Kinh tế

Giải quyết việc làm, tăng thu cho lao động nông thôn từ Nghị quyết số 05

14/11/2022 07:12 183 lượt xem

Để giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao đời sống, phát triển kinh tế gia đình, cấp ủy chính quyền địa phương đã triển khai và thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Giải quyết việc làm, tăng thu cho lao động nông thôn từ Nghị quyết số 05
Thương lái đến tận vườn của gia đình Chị Giàng Thị Pháy để mua rau

Việc triển khai thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn xã. Hiện nay, xã đã cải tạo được rất nhiều vườn mẫu trong đó phải kể đến 2 thôn nổi bật như Pả Vi thượng và Pả Vi hạ... Để phát huy hiệu quả, xã đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia chuyển đổi cây trồng từ trồng ngô sang trồng rau, đậu các loại, đồng thời chỉ đạo cán bộ khuyến nông xuống hướng dẫn người dân cách gieo trồng và chăm sóc cây giống. Sau khi cải tạo, hầu hết các vườn mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2 - 3 lần so với ban đầu. Chị Nông Thị Linh, cán bộ Khuyến nông xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc cho hay: “Ngay từ khi 35 hộ đăng ký thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp, tôi đã xuống từng hộ để hướng dẫn cách làm đất, cách gieo trồng và chăm sóc. Qua 1 thời gian ngắn chăm sóc đến nay cây rau các loại đã cho thu hoạch. Người dân mang ra chợ tiêu thụ có những hộ thì bán tại vườn, bình quân bán được 30 -70 bó rau/ ngày. Sau khi bà con thu hoạch rau tôi đều tuyên truyền bà con tiếp tục làm đất để gieo trồng lứa rau tiếp theo, không để đất trống.”

Vườn hộ được quy hoạch khoa học, hiệu quả; sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ thực hiện theo mô hình cải tạo vườn hộ mà người dân đã thay đổi tập quán sản xuất từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm; đồng thời, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt là tăng thêm thu nhập, giải quyết tốt lao động tại địa phương. Theo chia sẻ của chị Giàng Thị Pháy, thôn Pả Vi Thượng xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc với diện tích gần 1ha của gia đình trồng ngô thì cả năm thu được từ 7 - 10 triệu đồng, sau khi chuyển sang trồng rau thì thu nhập một năm được khoảng 40 – 60 triệu đồng, trong khi đó các thành viên trong gia đình có việc làm thường xuyên hơn. Chị Pháy cho biết: “Trồng ngô thì một năm một vụ mà thu nhập thấp lắm, thu hoạch xong thì không có gì làm từ khi được tuyên truyền gia đình tôi chuyển sang trồng rau, thì chồng tôi sẽ tham gia việc cày, xới đất, lên luống, tôi và các con thì gieo hạt, nhổ cỏ, bón phân…Nhờ việc trồng rau mà các thành viên trong gia đình có việc làm thường xuyên hơn, thu nhập cũng ổn định hơn”.

Chị Và Thị Súa, thôn Pả Vi Thượng xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc cho biết thêm: “Nhà tôi trồng đủ các loại rau như su hào, bắp cải, cải chíp, cải làn, hành, tỏi… trồng, chăm sóc từ 2 -4 tháng là đươc thu hoạch. Mỗi tháng tôi mang ra chợ bán, hoặc tiêu thụ tại vườn được khoảng 3 – 5 triệu đồng, với khoản thu nhập này cũng đủ để tôi trang trải sinh hoạt hàng ngày của gia đình”.

Với lợi thế về thổ nhưỡng và giao thông thuận tiện, mô hình cải tạo vườn tạp ở xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc đã và đang tạo hướng đi mới trong sản xuất. Hiệu quả bước đầu từ mô hình đã từng bước giúp người nông dân tự nâng cao đời sống cho gia đình mình, cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương… 

Minh Huệ

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập