Văn hóa - Xã hội

Mèo Vạc trên lộ trình đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

14/12/2017 00:00 177 lượt xem

Dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, song công tác đổi mới dạy và học trong năm học 2017-2018 đã và đang được chỉ đạo triển khai đồng bộ ở tất cả các đơn vị trường học, từ trường chính đến các điểm trường lẻ. Qua đó, đã và đang góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở huyện Mèo Vạc lên một tầm cao mới.

Năm học 2017 – 2018, Trường PTDT bán trú Tiểu học Sủng Trà, xã Sủng Trà có 32 lớp với 632 học sinh, trong đó trường chính có 17 lớp và 15 lớp ở điểm trường. Đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy và học được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường trong những năm qua. Năm học này được sự quan tâm của huyện đầu tư về cơ sở vật chất cũng như thực hiện theo đề án chuyển học sinh từ các điểm trường về trường chính; Vượt qua những khó khăn ban đầu, hiện nay Trường PTDT bán trú Tiểu học Sủng Trà đã nâng tỷ lệ duy trì sỹ số học sinh chuyên cần đạt 98% trở lên và chất lượng giáo dục cũng được nâng lên rõ rệt. Thầy giáo Trần Văn Nguyện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thay vì truyền thụ kiến thức một chiều, ở Trường PTDT bán trú Tiểu học Sủng Trà, phương pháp dạy và học hiện nay có sự thay đổi đáng kể; giáo viên đã lấy học sinh làm trung tâm trong triển khai tiết học, nhớ đó giờ học sôi nổi, có thảo luận, có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Học sinh chủ động tìm hiểu, chiếm lĩnh kiến thức, phát huy năng lực, phẩm chất và cả các kỹ năng cần thiết, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, rèn luyện sự tự tin....Quán triệt tinh thần chỉ đạo và yêu cầu Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị về “Đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay”, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học Sủng Trà đã không ngừng nỗ lực trau dồi kiến thức, tham gia các lớp tập huấn chuyên môn và không ngừng tìm tòi, sáng tạo để đưa phương pháp dạy học mang tính tích cực, phù hợp với từng đối tượng và với xu hướng tiếp nhận kiến thức của học sinh. Việc đổi mới cách đánh giá học sinh cũng được cán bộ, giáo viên nhà trường nhận thức đầy đủ hơn, thường xuyên cập nhật các văn bản hướng dẫn thực hiện mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với học sinh, nhà trường cũng chú trọng các hoạt động như: Giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh thông qua các môn học, hoạt động giáo dục và xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Với Trường THCS thị trấn Mèo Vạc, đây là ngôi trường đang đi đầu trong mọi hoạt động giáo dục của huyện. Cùng với hoạt động dạy và học, các hoạt động ngoại khóa được tổ chức đa dạng, phong phú, cơ sở vật chất ngày càng khang trang, kiên cố. Hàng năm theo đánh giá, Trường THCS thị trấn Mèo Vạc luôn có tỷ lệ học sinh khá, giỏi cao. Trong công tác đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cũng đã và đang được triển khai bằng nhiều giải pháp, theo hướng: “Đổi mới sinh hoạt chuyên môn, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy năng lực tự học và tự sáng tạo của học sinh”, đây là chủ đề năm học 2017-2018 đã cho thấy rõ quyết tâm của thầy và trò nhà trường. Từ các hội thảo chuyên đề cấp huyện, cấp trường, tham gia các lớp tập huấn được tổ chức ngay từ đầu năm học, đội ngũ cán bộ, giáo viên được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng để đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy và học. Năm học 2017-2018, Trường THCS thị trấn Mèo Vạc có tổng số 336 học sinh với 12 lớp. Thực hiện tốt các phong trào thi đua làm động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đơn vị, luôn quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên mạnh về chuyên môn nghiệp vụ và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục miền núi, nhờ vậy mà 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường hiện nay đều đã đạt chuẩn và trên chuẩn. Đây là nhân tố quan trọng để nhà trường áp dụng thành công phương pháp đổi mới dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Những phương pháp đổi mới như phương pháp “Bàn tay nặn bột”, phương pháp “Mảnh ghép”, phương pháp “Khăn trải bàn”... được các thầy cô giáo áp dụng tại Trường THCS thị trấn Mèo Vạc đã phát huy tính tích cực, sự sáng tạo. Song song với đổi mới phương pháp, nhà trường cũng triển khai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả các thiết bị trong hoạt động dạy và học. Hiện tại trường đã trang bị máy chiếu ở các lớp học, một phòng tin học, mạng Internet được thực hiện cho toàn bộ hệ thống máy tính quản lý và phục vụ học tập của cán bộ, giáo viên và học sinh. Không có học sinh bỏ học, lưu ban; học sinh khá, giỏi chiếm tỷ lệ ngày càng cao, công tác giáo dục mũi nhọn được quan tâm khi số lượng học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh của nhà trường năm sau cao hơn năm trước.

Từ đổi mới công tác dạy và học, có thể nhận thấy ở học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mèo Vạc hiện nay, các em đã dần có khả năng giao tiếp tốt hơn, có sự tự tin và đặc biệt là hứng thú với việc đến trường, hăng hái tham gia hoạt động học tập, rèn luyện. Tỷ lệ huy động học sinh 6-14 tuổi đến trường đạt 98 % năm 2017. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tăng dần qua các năm. 7/56 trường đến nay đã đạt chuẩn Quốc gia. Đối với Mèo Vạc, dù còn rất nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng đổi mới công tác dạy và học vẫn được triển khai tích cực, đồng bộ, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện.

Với những nỗ lực và hướng đi đúng, ngành Giáo dục và đào tạo huyện Mèo Vạc phấn đấu tiếp tục gặt hái được những kết quả dạy và học cao hơn nữa, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Góp phần nâng cao dân trí cho con em các dân tộc vùng cao, từng bước xây dựng nền tảng tri thức cho thế hệ trẻ những con người kế cận trong tương lai.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập