Kinh tế

Mèo Vạc thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng

17/07/2023 20:50 172 lượt xem

Là huyện vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, trong thời gian qua huyện Mèo Vạc luôn thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Huyện đã triển khai và thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách của nhà nước đối với người dân như hỗ trợ gạo, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tạo sinh kế cho người dân sống được từ nghề rừng. Qua đó, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần đảm bảo thực hiện tốt chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn huyện.

Mèo Vạc thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng

Là một trong những thành viên trong tổ bảo vệ rừng Phố Mỳ thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán, huyện Mèo Vạc, thời gian qua anh Mò A Hùng và các thành viên trong tổ đã tích cực cùng với người dân nắm bắt tình hình, phân công lịch trực, tuần tra để bảo vệ rừng đầu nguồn. Từ khi thành lập đến nay, mặc dù số tiền chi trả không nhiều, nhưng các thành viên của trạm luôn tích cực tham gia tuần tra rừng không kể ngày hay đêm, nắng hay mưa việc giữ lại màu xanh của những cánh rừng, góp phần giữ gìn nguồn sinh thủy, đảm bảo có nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt cũng như phục vụ sản xuất đã tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên trong tổ giữ rừng. Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán nằm trên địa phận hành chính 6 xã, thị trấn của huyện Mèo Vạc gồm các xã: Lũng Chinh, Tả Lủng, Nậm Ban, Tát Ngà, Sủng Máng và thị trấn Mèo Vạc, tổng diện tích Khu bảo tồn là trên 5.400 ha. Đây là nơi sinh sống và trú ngụ của hàng trăm loài động, thực vật, trong đó có hơn 50 loài thực vật và trên 20 loài động vật quý hiếm, nằm trong danh sách Đỏ của Việt Nam, như: Lan kim tuyến, Bách vàng, Thông đỏ, Cầy bạc má, Cu ly… Đặc biệt, Khu bảo tồn còn đảm nhiệm vai trò duy trì nguồn nước cho toàn bộ thị trấn Mèo Vạc. Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, huyện đã thành lập 4 tổ bảo bảo vệ với 16 thành viên để thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát quản lý và bảo vệ rừng trong khu bảo tồn. Đồng thời tổ cũng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các xã trong khu vực có rừng bảo vệ tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ rừng.

Để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, thời gian qua, Hạt kiểm lâm huyện Mèo Vạc luôn chủ động phối hợp cùng các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư, chủ rừng trên địa bàn huyện. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tại các khu vực trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra điểm nóng về khai thác rừng, phá rừng, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán, hàng năm rà soát, kiện toàn 18 đội xung kích phòng chống chữa cháy rừng xã, thị trấn với 449 thành viên, 199 tổ quần chúng bảo vệ rừng. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên diện tích rừng của huyện luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, không xảy ra tình trạng chặt phá, khai thác lâm sản trái phép và không để xảy ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng.

Trong năm 2022 diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện Mèo vạc là trên 23 nghìn ha, với tổng số tiền trên 16 tỷ đồng. Sau khi được thông báo phân bổ tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch chi trả và niêm yết công khai danh sách tại trụ sở các thôn, UBND các xã. Nhờ được đầu tư, hỗ trợ tiền công trồng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo, chi trả dịch vụ môi trường rừng, đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với đó, cấp ủy chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm những hành vi, vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Nhờ đó diện tích rừng trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên từng năm cả vể số lượng và chất lượng.

Trong thời gian tới, huyện Mèo Vạc tiếp tục chỉ đạo xã xã, thị trấn nhất là đối với các địa phương có diện tích rừng lớn tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân lợi ích từ rừng mang lại; cùng với đó thực hiện hiệu quả công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng và tạo sinh kế cho người dân sống trong khu vực có rừng, có việc làm, nâng cao thu nhập. Có như vậy việc quản lý bảo vệ rừng mới mang lại hiệu quả và mang tính bền vững, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Minh Chuyên

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập