Kinh tế

Mèo Vạc xây dựng các sản phẩm theo Đề án OCOP

12/07/2019 00:00 166 lượt xem

Thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã chú trọng xây dựng, phát triển nâng cao chất lượng, số lượng các sản phẩm đặc trưng theo tiêu chí của Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có đa dạng các sản phẩm theo Đề án OCOP, gồm: Sản phẩm dệt thổ cẩm dân tộc Lô Lô; đan lát từ tre, trúc; rượu Tam giác mạch; rượu ngô Chí Sán; rượu Mê Cung đá; thịt bò khô Cao nguyên đá; sản phẩm dệt lanh truyền thống; tương ngô Mèo Vạc; sản phẩm thủ công dân tộc Mông; may mặc dân tộc Nùng; mật ong Bạc hà; trang phục dân tộc Dao; gạo Khẩu mang; gạo DSI; đậu tương Hoa Kiều; thịt lợn đen Lũng Pù... trong đó, có 9 sản phẩm đã có tem, nhãn truy xuất nguồn gốc và có thị trường khá ổn định.

Anh Hoàng A Páo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng, xã Tả Lủng, chia sẻ: HTX chuyên sản xuất các sản phẩm đặc trưng, như: Rượu Tam giác mạch, mật ong Bạc hà; rượu ngô Chí Sán; đậu tương Hoa Kiều. Nhằm đáp ứng các tiêu chí theo Đề án OCOP, HTX đã chủ động liên kết với người dân để thu mua sản phẩm sạch, an toàn đáp ứng các tiêu chí cần thiết; đóng gói bao bì sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất...

Đồng chí Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: Để tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm đặc trưng theo Đề án OCOP, huyện đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông, các ban, ngành, đoàn thể của huyện; các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép vào các buổi tuyên truyền xây dựng Nông thôn mới, họp thôn, sinh hoạt chi bộ, phổ biến qua loa truyền thanh thôn, xã; thành lập các tổ tư vấn; đầu tư, hỗ trợ và quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới mọi người dân và khách du lịch; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mẫu mã, bao bì sản phẩm; rà soát các nhóm sản phẩm mới, tập trung củng cố nâng cao chất lượng, sản lượng các sản phẩm đã có...

Tuy nhiên, việc xây dựng các sản phẩm đặc trưng theo Đề án OCOP còn gặp không ít trở ngại, việc triển khai phương án sản xuất – kinh doanh còn thụ động; nguồn kinh phí còn hạn hẹp, phương thức sản xuất nhỏ lẻ, thủ công...

 Mong rằng, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong xây các sản phẩm đặc trưng của huyện theo Đề án OCOP sẽ là bước đệm lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập