Kinh tế

Mèo Vạc chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với đảm bảo an ninh – quốc phòng

14/11/2017 00:00 245 lượt xem

Phát triển mậu dịch biên giới với nước bạn Trung Quốc đã được Đảng bộ, chính quyền huyện Mèo Vạc đưa vào chiến lược để phát triển kinh tế. Đồng thời, còn tạo điều kiện cho nhân dân 2 nước, các tỉnh bạn, huyện bạn tới thăm thân trao đổi, mua bán. Từ đó, tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam – Trung Hoa, giữa Mèo Vạc với bạn bè các nơi ngày càng trở nên gắn bó, ổn định, phát triển bền vững.

Huyện Mèo Vạc, có đường biên giới chung tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc, với tổng chiều dài đường biên trên 41,9 km. Huyện có 3 xã biên giới gồm Thượng Phùng, Xín Cái và Sơn Vĩ, có một cặp cửa khẩu phụ Săm Pun – Điền Bồng và các lối mở nối liền với các cặp chợ biên giới. Những lợi thế đó đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho huyện Mèo Vạc phát triển kinh tế biên mậu. Ngay sau khi Nghị quyết về phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh được ban hành. Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực. Đồng chí Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: Trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, tỉnh và huyện đã triển khai thực hiện xây dựng kè chống sạt lở đường biên giới; nâng cấp, rải nhựa tuyến đường ngã 3 Lùng Thúng – UBND xã Thượng Phùng – Mốc 456; tổ chức đấu nối đường qua Mốc 456 và Mốc 476, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cặp Cửa khẩu Săm Pun – Điền Bồng có sự tăng trưởng đột biến, trong 9 tháng đầu năm 2017 giá trị ước đạt trên 126,9 triệu đô la Mỹ.

Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện còn tổ chức khai thác có hiệu quả mạng lưới chợ nông thôn đặc biệt là các chợ cửa khẩu, chợ biên giới. Lưu lượng người tham gia họp chợ dao động từ 300 – 350 người/phiên chợ, tổng giá trị hàng hóa trao đổi cư dân biên giới ước đạt trên 6 tỷ đồng. Thông qua hoạt động giao thương, người dân hai bên biên giới có cơ hội trao đổi những nét văn hoá đặc sắc, kinh nghiệm làm ăn… càng thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc, tình hữu nghị của cư dân hai bên biên giới.

Công tác đối ngoại được tăng cường và đạt hiệu quả cao. Thường xuyên tổ chức các cuộc hội đàm và đã ký kết Biên bản thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới giữa huyện Mèo Vạc với huyện Phú Ninh và huyện Nà Pô - Trung Quốc. Để đưa công dân Việt Nam sang lao động tại Trung quốc theo con đường hợp pháp, góp phần đảm bảo tốt công tác quản lý Nhà nước về dân cư, xuất nhập cảnh. Các xã biên giới cũng ký kết xã – trấn, xã – hương và thôn hữu nghị. Qua đó tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, cùng phối hợp quản lý tốt đường biên, mốc giới, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, huyện còn triển khai đồng bộ chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng biên giới; đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, trồng rừng gắn với phát triển thương mại dịch vụ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt các chương trình phát triển KT-XH vùng biên, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Có được kết quả trên, là do cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, cụ thể hóa các nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phát huy tiềm năng thế mạnh trong trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng các mô hình phát triển sản xuất. Kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới huyện Mèo Vạc tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu. Tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét nhằm tạo thế và lực mới cho phát triển kinh tế, xã hội biên giới nói riêng, của huyện nói chung và tăng cường sức mạnh về quốc phòng, an ninh cho huyện; phấn đấu đến năm 2020 giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đạt trên 250 triệu USD; 100% các thôn của các xã biên giới có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm trên 6%; 90% dân số trong vùng được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập