Kinh tế

Thay đổi tư duy để thoát nghèo

27/07/2022 13:12 87 lượt xem

Giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi xưa nay luôn là bài toán khó, giảm nghèo bền vững cho khu vực này lại còn khó khăn gấp nhiều lần, bởi không ít hộ thoát nghèo sau một thời gian lại tái nghèo. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tái nghèo ở khu vực này như: trình độ thấp, chưa hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu vốn đầu tư, đông con, các yếu tố thiên tai, dịch bệnh,… Song, cái khó nhất do nhiều yếu tố hình thành vẫn là nguyên nhân chủ quan, do “căn bệnh ỷ lại” vẫn ăn sâu, bám rễ trong nhận thức của rất nhiều hộ nghèo.

Thay đổi tư duy để thoát nghèo
Mô hình trồng sau vụ đông của gia đình anh Hoàng Văn Diện, thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn

“Nếu không chịu lao động, cứ thụ hưởng, ỷ lại vào các chính sách bảo trợ của Nhà nước, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm… thì khó mà thoát nghèo được. Bà con mình phải thay đổi tư duy, học hỏi cách làm ăn và chăm chỉ mới cải thiện được đời sống kinh tế của gia đình.” – ông Phàn Minh Pú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mèo Vạc đã phát biểu như vậy trong một buổi nói chuyện với hội viên thôn Thăm Noong, xã Tát Ngà. Thực tế cho thấy, những năm qua, rất nhiều gia đình, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, xã trong huyện có đồng quan điểm như ông Pú đã nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế bền vững.

Một buổi nói chuyện của lãnh đạo Hội Nông dân huyện với hội viên nông dân thôn Thăm Noong, xã Tát Ngà

Gia đình chị Pon Thị Tâm, sinh năm 1985, dân tộc Giáy ở thôn Bản Ruộc, xã Nậm Ban cũng gặp không ít khó khăn khi gây dựng cuộc sống. Chị tâm sự: “Lập gia đình với tài sản vỏn vẹn chỉ có 01 con bò của bố mẹ cho để làm vốn, thêm vài ba con gà để trang trải cuộc sống, vợ chồng mình xoay xở đủ thứ nghề để sinh sống nhưng cũng không thoát khỏi cảnh ăn bữa sáng, lo bữa tối. Thế là mình bàn với chồng phải làm thế nào để có cái ăn và lo chuyện học hành cho các con. Năm 2018, gia đình mình đã mạnh dạn đào ao thả cá, chăn nuôi lợn. Ngày ngày, mình cùng chồng chăm chỉ chăn nuôi, tận dụng bờ ao, ruộng lúa để trồng cây ngắn ngày như: bầu, ớt, bắp cải, su hào… Để việc chăn nuôi thực sự hiệu quả, chị Tâm tìm tòi, học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật như tiêm vắc xin phòng tránh bệnh cho con vật nuôi. Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi ngay trong năm 2018 gia đình chị đã thu lãi 110 triệu đồng từ nuôi cá và lợn. Đến năm 2021, thu nhập sau khi trừ chi phí đã tăng lên 170 triệu đồng. Bên cạnh đó, chị còn hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi cho 15 lao động địa phương, giúp đỡ được 5 lao động có việc làm và 5 lượt hộ nghèo về kiến thức khoa học kỹ thuật về chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế.

Vui vẻ ngồi trong ngôi nhà tiện nghi, ấm cúng của mình, anh Hoàng Văn Diện, thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn cho biết: “Trước đây, nhiều hộ trong thôn của mình vẫn có tư tưởng “đến đâu hay đó”. Có tiền thì rượu chè suốt ngày. Đến khi hết tiền, nhà không còn cái gì đổi bán thì đợi chế độ trợ cấp. Cái nghèo cái đói dắt dây nhau không bao giờ ngẩng mặt lên được. Gia đình anh cũng không phải ngoại lệ. Không thể tiếp diễn mãi tình trạng này trong khi mình có đất, có sức khỏe. Nghĩ vậy, nên cả nhà quyết định chăn nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản. Từ nguồn vốn vay của ngân hàng, năm 2016, gia đình anh đã nuôi 6 con lợn thịt và 2 con lợn nái, sau nửa năm chăn nuôi thấy lợi nhuận cũng khá ổn, anh tiếp tục phát triển đàn lợn lên 12 con lợn thịt và 8 lợn nái, đến nay trong chuồng của gia đình lúc nào cũng duy trì khoảng 15 đến 20 con lợn thịt, 5 lợn nái. Ngoài chăn nuôi, anh đã chuyển 0,5 ha đất trồng lúa sang trồng rau an toàn cho thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng, nâng tổng thu nhập của gia đình hàng năm đạt 430 triệu đồng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay, gia đình anh Hoàng Văn Diện đã có nhà cửa kiên cố, đầy đủ tiện nghi như xe máy, tivi và các vật dụng khác phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Từ những nỗ lực kiên trì trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng người dân hiểu rõ về chính sách giảm nghèo bền vững, giúp bà con từng bước thay đổi nếp nghĩ, có tinh thần thi đua sản xuất, vươn lên thoát nghèo đang là hướng đi mang lại hiệu quả trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

Minh Chuyên

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập