Kinh tế

Hiệu quả từ Đề án “Hỗ trợ vay vốn nuôi bò vỗ béo”

16/08/2015 00:00 239 lượt xem

Là địa phương có thế mạnh phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi Bò. Từ đó, nhiều hộ dân đã thoát được cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, việc chăn nuôi theo cách truyền thống chưa tạo ra được hiệu quả cao, nguồn vốn bỏ ra lâu được thu hồi. Nhận thấy việc chăn nuôi theo hình thức vỗ béo đem lại hiệu quả, trong mấy năm nay, huyện đã chỉ đạo thực hiện thí điểm các mô hình, đề án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, trong đó Đề án “Hỗ trợ vay vốn nuôi bò vỗ béo” bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực.
Đến thăm gia đình anh Lý Văn Trọng và chị Phan Thị Khìn ở thôn Nà Sang, hội viên của Hội nông dân xã Tát Ngà; khi biết được Hội nông dân triển khai Đề án “Hỗ trợ vay vốn nuôi Bò vỗ béo” cho các hội viên, gia đình anh chị đã đăng ký tham gia và được vay 50 triệu đồng. Từ số tiền này và vốn của gia đình, anh chị mua được 2 con bò, 2 con trâu và 2 con lợn về nuôi. Chị Khìn cho biết cách nuôi vỗ béo trâu, bò cũng đơn giản, ngoài cỏ thì cho ăn thêm bỗng rượu, bột ngô,…Vì vậy, trong thời gian ngắn, gia đình đã quay vòng nuôi được 3 lần, xuất bán 5 con trâu, bò và thu lãi trên 30 triệu đồng. Hiện tại, trong chuồng nhà anh chị có 1 con bò, 1 con trâu khi được giá gia đình sẽ bán để lấy vốn quay vòng. Thực tế cho thấy, những năm qua, việc trồng cỏ, chăn nuôi bò đã và đang trở thành hướng đi để xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu cho người dân trong huyện. Tuy nhiên, việc chăn nuôi theo cách truyền thống là chăn thả, nhỏ lẻ, chưa tập trung nên hiệu quả đem lại chưa cao. Nguồn vốn vay lâu được quay vòng.  Đề án “Hỗ trợ vay vốn nuôi bò vỗ béo” được huyện triển khai với sự phối hợp của Ngân hàng Nông nghiệp, được giao cho Huyện đoàn và Hội Nông dân huyện phối hợp triển khai thực hiện. Quy mô thực hiện gồm 24 hộ dân ở xã Tát Ngà và Khâu Vai. Mỗi hộ dân tham gia được vay tối đa 50 triệu đồng với lãi suất 7 - 8%/năm, ngân sách huyện hỗ trợ 50% lãi suất cho các hộ. Thời gian triển khai Đề án là từ tháng 11/2014 đến tháng 8/2015.

Tại xã Tát Ngà, Hội nông dân huyện đã triển khai cho 11 hộ các thôn Nà Sang, Thăm Noong, Pác Dầu và Khuổi Roài. Từ kinh phí được vay, các hộ đã mua trâu, bò gầy về vỗ béo. Trung bình mỗi hộ mua được 2 - 6 con. Trong quá trình triển khai, Hội Nông dân đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y  tập huấn kỹ thuật nuôi bò vỗ béo cho các hộ để đàn gia súc phát triển nhanh và hiệu quả nhất. Huyện đoàn đã triển khai cho 13 hộ đoàn viên thanh niên của thôn Ha Cá, xã Khâu Vai, với mỗi hộ vay là 50 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ đã mua được 2 - 3 con bò. Với sự quan tâm của Huyện đoàn, xã Khâu Vai thường xuyên xuống kiểm tra, hướng dẫn các hộ cách phòng, chống bệnh cho gia súc, giữ gìn vệ sinh chuồng trại nên số Bò phát triển tốt. Trong 9 tháng triển khai đề án, nhiều hộ đã xuất bán được 2 - 3 lần, có hộ xuất bán được 5 lần, trừ chi phí số thu lãi về dao động từ 10 - 30 triệu đồng. Kết thúc 9 tháng triển khai dự án, Huyện đoàn và Hội Nông dân đã phối hợp với Ngân hàng NN & PTNT huyện, xã Tát Ngà, Khâu Vai tiến hành thu hồi vốn của 17 hộ với tổng số tiền thu được là gần 100 triệu đồng nguồn vốn vay ban đầu.

Hiệu quả của Đề án Hỗ trợ vay vốn nuôi bò vỗ béo”  mà huyện triển khai, bước đầu đã đem lại hiệu quả về kinh tế và đặc biệt là bà con có thêm về kiến thức, cách chăn nuôi mới. Song quá trình thực hiện còn có những khó khăn, bất cập như: Thời điểm triển khai thực hiện đề án vào mùa đông thường xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, nguồn thức ăn rất hạn chế… nên việc vỗ béo gặp nhiều khó khăn; nguy cơ rủi ro cao. Qua quá trình triển khai các hộ cũng đã kiến nghị cần nâng mức tiền cho vay cũng như kéo dài thời gian cho vay để các hộ có thêm thời gian vỗ béo, như vậy chất lượng Trâu, Bò xuất chuồng có giá trị cao hơn, hiệu quả đem lại tốt hơn.

Từ hiệu quả bước đầu của đề án, tới đây huyện sẽ tổng kết đánh giá và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai và nhân rộng đề án tới tất cả các xã trên địa bàn huyện, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo. Nhằm khai thác tối đa lợi thế của địa phương trong phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa.
Với sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân, tin tưởng với những mô hình và đề án mà huyện đã triển khai trong phát triển chăn nuôi đại gia súc sẽ góp phần nâng cao giá trị của con bò vàng vùng cao trên thị trường; đặc biệt là góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho người dân.

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập