Kinh tế

Huyện Mèo Vạc có 12 sản phẩm OCCOP cấp tỉnh giai đoạn 2018 - 2020

04/12/2021 02:45 125 lượt xem

Xác định thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất, thời gian qua huyện Mèo Vạc đã có nhiều cách làm trong xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP.

Huyện Mèo Vạc có 12 sản phẩm OCCOP cấp tỉnh giai đoạn 2018 - 2020
HTX dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng đang thực hiện đóng gói sản phẩm Mật ong bạc hà

Hàng năm huyện kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) nhằm phát huy tốt vai trò trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá các sản phẩm mang thế mạnh của địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về nội dung chương trình, thông qua đó giúp cho các tầng lớp Nhân dân, các chủ thể có nhu cầu tham gia chương trình hiểu về OCOP, lợi ích cũng như điều kiện cần thiết khi tham gia chương trình.

Huyện Mèo Vạc đã phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh; Công ty CP Quy hoạch NN&PTNT Bắc Nam – Hà Nội tổ chức tập huấn cho các chủ thể có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn, tổ chức cho các chủ thể tham gia các buổi tham quan học tập kinh nghiệm tại một số huyện, tỉnh… để phát triển ý tưởng, xây dựng sản phẩm.

Chị Trần Thị Hương, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mèo Vạc cho biết: ”Qua gần 4 năm triển khai, chương trình OCOP đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là về mặt nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn. Thông qua việc tham gia chương trình, các chủ thể sản xuất đã hiểu rõ được lợi ích của chương trình, giúp chủ thể hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới”.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã mang lại cho người dân, đặc biệt là những chủ thể có sản phẩm là thế mạnh của địa phương, phát huy lợi thế, mang thương hiệu đặc trưng của địa phương, vùng; giúp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ và quảng bá các sản phẩm của địa phương nhằm đem thương hiệu sản phẩm của địa phương đi tới người tiêu dùng một cách rộng rãi.

Năm 2021, huyện Mèo Vạc có thêm 6 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh gồm: Trà Cao nguyên xanh; Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông; Rượu Tam giác mạch (hũ sành); Đậu Răng ngựa; Kẹo Tam giác mạch và Trà Tam giác mạch.

Thời gian tới huyện Mèo Vạc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; triển khai chu trình OCOP thường niên, tổ chức rà soát, xác định các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ đặc sản của địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương, có tính độc đáo, có gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường để phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời xác định, nâng cấp sản phẩm/chuỗi sản phẩm chủ lực của huyện; phát triển các tổ chức kinh tế, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP… phấn đấu mỗi năm trên địa bàn huyện trung bình có thêm 4 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Giai đoạn 2021 – 2025 huyện phấn đấu có thêm 20 sản phẩm OCOP trở lên được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận.

Hà Linh

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập