Kinh tế

Nuôi bò nhốt vỗ béo giúp người dân xã Pả Vi thoát nghèo bền vững

26/11/2014 00:00 182 lượt xem

Là huyện vùng cao có thế mạnh về phát triển chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là nuôi bò hàng hóa. Những năm qua nhiều hộ dân xã Pả Vi triển khai cách làm nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo đã thoát nghèo và có thu nhập kinh tế cao.
Nuôi bò vỗ béo được người dân xã Pả Vi áp dụng từ nhiều năm nay, nhưng đến năm 2007, khi đề án “Trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi đàn gia súc” được triển khai, mới được người dân thực hiện quy mô và nhân rộng hơn. Để đáp ứng nguồn thức ăn cho đàn gia súc, xã đã quy hoạch vùng chuyên canh trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi. Đến nay xã có 254,3 ha cỏ với tổng đàn gia súc của xã gần 3.000 con, trong đó đàn bò hơn 1.000 con. Nuôi bò nhốt vỗ béo đã trở thành một nghề kinh doanh mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong xã, hiện tại toàn xã có trên 20 hộ thực hiện hiệu quả theo mô hình kinh doanh này. Từ những con bò gầy được mua với giá thấp, được người dân mua về chăm sóc vỗ béo, sau từ 2-4 tháng đã mang lại kinh tế cao cho người dân với thu nhập từ 30 – 100 triệu đồng/năm. Pả Vi Thượng và Pả Vi Hạ là 2 thôn có nhiều hộ gia đình chăn nuôi bò vỗ béo nhất của xã.

Gia đình ông Giàng Dũng Sính – Thôn Pả Vi Hạ trước đây rất khó khăn, chỉ biết nhờ vào mấy mảnh nương để trồng ngô, trồng đậu, sau khi được xã tuyên truyền về thực hiện nuôi bò vỗ béo, ông đã hăng hái tiên phong thực hiện. Ông tập trung trồng cỏ để tạo lượng thức ăn dồi dào cho đàn bò của gia đình, bên cạnh đó, gia đình đã đầu tư xây dựng, cải tạo lại chuồng trại với quy mô rộng hơn và thay thế cách chăn nuôi từ chăn thả truyền thống sang chăn nuôi theo hình thức nhốt tập trung. Sau hơn 10 năm nuôi bò vỗ béo, trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có từ 7- 8 con bò. Thu nhập bình quân mỗi năm từ 70- 80 triệu đồng. Ông Sính cho biết: "Trước đây gia đình tôi cũng nuôi bò nhưng chủ yếu là chăn thả tự do nên mất nhiều công sức và thời gian, bò lại chậm phát triển. Từ khi được nhà nước hỗ trợ giống cỏ, gia đình tôi đã thực hiện nuôi nhốt tại chuồng, đàn bò lớn nhanh, đồng thời cũng chủ động được trong việc chăm sóc nên ít xảy ra dịch bệnh".
 Vườn cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc của xã Pả Vi.
 
Ngoài gia đình ông Giàng Dũng Sính còn có một số gia đình khác có nguồn thu nhập từ 40 -70 triệu/năm từ hình thức chăn nuôi này như gia đình ông Vương Minh Tuấn - thôn Pả Vi Thượng, thu nhập từ 60 – 70 triệu/năm, anh Vàng Sìa Lử - thôn Pả Vi Thượng thu nhập từ 40 - 50 triệu/năm.  Nuôi bò nhốt vỗ béo giúp người dân tiết kiệm được nhân công lao động, tránh được tai nạn khi chăn thả gia súc, đồng thời dễ dàng phòng chống bệnh tật và đói rét cho đàn gia súc, đặc biệt là thu nhập từ nuôi bò vỗ béo mang lại lợi nhuận cao và ổn định. Do đó, cách làm này được người dân đồng tình hưởng ứng rất cao. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để nuôi bò vỗ béo. Bà Hoàng Thị Hiên – Phó chủ tịch UBND xã cho biết: "Hiện nay xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động chuyển đổi diện tích đất xấu sang trồng cỏ chăn nuôi, đồng thời chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên xuống các hộ gia đình kiểm tra và tiêm phòng dịch cho đàn gia súc..."

Để mô hình chăn nuôi bò được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, xã Pả Vi đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh mô hình nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo, đồng thời đối với hộ dân nào có nhu cầu vay vốn, xã sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ cho người dân phát triển kinh tế. Đây là một mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện của một xã vùng cao núi đá như Pả Vi, vừa tránh được những rủi ro cho người dân, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh tại địa phương.

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập