Kinh tế

Mèo Vạc phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch

11/12/2017 00:00 206 lượt xem

Sản phẩm nông nghiệp sạch là sản phẩm không dùng hóa chất, không kích thích tăng trưởng mà mọi thứ phát triển theo một cách tự nhiên. Sản phẩm nông nghiệp không an toàn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Hiểu được ý nghĩa và sự quan trọng của sản phẩm nông nghiệp sạch đối với sức khỏe mọi người nên trong thời gian vừa qua các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Mèo Vạc đã chung sức, đồng lòng cùng người dân chung tay xây dựng những sản phẩm nông nghiệp sạch trên địa bàn.

Trước đây khó khăn lớn nhất của huyện Mèo Vạc về phát triển Đề án tái cơ cấu nông nghiệp là xây dựng các mô hình kinh tế đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy nhiên do nhận thức của người dân còn lạc hậu, chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt theo hình thức truyền thống, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp. Nhưng nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền nên người dân đã thay đổi dần tư duy sản xuất, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, làm giàu một cách bền vững.

Đến thăm mô hình trồng rau nhà lưới của ông Bạch Văn Tuấn, trú tại tổ 4, thị trần Mèo Vạc, ông Tuấn cho chia sẻ: Năm 2012, gia đình ông được các ban, ngành huyện Mèo Vạc hỗ trợ khung sắt để xây dựng mô hình trồng rau nhà lưới với diện tích gần 1.200m2, với vốn đầu tư ban đầu là 50 triệu đồng; gia đình ông đã trồng các loại rau như: cà chua, su hào, bắp cải, súp lơ, rau muống, rau đay… Do sản xuất theo hình thức gối vụ nên vườn rau của gia đình ông luôn duy trì từ 5 đến 10 loại rau. Đến tháng 2 năm 2016 nhằm giảm sức lao động cũng như đảm bảo cây trồng đủ độ ẩm phát triển tốt gia đình ông lắp thêm hệ thống tự tưới nước nhỏ giọt. Được biết gia đình ông không dùng các hóa chất để kích thích tăng trưởng mà chủ yếu là dùng các loại phân bón hữu cơ nên sản phẩm rau của gia đình ông luôn đảm bảo an toàn. Các sản phẩm rau của gia đình được nhập cho các nhà hàng, trường học và phục vụ người dân địa phương. Với mô hình trồng rau nhà lưới sau khi trừ các chi phí đầu tư gia đình ông có thu nhập khoảng 100 triệu/năm.

Ngoài khuyến khích người dân phát triển các sản phẩm rau an toàn, huyện mèo Vạc còn khuyến khích người dân phát triển những sản phẩm an toàn từ chăn nuôi trên địa bàn huyện, tiêu biểu như: Mô hình nuôi lợn đen sinh sản của anh Giàng Mí Phình, trú tại thôn Sảng Chải A, xã Lũng Pù; mô hình chăn nuôi gà, vịt của anh Phàn Chí Hin, thôn Phố Mỳ, xã Tả Lủng; mô hình chăn nuôi bò của anh Vàng Mí Phình, thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi… Đến thăm mô hình nuôi lợn đen của anh Lý Hồng Páo, tại thôn Khâu Vai A, xã Khâu Vai, anh Páo tâm sự: Được hỗ trợ 200 triệu từ nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp, gia đình anh đã xây dựng chuồng trại, lắp đặt hệ thống Bioga hết hơn 100 triệu và mua 40 con lợn đen để nuôi lấy thịt và sinh sản. Do được sự quan tâm, hướng dẫn, tư vấn trực tiếp của các ban, ngành liên quan, gia đình anh đã làm đúng các quy trình từ chăn nuôi đến chăm sóc nên hiện nay đàn lợn gia đình anh đang phát triển tốt. Anh Páo dự tính nếu thuận lợi và thành công sẽ giúp gia đình anh có nguồn thu nhập hơn 100 triệu/năm (sau khi trừ hết các chi phí).

Để khuyến khích người dân phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế tạo ra những sản phẩm an toàn, UBND huyện Mèo Vạc đã làm “cầu nối” giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ như: Nguồn vốn vay từ Nghị quyết 209; vốn vay thanh niên khởi nghiệp; vốn sự nghiệp của huyện; vốn đề án tái cơ cấu của tỉnh… Đồng thời, UBND huyện cũng chỉ đạo các ban, ngành liên quan cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống hướng dẫn người dân các kỹ thuật chăm sóc và nuôi trồng để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập giúp người dân làm giàu tại mảnh đất quê hương.

Đồng chí Lý Xuân Rắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc cho biết: Hiện nay, xây dựng sản phẩm nền nông nghiệp sạch trên địa bàn huyện đã có những bước phát triển khả quan. Song bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn do nhận thức của một số bộ phận người dân còn hạn chế nên vẫn trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống; cách chăm sóc và nuôi trồng của một số mô hình kinh tế vẫn chưa đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; một số người dân còn có tính ỷ lại vào các chính sách của Đảng, Nhà nước. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương huyện Mèo Vạc tiếp tục phải vào cuộc một cách quyết liệt, tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân tạo ra những sản phẩm sạch từ sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn và thách thức hiện nay.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập