nam nữ đều hăng hái tham gia địu bột đá làm đường. Với phương châm tự làm, tự giám sát, sau hơn 2 tuần nhân dân thôn Há Súng đã đóng góp được hơn 1000 ngày công đổ bê tông hoàn thành tuyến đường dài 300m, rộng 2,5m, dày 12cm, đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt cho các phương tiện xe máy ra vào thôn.

Đánh giá về cách làm của thôn Há Súng, đồng chí Dương Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Pả Vi cho biết: "Năm 2016, xã được phân bổ 590 triệu đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để làm đường giao thông nông thôn. Với nguồn kinh phí hạn hẹp như vậy, nếu cứ trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước thì không biết bao giờ đổ bê tông được hết các tuyến đường vào 4 thôn. Vì vậy, người dân thôn Há Súng đã chủ động bàn bạc thống nhất sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng làm đường giao thông, bởi theo suy nghĩ của họ nếu số tiền trên mà chia đều cho 100 hộ thì mỗi hộ được chẳng là bao". Được biết, từ cách làm hiệu quả này, thôn Sà Lủng, xã Pả Vi cũng học tập tổ chức họp thôn thống nhất sử dụng 60 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng để tu sửa, láng xi măng sân điểm trường học tạo thuận lợi cho học sinh tham gia vui chơi học tập tốt hơn.

Giờ đây khi đi trên con đường được đổ bê tông sạch đẹp, người dân thôn Há Súng hiểu rằng biết cách sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng mới đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập