Gương người tốt, việc tốt

Thương binh Sùng Mí Chứ vượt khó làm giàu

26/07/2017 00:00 349 lượt xem

Sau những năm tháng tham gia làm nhiệm vụ trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, trở về với gia đình không cam chịu cái đói cái nghèo ở vùng đất khó khăn huyện Mèo Vạc, thương binh Sùng Mí Chứ ở thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, trở thành một trong những tấm gương sáng để thế hệ sau học tập và noi theo.

Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, năm 1978 khi vừa tròn 21 tuổi. ông Sùng Mí Chứ tham gia dân quân. Trong một lần làm nhiệm vụ ông đã bị thương nặng và hỏng một bên mắt; tuy nhiên sau khi chữa lành vết thương ông trở lại làm nhiệm vụ thêm 2 năm nữa. Năm 1981, trở về với gia đình sau những năm tháng làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, cuộc sống gia đình gặp vô vàn những khó khăn, vất vả. Trước đây người dân thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng chủ yếu trồng ngô nhưng diện tích đất nông nghiệp ít, sản phẩm làm ra không đủ để tự cung tự cấp, người dân cũng chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Quyết tâm không chịu lùi bước trước khó khăn, bằng bản lĩnh người lính, thương binh Sùng Mí Chứ không quản ngại khó khăn vất vả tập trung khai hoang để có đất trồng ngô, trồng cỏ, nuôi bò…Với suy nghĩ con trâu, còn bò là đầu cơ nghiệp, ông quyết định vay vốn từ ngân hàng nông nghiệp cùng với số tiền ông dành dụm được đầu tư mua 2 con bò với 2 phương thức nuôi khác nhau, một con ông nuôi theo hình thức sinh sản, còn một con ông nuôi vỗ béo. Tính đến nay, gia đình ông có 5 con bò, 6 con lợn… cho thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/năm. Khi đàn bò tăng về số lượng, cũng là lúc đòi hỏi nguồn thức ăn tăng lên. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò ông đã thực hiện chuyển đổi 1ha đất trồng ngô sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa, theo Nghị quyết số 07 của Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc. Nhờ đó mà cuộc sống gia đình đã ổn định hơn, không chỉ lo cho các con có điều kiện đến trường học cái chữ mà các con của ông đều được học từ trung cấp đến đại học với các ngành nghề khác nhau, ông chia sẻ: “Tuy hiện tại điều kiện kinh tế gia đình đã khá hơn, các con được ăn học và có cuộc sống riêng cơ bản đã ổn định nhưng hiện tại tôi lo lắng nhất vẫn là đứa con gái đầu của tôi nó bị bệnh từ nhỏ, đã gần 40 tuổi rồi nhưng vẫn đơn độc, sức khỏe yếu, bị hạn chế về trí tuệ, hầu như không thể lao động nặng nhọc chỉ quanh quẩn ở nhà. Mà tôi thì ngày càng yếu không biết còn lo được cho nó bao lâu nữa.” Vừa dứt lời, đôi mắt ông ngấn lệ rồi quay sang nhìn con gái. Người con gái đầu của ông tên là Sùng Thị Say, chị bị bệnh động kinh từ nhỏ, dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh không hề có tiến triển, chị Say không những hạn chế về trí tuệ, sức khỏe yếu mà mỗi khi phát bệnh chị không còn làm chủ được hành vi của mình, mỗi lần phát bệnh là trên người chị lại xuất hiện những vết bầm tím, nhìn thấy con như vậy ông lau giọt nước đang lăn trên gò má cho biết thêm bây giờ còn cố được bao nhiêu ông sẽ cố gắng hết sức để lo cho người con gái bệnh tật của mình, chính vì vậy ông luôn tâm niệm sẽ phát triển tiếp mô hình nuôi bò của gia đình chứ không dừng lại ở đây.

Không chỉ có thu nhập khá từ chăn nuôi, người thương binh Sùng Mí Chứ còn biết tận dụng đất đai để phát triển cây trồng phù hợp. Hàng năm gia đình trồng hơn 20 kg ngô giống, đậu tương… Bên cạnh làm kinh tế giỏi, thương binh Sùng Mí Chứ còn là một người công dân gương mẫu, chấp hành mọi chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông cùng với chính quyền địa phương luôn vận động, khuyến khích bà con trong thôn tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo. Ông Hoàng Lê Duẩn – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thương binh Sùng Mí Chứ là một người dân không nề hà với bất cứ việc làm gì, dù khó khăn, vất vả cũng không nản chí nên gia đình ông đã có kinh tế phát triển khá vững chắc, ông còn là người dân gương mẫu, chấp hành mọi đường lối chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương”.

Quyết tâm, ý chí, nghị lực không lùi bước trước khó khăn, những phẩm chất đáng quý ấy của người lính Cụ Hồ được thương binh Sùng Mí Chứ không ngừng phát huy trong thời bình, mang lại thành quả xứng đáng để người dân địa phương học tập noi theo.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập