Kinh tế

Thoát nghèo nhờ làm du lịch cộng đồng

07/04/2024 21:27 36 lượt xem

Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn cùng các giá trị di sản văn hóa cộng đồng của 19 dân tộc anh em đã tạo lợi thế cho Hà Giang có những bứt phá trong phát triển du lịch. Trong đó, hình thức du lịch cộng đồng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào các dân tộc nơi đây, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thoát nghèo nhờ làm du lịch cộng đồng
Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc) luôn thu hút đông đảo du khách.

Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu nằm trong Đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Thời gian qua, du lịch cộng đồng đã và đang góp phần đem lại thu nhập bình quân cho mỗi hộ làm du lịch từ 50 đến 70 triệu đồng/năm, đặc biệt, có những hộ đạt doanh thu 200-300 triệu đồng/năm.

Trên cung đường chinh phục các điểm du lịch ở Hà Giang, Làng văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ) là điểm thu hút đông đảo du khách. Toàn thôn Nặm Đăm hiện có hơn 60 hộ dân, với gần 300 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Dao, trong đó có 26 hộ làm du lịch cộng đồng, mức thu nhập bình quân của các gia đình làm du lịch cộng đồng đạt khoảng 50 triệu đồng/tháng. Gia đình anh Lý Tà Quốc, chủ Lý Tuấn homestay, là một trong những hộ đang cung cấp dịch vụ homestay cho khách du lịch. Anh Quốc chia sẻ: “Trước đây, thu nhập của gia đình tôi chủ yếu trông cậy vào việc trồng ngô và nuôi trâu, kinh tế rất khó khăn. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang làm du lịch, gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định. Hiện nay, mỗi ngày homestay của tôi có thể đón khoảng 20 khách lưu trú qua đêm và phục vụ ăn uống cho 45-50 khách”. Chị Nguyễn Ngọc Lan, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết: “Đã từ lâu, tôi biết Hà Giang có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, cùng với đó là các làng VHDLCĐ của đồng bào các dân tộc. Đây là lần đầu tiên tôi đến với Làng VHDLCĐ thôn Nặm Đăm, tôi rất ấn tượng với kiến trúc nhà ở cũng như văn hóa, ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao, người dân thì rất thân thiện. Nếu có dịp, chắc chắn tôi sẽ quay lại nơi đây”.

Làng VHDLCĐ dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc) là một trong những quần thể bảo tồn kiến trúc truyền thống đầy thú vị của đồng bào Mông nơi địa đầu Tổ quốc. Hiện nay, trong làng có nhiều homestay được thiết kế đa phong cách với kiến trúc mô phỏng hình hoa đào-loài hoa đặc trưng của vùng cao nguyên đá. Ngoài ra, làng còn có nhà văn hóa thôn, khu vực nhà truyền thống của người Mông, khu sân chơi để tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa, văn nghệ truyền thống... Anh Hoàng Văn Sên, chủ A Sên homestay ở Làng VHDLCĐ dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ chia sẻ: “Homestay của gia đình tôi được làm bằng gỗ, trong nhà có trưng bày một số công cụ lao động, trang phục dân tộc nhằm giúp du khách phần nào hiểu rõ hơn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Nhờ đó mà ngày càng có nhiều khách du lịch biết đến homestay của gia đình”. Theo anh Sên, với giá thuê phòng 400.000-600.000/ngày, vào tháng cao điểm, homestay của anh đạt doanh thu khoảng 60 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh thu về khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, nếu khách muốn xem biểu diễn các tiết mục múa, hát truyền thống của dân tộc Mông, anh sẽ liên hệ với đội văn nghệ của địa phương để đáp ứng nhu cầu.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Nhằm tạo điều kiện, động viên các hộ dân tham gia kinh doanh du lịch, huyện Mèo Vạc đã và đang thực hiện các cơ chế, chính sách như hỗ trợ mặt bằng, hỗ trợ mỗi hộ kinh doanh 80 triệu đồng. Cùng với đó, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng có cơ chế giảm lãi suất đối với các hộ tham gia kinh doanh dịch vụ có nhu cầu vay vốn. Kể từ khi Làng VHDLCĐ dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ đi vào hoạt động, doanh thu từ hoạt động dịch vụ, du lịch của huyện tăng đáng kể, chỉ tính riêng doanh thu phục vụ lưu trú và ăn uống của huyện Mèo Vạc ước đạt hơn 130 tỷ đồng/năm”.

Theo số liệu thống kê, năm 2023, tỉnh Hà Giang đã đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch (tăng 32% so với năm 2022), doanh thu từ dịch vụ đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Cùng với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, du lịch cộng đồng còn mang lại cho người dân nhiều lợi ích như giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tiêu thụ lượng lớn sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm nghề truyền thống... góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh.

Hà Linh

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập