Kinh tế

Mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu ở Mèo Vạc

26/05/2017 00:00 242 lượt xem

Sau hơn một tháng triển khai mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu, đến nay mô hình đã cho ra sản phẩm rau an toàn phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Là người trực tiếp thực hiện mô hình anh Trần Thanh Tùng, tổ 2, thị trấn Mèo Vạc đã được huyện hỗ trợ 220 triệu đồng mua các vật dụng như nhà lưới, hệ thống thuỷ canh, sạn, lọ nhựa, bồn chứa nước, mô-tơ, bộ hẹn giờ điện tử và phân bón sinh học. Sau khi xây dựng xong nhà lưới, anh bắt đầu ươm giống rau cải và rau xà lách trong lọ nhựa. Khi rau mọc được 3 lá mầm, anh đem lọ nhựa đặt lên hệ thống thuỷ canh. Cách 15 phút bộ hẹn giờ điện tử sẽ nối mạch điện, khi đó hệ thống thuỷ canh sẽ tự động bơm nước cho rau theo vòng tuần hoàn, rồi trả nước trở về chỗ cũ. Riêng về phân bón, anh bỏ vào bồn nước để tự hoà tan, sau đó phân bón theo nguồn nước chảy đến từng lọ nhựa chứa cây rau.

Cây rau được trồng theo mô hình thủy canh hồi lưu trong thời gian phát triển

Với cách trồng này, anh Tùng đã cho ra sản phẩm rau an toàn thực sự. Ngay trong vụ rau đầu tiên này, với thời gian khoảng 30 ngày, anh đã trồng trên 3.000 lọ nhựa, khi thu hoạch, trung bình mỗi cây rau đạt trọng lượng 0,2 kg; ước tính sản lượng của mô hình đạt khoảng 600 kg rau an toàn. Theo tính toán của anh Tùng, với giá bán 50 ngàn đồng/kg như hiện tại, sau thời gian một năm canh tác có thể thu hồi lại vốn. Thời gian tới, anh dự định mở rộng diện tích, trồng thêm một số cây bán thủy canh như khoai tây, cà chua… Theo đánh giá, mặc dù nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng cách trồng này không chiếm diện tích đất, lại không mất nhiều thời gian chăm sóc, vừa cho lợi nhuận tương đối cao.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập