Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

TÀI LIỆU HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN

28/01/2024 16:10 36251 lượt xem

Lời giới thiệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Di sản tư tưởng của Người có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.

Ý chí tự lực, tự cường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những năm qua, thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc học tập và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh đã trở thành việc làm thường xuyên, thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, đơn vị; góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong nội bộ; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII xác định rõ: "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt, hiệu quả Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang vào năm 1961; xác định là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị...". Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào chiều sâu, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn và phát hành Tài liệu chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân". Tài liệu gồm 2 phần:

Phần thứ nhất: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường,  nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Phần thứ hai: Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường,  nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn hiện nay.

Trân trọng giới thiệu Tài liệu tới các đồng chí và bạn đọc!

Phần thứ nhất

TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN

I- TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG

Ý chí tự lực, tự cường là phẩm chất cao đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc vì chứa đựng trong đó lòng tự trọng, tự tôn, ý chí vươn lên và khát vọng khẳng định bản thân. Ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam đã bồi đắp tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được thể hiện qua một số nội dung:

Một là, độc lập, tự chủ, không trông chờ, ỷ lại, phụ thuộc vào bên ngoài

Trong những năm đầu thế kỷ XX, khi hầu hết các đảng cộng sản ở châu Âu đều có quan điểm cho rằng, cách mạng ở các nước thuộc địa phụ thuộc hoàn toàn vào cách mạng ở các nước tư bản (chính quốc), cách mạng ở các nước thuộc địa không thể thắng lợi khi cách mạng vô sản ở chính quốc chưa thắng lợi. Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc không tán thành quan điểm đó, Người cho rằng, với ý chí, khát vọng đấu tranh mãnh liệt, bất khuất vì độc lập, tự do, cách mạng ở các nước thuộc địa (trong đó có Việt Nam) hoàn toàn có thể chủ động giành thắng lợi, không phụ thuộc vào việc cách mạng ở chính quốc có thắng lợi hay không. Người cũng chỉ ra mối quan hệ cần thiết, khăng khít giữa cách mạng ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng chính quốc. Trong thời gian hoạt động ở Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đề nghị Quốc tế Cộng sản chú trọng vấn đề xác định đúng vị trí, vai trò của cách mạng thuộc địa trong phong trào cách mạng vô sản thế giới; tích cực giúp đỡ cách mạng thuộc địa về lý luận, phương pháp đấu tranh, đào tạo cán bộ, cổ vũ và hướng dẫn phong trào cách mạng thuộc địa phát triển đúng hướng, có khả năng tự lực, tự giải phóng mình.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng muốn thành công phải "tự lực cánh sinh", "dựa vào sức mình là chính", độc lập, tự chủ, không trông chờ, ỷ lại, phụ thuộc vào bên ngoài, “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã". Người chỉ rõ: Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập.

Hai là, phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, nhưng không phải ở đâu và bất cứ lúc nào quần chúng nhân dân cũng làm được cách mạng. Muốn làm được cách mạng, quần chúng nhân dân phải được giác ngộ, vận động, tổ chức, rèn luyện. Như vậy, mới có thể huy động, tập hợp, phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của mọi lực lượng quần chúng trên cùng một mặt trận, biến ý chí tự lực, tự cường của quần chúng thành sức mạnh cách mạng.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhân dân là phạm trù cao quý nhất. Người nói: "Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân"[1]; "Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, Nhân dân cũng làm được"[2].

Trong phong trào cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân 1930 – 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng đã được huy động, rèn luyện, tập dượt qua ba cuộc tổng diễn tập lớn 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945. Lãnh tụ Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải động viên lực lượng của toàn dân, khi thời cơ cách mạng chín muồi (8/1945), Người đã gửi thư kêu gọi tổng khởi nghĩa trong cả nước. Sức mạnh ý chí tự lực, tự cường của toàn dân được huy động tạo nên thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, thôi thúc Nhân dân ta đứng lên đấu tranh, quy tụ sức mạnh toàn dân trong thế trận chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp nhằm giữ vững nền độc lập dân tộc.

Vai trò và sức mạnh của Nhân dân luôn được Đảng ta phát huy cao độ trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước kể từ khi hòa bình lập lại đến nay, tạo nên những thành tựu vô cùng quan trọng về kinh tế - xã hội, đem lại những thay đổi lớn về diện mạo đất nước trong tiến trình thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Ba là, chủ động, chuẩn bị mọi mặt về các điều kiện của cách mạng; có sự tổ chức chặt chẽ, có phương pháp cách mạng đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng

Để tiến hành cách mạng thì điều kiện trước hết là phải có một đảng cách mệnh có sức mạnh tập hợp tất cả các lực lượng trong một tổ chức chặt chẽ "Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy"[3].

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong tiến trình cách mạng dân tộc, trở thành nhân tố tiên quyết, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dẫn dắt, lãnh đạo nhân dân từng bước đấu tranh, chuẩn bị các điều kiện mọi mặt, đưa tới sự thành công của cách mạng.

Nhờ có phương pháp cách mạng đúng đắn, Đảng ta đã chủ động chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày, Cách mạng tháng Tám diễn ra mau lẹ, ít đổ máu, giành thắng lợi hoàn toàn trên cả nước. Thắng lợi này thể hiện việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa, khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, tinh thần, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tinh thần tự lực, tự cường, có sự tổ chức chặt chẽ, có phương pháp đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục được phát huy và khẳng định trong các giai đoạn cách mạng sau, đưa tới thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước (từ năm 1975 đến nay), đặc biệt trong hơn 35 năm đổi mới (từ năm 1986 đến nay).

Bốn là, nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, kết hợp nội lực và ngoại lực, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại

Ý chí tự lực, tự cường đã giúp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nhận thức rõ sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc chân chính, bao gồm chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, có thể tạo nên sức mạnh nội lực lớn lao giúp một dân tộc bị áp bức, bóc lột tự đứng lên chống lại chủ nghĩa đế quốc, thực dân, giải phóng mình.

Theo Người, nhân tố mang tính quyết định đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chính là sức mạnh của toàn dân tộc. Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường "đem sức ta mà giải phóng cho ta"[4] nhưng đồng thời "phải củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới"[5]. Nói cách khác, phải biết kết hợp khéo léo, chặt chẽ giữa phát huy sức mạnh nội lực và sức mạnh ngoại lực, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng. Đề cao tự lực, tự cường nhưng không rơi vào biệt lập, cô lập. Ngay từ khi tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, phải đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, giai cấp công nhân các nước tư bản và lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, trong mối quan hệ giữa sức mạnh nội lực và sức mạnh ngoại lực, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh nội lực, sức mạnh dân tộc là nguồn lực nội sinh, giữ vai trò quyết định; sức mạnh ngoại lực, sức mạnh thời đại là nguồn lực từ bên ngoài, quan trọng, bổ trợ, gia tăng thêm sức mạnh của dân tộc, phát huy tác động thông qua nguồn lực từ bên trong.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời là minh chứng sống động nhất về sự kết hợp nội lực và ngoại lực, dân tộc và thời đại, trở thành nhân tố quy tụ, thúc đẩy, kết tinh mọi nguồn lực trong và ngoài, đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Năm là, quyết tâm bảo vệ, giữ vững nền độc lập dân tộc; phát huy tinh thần lao động sáng tạo, xây dựng, phát triển đất nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyết tâm bảo vệ và giữ vững độc lập dân tộc "nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", "không có gì quý hơn độc lập, tự do" thể hiện rất rõ khi Tổ quốc bị lâm nguy, khi dân tộc phải đương đầu với những kẻ thù có sức mạnh về kinh tế, quân sự vào hàng cường quốc thế giới, chống lại âm mưu áp đặt chế độ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc thực dân.

Ngay sau khi nền độc lập ra đời, đất nước ta đã phải chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi. Nhờ phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, quyết tâm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, chúng ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng của ý chí, khát vọng độc lập và khí phách Việt Nam. Ý chí và khát vọng độc lập dân tộc tiếp tục được thể hiện qua cuộc đối đầu lịch sử giữa dân tộc Việt Nam và đế quốc Mỹ. Thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước một lần nữa khẳng định sự thắng lợi của ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc của dân tộc Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, ý chí tự lực, tự cường quyết tâm giữ vững nền độc lập của dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc tiếp tục được Đảng ta phát huy trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay.

Công cuộc dựng nước, xây dựng cơ đồ cũng là nội dung xuyên suốt, được phản ánh đậm nét trong lịch sử dân tộc, song hành cùng quá trình giữ nước. Đó cũng là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Song song với nhiệm vụ bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc, Người luôn chú ý đến vấn đề kiến quốc, phát huy tinh thần lao động sáng tạo của mọi người dân, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc mở cửa, hợp tác quốc tế không chỉ nhằm mục đích nhận được sự giúp đỡ của ban bè quốc tế, mà thông qua đó thu hút ngoại lực, thu hút đầu tư tạo ra những điều kiện phát huy tiềm năng của đất nước, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của Nhân dân. Các nước bạn giúp ta cũng như thêm vốn cho ta, do vậy phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài; ta phải khéo léo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng, phát triển khả năng của ta, tức là làm cho nội lực của mình mạnh lên, có điều kiện để mình tự lực cánh sinh chứ không dựa dẫm vào sự giúp đỡ ở bên ngoài.

Ý chí quyết tâm bảo vệ, giữ vững nền độc lập dân tộc; phát huy tinh thần lao động sáng tạo, xây dựng và phát triển đất nước đến nay còn nguyên giá trị, soi sáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, của Nhân dân ta, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước hơn 35 năm qua.

II- TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người nói rằng "tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"[6]. Từ lúc còn là thiếu niên, Người đã thấu hiểu và đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách giải quyết những vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Người nhấn mạnh "muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó khăn đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý"[7]. Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ mà còn khẳng định mục tiêu phấn đấu, chăm lo cho Nhân dân của các cơ quan Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Sau khi đã giành được độc lập rồi thì vấn đề kiến quốc là hết sức quan trọng. Bởi vì, "nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"[8]. Với nhận thức đó, cùng với chỉ đạo kháng chiến, Hồ Chí Minh tập trung vào nhiệm vụ kiến quốc. Kháng chiến và kiến quốc gắn bó chặt chẽ với nhau. Muốn kháng chiến thành công thì phải có sức dân, lòng dân. Muốn có sức dân, lòng dân thì phải nâng cao đời sống Nhân dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay:

1. Làm cho dân có ăn;

2. Làm cho dân có mặc;

3. Làm cho dân có chỗ ở;

4. Làm cho dân có học hành.

Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập"[9].

Người cho rằng "hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ". Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của Nhân dân. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục Nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được"[10]. Rất ngắn gọn và giản dị, Người khẳng định: Mục đích của chủ nghĩa xã hội nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Mục tiêu cốt lõi để Nhân dân không còn đói nghèo, được bảo đảm về an sinh xã hội: Việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở... các chủ trương, chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ phải luôn hướng tới sự ổn định và phát triển xã hội, đem lại hạnh phúc cho con người; phải được thực thi hiệu quả mới góp phần làm ổn định xã hội, phát huy nguồn lực từ dân, sức dân, khả năng sáng tạo của Nhân dân để mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ cần phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa. Phát triển kinh tế nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất, phát triển văn hóa là tạo cơ sở, nền tảng tinh thần cho đời sống Nhân dân. Hai lĩnh vực này có quan hệ tác động biện chứng với nhau. Người chỉ rõ: “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân"[11]. Trong phát triển văn hóa cần toàn diện các lĩnh vực: Văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa giáo dục, văn hóa văn nghệ, văn hóa đời sống… và phải đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân.

Theo Người, "chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh"[12], vì vậy, phải đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế "Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm"[13]. Như vậy, ở Hồ Chí Minh, quan điểm về mục tiêu thống nhất với quan điểm về động lực, vì mục đích kinh tế là phục vụ nhân dân nên phải dựa vào dân, biết phát huy sức người, sức của, tinh thần làm chủ của dân để làm cho sản xuất phát triển. Người nói: "Đảng và Nhà nước ta dùng lực lượng của Nhân dân để xây dựng cho Nhân dân một đời sống ngày càng sung sướng. Đó là chủ nghĩa xã hội"[14].  Người dặn trong Di chúc "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân".

Đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân: Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu, một cách nhất quán về đạo đức. Người để lại cho chúng ta nhiều phẩm chất đạo đức quý báu, cốt lõi là chí công vô tư, tức là nêu cao chủ nghĩa tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Điểm xuất phát tiến đến chí công vô tư là "lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào", làm cán bộ, đảng viên là phải "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ".

Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân thể hiện rất rõ ở quan điểm khi Người nói về một trong những điều tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: "Đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân".

Hồ Chí Minh quan niệm phẩm chất cao đẹp nhất của người cách mạng là "yêu nước, thương dân", thương nhân loại bị áp bức, bóc lột, lấy điều đó là động cơ để làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc"[15]. Người cách mạng phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, để hết lòng, hết sức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Ngoài  lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Theo Hồ Chí Minh, phận sự của đảng viên và cán bộ là phải tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và nâng cao sinh hoạt, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa cho Nhân dân. Chăm lo đời sống Nhân dân là sứ mệnh của Đảng ngay từ khi ra đời. "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng"[16]. Chừng nào cuộc sống của Nhân dân còn đói nghèo, chưa được no ấm, hạnh phúc thì chừng đó, các cấp ủy đảng, chính quyền nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng chưa hoàn thành tốt chức trách và nhiệm vụ của mình trước Nhân dân.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội chưa phải ở mức sống vật chất cao mà trước hết là ở giá trị đạo đức của nó, ở phẩm chất đạo đức của những người cộng sản bằng tấm gương sống và hành động của mình, trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là giải phóng nhân dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Theo Hồ Chí Minh mục đích của chủ nghĩa xã hội: "Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trước hết là nhân dân lao động"[17]. Từ mục tiêu tổng quát, Hồ Chí Minh diễn đạt thành những tiêu chí cụ thể: "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội"[18].

Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên tu dưỡng đạo đức không chỉ ở những việc lớn, mà phải quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của Nhân dân, từ cái ăn, cái mặc, đi lại, học hành, chữa bệnh. Phải biết tiết kiệm từng đồng tiền, hạt gạo của dân. Người cho rằng khi đất nước còn khó khăn, nhân dân còn thiếu thốn thì Chủ tịch nước mặc áo vá là có phúc cho dân tộc. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước phải trải qua nạn đói khủng khiếp, Hồ Chí Minh chủ trương tăng gia sản xuất, mỗi người mười ngày nhịn ăn một bữa để góp gạo cứu đói và Người cũng đổ lon gạo của mình vào hũ tiết kiệm như mọi người dân.

Trăn trở về đời sống nhân dân, trong Di chúc, Người không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước "chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân".

Phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân: Trong sự nghiệp kiến thiết chủ nghĩa xã hội, Người cho rằng "hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ"[19]. Người nói: "một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu cực khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên", Người biến tình thương thành trách nhiệm của bản thân.

Theo Người, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. Người luôn luôn gương mẫu, thực hiện nói đi đôi với làm, "gần dân" thì phải tăng cường tiếp xúc với dân. Khi đi thăm dân, Người không muốn tiệc tùng tốn kém theo kiểu "khách ba, chủ nhà bảy" để mang tiếng với dân, Người cũng phê bình việc liên hoan chè chén, lu bù còn phổ biến ở nhiều địa phương, như bắt đầu cấy cũng liên hoan, cấy xong cũng liên hoan, rồi huyện về điều tra cũng liên hoan, tiễn cán bộ huyện đi cũng liên hoan, cải tiến cũng liên hoan, nghe nói họp bàn về tiết kiệm cũng liên hoan mấy con lợn… Bác thường kể câu chuyện "có nơi Bác về thăm, cán bộ làm thịt cả một con bò và bảo rằng "để chiêu đãi Hồ Chủ tịch"; thế là họ "ăn" cả Hồ Chủ tịch. Phải tích cực sửa chữa"[20].

Nói chuyện tại hội nghị sản xuất cứu đói, Người chỉ rõ: "Khi thiếu gạo, cán bộ không biết tổ chức sản xuất tự cứu, không biết tổ chức nhân dân giúp đỡ nhau. Không biết tổ chức trưng vay. Khi nhận được gạo, lại còn cấp phát tràn lan, chậm chạp, gạo đến người đói chậm, người không đói cũng nhận được gạo. Quá tệ hơn nữa là gạo của Chính phủ giúp dân, chừng một nửa đến tay dân đói, còn một nửa bị tham ô, lãng phí"[21]. Theo Hồ Chí Minh, tham nhũng là tội ác với dân, cần nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, ở cương vị nào.

Phần thứ hai

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

VỀ Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

I- CHỦ TRƯƠNG, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG VỀ PHÁT HUY Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN

1. Chủ trương, quan điểm của Đảng

Ý chí tự lực, tự cường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, là điểm tựa quan trọng để Đảng và Nhà nước xây dựng đường lối lãnh đạo đất nước. Quán triệt, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh đến "nội lực bên trong", ý chí tự cường để hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), về quan điểm, mục tiêu đề ra là: "Khơi dậy mọi tiềm năng của mỗi cá nhân, mỗi tập thể lao động và của cả cộng đồng dân tộc, động viên và tạo điều kiện cho mọi người Việt Nam phát huy ý chí tự lực, tự cường, cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ra sức làm giàu cho mình, cho đất nước"[22]. Văn kiện Đại hội VIII (1996) nhấn mạnh: "Khơi dậy trong nhân dân lòng yêu nước, ý chí quật cường, phát huy tài trí của người Việt Nam, quyết tâm đưa nước nhà ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu"[23]. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 là Chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Với mục tiêu: Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho Nhân dân.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước"[24]. Đồng thời khẳng định sự cần thiết trong việc phát huy vai trò của Nhân dân, thực hiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân: "Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó, nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất"[25].

Trong tổng kết bài học kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Văn kiện Đại hội XIII, cũng nhấn mạnh đến việc phát huy sức dân, chăm lo cho dân: “Quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân"[26].

2. Quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh về phát huy ý chí tự lực, tự cường,  nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân

Phát huy ý chí tự lực, tự cường là nội dung được Đảng bộ tỉnh Hà Giang đặc biệt đề cao. Trong Chương trình số 14-CTr/TU, ngày 13/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra khẩu hiệu hành động: "Quyết tâm không cam chịu đói nghèo; biến khó khăn thành cơ hội phát triển; vì Hà Giang phát triển, hãy làm việc nhiều hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn". Xây dựng nền văn hóa và con người Hà Giang phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học và giàu bản sắc truyền thống; xây dựng con người Hà Giang tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh tại Nghị quyết Đại hội XVII nêu rõ: Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đi đôi với thực hiện dân chủ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo vệ môi trường; tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc của tỉnh.

3. Một số kết quả trong phát huy ý chí tự lực, tự cường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân (giai đoạn 2021- 2023)

* Trên lĩnh vực kinh tế: Tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh sẵn có, vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 5,94%; tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 30,4% (đầu nhiệm kỳ), xuống còn 28,7%; khu vực công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng từ 23% lên 25,4%; khu vực thương mại, dịch vụ duy trì mức 40,7%. Tập trung đột phá kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối vùng cao. Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã tập trung bố trí nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông 8.455 tỷ đồng với nhiều dự án lớn được triển khai như: Khởi công Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, hoàn thành nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 279 đoạn nối thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang với xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai; đường tỉnh 177 Bắc Quang đi Hoàng Su Phì…

Thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 và các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp; giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế tăng đều qua các năm, năm 2023 ước đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2020. Chú trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, triển khai các bộ giống mới có giá trị kinh tế cao; tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng 4,66%. Tiếp tục phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư, nhất là những dự án về du lịch quy mô lớn, chất lượng cao; lượng du khách đến Hà Giang ngày một tăng, trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 1,418 triệu lượt khách, ước trong năm 2023 có khoảng 3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 5.000 tỷ đồng.

* Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội: Công tác giáo dục được quan tâm đầu tư, phát triển; quy mô, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố, sắp xếp tinh gọn; 11/11 huyện, thành phố thành lập Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT; thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh và củng cố, nâng cao chất lượng các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các trường, lớp học đạt chuẩn theo tiêu chí, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt 63,5%; có 314/615 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 51,06%; duy trì và nâng chuẩn về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt kết quả tốt[27]. Đồng thời, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã; các trạm y tế tuyến xã đều có bác sỹ đến công tác; tỷ lệ bác sỹ, giường bệnh trên vạn dân ổn định[28]. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên, các dịch vụ y tế hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, liên kết trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh phát huy hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đẩy mạnh xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc; phong trào thể dục thể thao có bước phát triển rộng khắp.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm, chú trọng phát huy nội lực theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm" trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ các mô hình, dự án phát triển sản xuất tại các huyện nghèo, xã nghèo với hơn 13.616 hộ nghèo, cận nghèo hưởng lợi. Kết quả, giảm được 8.889 hộ nghèo và cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 37,08%, hộ cận nghèo còn 12,87%; bố trí 1.810 tỷ đồng để tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân;  huy động nguồn lực xã hội hóa và triển khai hoàn thành hỗ trợ xây dựng 3.113 căn nhà cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới (giai đoạn 2); hỗ trợ xây dựng 47 nhà Đại đoàn kết từ Quỹ "Vì người nghèo", sửa chữa 503 nhà ở cho các gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn.

Trên lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức được quan tâm, coi trọng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, triển khai thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng với nhiều hình thức đa dạng, kịp thời, phù hợp với thực tiễn. nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quan tâm kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế.

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, số lượng, chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát được nâng cao. Trong giai đoạn 2021 – 2023, cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra 5.535 cuộc, đối với 1.619 tổ chức đảng và 5.818 đảng viên, trong đó có 1.001 cấp ủy viên các cấp; ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 1.826 cuộc, đối với 1.893 tổ chức đảng, 384 đảng viên. Qua kiểm tra, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 21 tổ chức đảng, 744 đảng viên, trong đó có 163 cấp ủy viên các cấp.

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, đối ngoại: Thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh[29], xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; làm tốt công tác xây dựng, củng cố lực lượng, huấn luyện, diễn tập, hiệp đồng sẵn sàng chiến đấu; rà phá bom, mìn, vật nổ và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ[30]. Các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân được đẩy mạnh; tăng cường giao lưu, hợp tác, ký kết thỏa thuận với các tổ chức, đối tác nước ngoài; đẩy mạnh quan hệ với các địa phương đối đẳng phía Trung Quốc đi vào chiều sâu, thực chất.

II - MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ Ý CHÍ TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

1. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung

- Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc phát huy ý chí tự lực, tự cường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

- Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, nâng cao đời sống vật chất của Nhân dân với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

- Chú trọng việc xây dựng, biểu dương và nhân rộng những mô hình, cách làm hay về ý chí tự lực, tự cường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

- Thường xuyên sơ kết, tổng kết việc triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng các cấp về phát huy ý chí tự lực, tự cường trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

- Chủ động đấu tranh, ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch về thành quả phát huy ý chí tự lực, tự cường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường,  nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

2. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát huy ý chí tự lực, tự cường

2.1. Đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

- Coi trọng công tác xây dựng Đảng, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng để lãnh đạo thực hiện có hiệu quả việc phát huy ý chí tự lực, tự cường,  nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

- Chú trọng công tác xây dựng Đảng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kết hợp chặt chẽ giữa tự tu dưỡng, rèn luyện, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên với tăng cường giáo dục, bồi dưỡng và giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, là trung tâm đoàn kết, có năng lực tập hợp, quy tụ trí tuệ tập thể, nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, dám nhìn nhận khuyết điểm để sửa sai và quyết liệt trong lãnh đạo, đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế.

- Kiện toàn tổ chức cơ sở đảng đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và công tác cán bộ. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong khu vực ngoài nhà nước, nhất là trong doanh nghiệp tư nhân; triển khai thực hiện hiệu quả mô hình "chi bộ bốn tốt", "đảng bộ cơ sở bốn tốt"; thực hiện tuyển dụng cán bộ, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật và cạnh tranh; có cơ chế để phát hiện, đánh giá lựa chọn cán bộ có năng lực nổi trội để đào tạo, giao việc, thử thách.

- Quyết liệt đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch; củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

- Thực hiện đúng phương châm Đảng nói dân tin, chính quyền quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội vận động nhân dân, luôn gắn bó với dân, dựa vào dân, bám sát cơ sở, lắng nghe những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

2.2. Đối với phát triển kinh tế

- Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm và giải ngân các nguồn vốn: Đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 chương trình mục tiêu quốc gia…

- Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường thực hiện các cơ chế, chính sách để xã hội hóa đầu tư, thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín đầu tư vào tỉnh. Khuyến khích đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Phát huy vai trò tích cực, chủ động nâng cao năng suất lao động, mở rộng quy mô, cải tiến kỹ thuật của các cơ sở sản xuất; thúc đẩy sản xuất các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh gắn với đầu tư, hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ bền vững.

- Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển các vật nuôi có thế mạnh của tỉnh. Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP; phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng thôn, xã, huyện nông thôn mới. Tạo cơ hội, động lực, khuyến khích người dân tích cực, sáng tạo trong lao động, sản xuất, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

- Xây dựng và mở rộng các loại hình thương mại hiện đại, phát triển thương mại điện tử. Sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với thực tế, triển khai, lồng ghép hiệu quả các cơ chế, chính sách để có nguồn lực thúc đẩy liên kết phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và đầu tư hạ tầng sản xuất.

- Tập trung phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, bảo vệ di sản Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ du lịch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

2.3. Đảm bảo quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế

- Tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu cao; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc từ cơ sở; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

- Tích cực, chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực; duy trì và phát triển quan hệ hợp tác toàn diện và triển khai hiệu quả các thỏa thuận, chương trình hợp tác với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; từng bước mở rộng quan hệ, hợp tác kinh tế với các đối tác khác của các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…

3. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân

- Tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII còn đạt thấp, như: Đường giao thông, điện các xã biên giới; huyện, xã đạt tiêu chí nông thôn mới… gắn với triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Lồng ghép, đa dạng hóa các nguồn lực và ưu tiên cho bộ phận người yếu thế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Huy động các nguồn lực để đầu tư các công trình nước, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho Nhân dân các huyện vùng cao núi đá phía Bắc.

- Tiếp tục quy hoạch, từng bước di dời, sắp xếp ổn định các hộ dân sống rải rác, sống tại vùng nguy cơ sạt lở. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đảm bảo an sinh xã hội đối với các đối tượng xã hội, người có công với cách mạng.

- Đẩy mạnh phát triển sinh kế, phát triển ngành nghề mới; đổi mới nội dung, chương trình, phương thức nâng cao chất lượng đào tạo nghề; tăng cường giải pháp kết nối cung - cầu, tư vấn, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở trong nước và nước ngoài.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 18/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025; Đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2030. Rà soát, tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, hợp lý về cơ cấu, vững vàng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Nghiên cứu sửa đổi và kiến nghị sửa đổi các chế độ, chính sách đối với học sinh tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục tinh gọn, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu. Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học là người dân tộc thiểu số; chú trọng giáo dục văn hóa truyền thống và đưa lịch sử địa phương, kỹ năng sống vào trường học. Củng cố, nâng cao chất lượng xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở.

- Quan tâm công tác kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các đơn vị y tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh; đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng. Tăng cường năng lực cho y tế tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Nâng cao y đức trong cán bộ, nhân viên y tế; bổ sung trang thiết bị y tế chất lượng cao để phát triển các dịch vụ kỹ thuật mới.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Đẩy mạnh việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Quan tâm đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa trọng điểm trên địa bàn; đồng bộ hóa hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở phù hợp với từng địa phương, dân tộc; cải tạo, xây dựng cảnh quan, các công trình vui chơi giải trí, thể thao công cộng, môi trường sống tại các khu dân cư.

KẾT LUẬN

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, việc nêu cao ý chí tự lực, tự cường luôn được cấp ủy đảng quan tâm, chú trọng.  Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu: “Phấn đấu xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước”. Vì vậy, thực hiện tốt chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường,  nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân là giải pháp quan trọng góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh, ý chí con người Hà Giang trong thời kỳ mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 cũng như trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.10,tr.453.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12,tr.492.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2,tr.289.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3,tr.596.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.9,tr.70.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.187.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.47 - 48.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.64.

[9] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.175.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.518.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.13, tr.164.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.10, tr.390.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.81.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.13, tr.432.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.603.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.289.

[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.30.

[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.438.

[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.402.

[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.527.

[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.519.

[22] ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.51, sđd 2007, tr 154.

[23] ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.55, sđd 2007, tr 388-389.

[24]  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H 2021 t1 tr.110

[25] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H 2021  t1 tr.110, 111.

[26] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H 2021 t1 tr.96

[27] Tỷ lệ huy động học sinh 6-14 tuổi đến trường đạt 99,16%, trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 99,69%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,87%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT và tương đương đạt 66,75%.

[28] Toàn tỉnh hiện có 988 bác sỹ đang làm việc, đạt trung bình 10,5 bác sỹ/10.000 dân; 1,05 dược sỹ đại học/10.000 dân; bình quân 4,7 cán bộ/trạm y tế xã; toàn tỉnh có 193/193 xã có bác sỹ và nữ hộ sinh/y sỹ sản nhi công tác.

[29] Tham gia thẩm định 332 quy hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

[30] Tìm kiếm quy tập 66 bộ hài cốt liệt sĩ và tổ chức truy điệu, an táng đúng nghi lễ.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập