Văn hóa - Xã hội

Mèo Vạc “đánh thức” tiềm năng du lịch

15/03/2017 00:00 141 lượt xem

Nằm trong vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá (ĐCTC CNĐ) Đồng Văn, huyện Mèo Vạc có tiềm năng lớn về phát triển du lịch (DL), bởi không chỉ có những danh thắng nổi tiếng mà nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Xác định đưa DL trở thành “mũi nhọn” trong phát triển KT – XH, Mèo Vạc đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm “đánh thức” ngành “công nghiệp không khói”, từng bước mở ra hướng đi thoát nghèo bền vững cho người dân địa phương.

Được biết, hiện nay huyện Mèo Vạc có 5 di tích văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia: danh thắng Mã Pì Lèng, hóa thạch Huệ Biển, Hang Rồng, lễ hội mừng năm mới của dân tộc Giáy, tri thức canh tác thổ canh hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang; 1 di tích cấp tỉnh Chợ tình Khâu Vai. Cùng với đó, hệ thống di tích lịch sử cách mạng và các danh lam thắng cảnh được giữ gìn, tôn tạo; các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị như: lễ hội cầu mưa của dân tộc Lô Lô, lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, lễ hội múa trống của dân tộc Giáy, lễ hội cấp sắc của dân tộc Dao... Các hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức sôi động, đa dạng, phong phú; quan tâm quảng bá nét văn hóa của huyện thông qua tổ chức Tuần văn hóa, DL lễ hội Chợ tình Khâu Vai, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, hoạt động Chợ đêm…

Đồng chí Nguyễn Thị Chanh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mèo Vạc cho biết: “Hiện nay, ngành DL của huyện có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng; khách DL tăng nhanh theo từng năm; hạ tầng DL được chú trọng đầu tư; các cơ sở lưu trú, hệ thống nhà hàng, dịch vụ được mở rộng, gắn với đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ; sản phẩm DL, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hợp tác DL bước đầu được đẩy mạnh”. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế phát triển DL trên địa bàn huyện Mèo Vạc thời gian qua có thể nhận thấy, sự gắn kết giữa bảo tồn văn hóa với hoạt động DL chưa rõ nét. Bên cạnh đó, một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc đang dần bị mai một do ảnh hưởng của cơ chế thị trường; một bộ phận nhân dân chưa quan tâm đến việc duy trì, bảo tồn, giữ gìn phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Mặc dù là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển DL nhưng đến nay, ngành “công nghiệp không khói” vẫn chưa mang lại nhiều thay đổi trong đời sống người dân. Thậm chí, các danh thắng, di sản phân bố rải rác ở một số xã nhưng vẫn chưa hình thành được các tua, tuyến trên địa bàn và kết nối ra các địa phương khác; dịch vụ DL chưa đa dạng; khai thác, sử dụng các dịch vụ từ DL cộng đồng còn hạn chế, chủ yếu dừng lại ở dịch vụ ăn, nghỉ. Đến nay, các xã, thị trấn trong huyện đã thành lập Hội nghệ nhân dân gian nhưng hoạt động mang tính thời vụ; chất lượng các Làng văn hóa DL cộng đồng chưa thực sự đáp ứng được các tiêu chí phục vụ khách đến thăm quan, trải nghiệm; việc xây dựng thương hiệu sản phẩm DL từ nông nghiệp còn ít…

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc nhận định: “Việc chưa phát huy được thế mạnh về DL là do việc lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, đồng bộ; công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, DL còn lúng túng và còn yếu về công tác xã hội hóa. Do đó, huyện xác định phát triển văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển KT – XH; bảo tồn, phát triển văn hóa gắn với DL phù hợp với điều kiện thực tế và từng dân tộc; phấn đấu trở thành huyện trọng điểm về văn hóa, DL của tỉnh”. Để thực hiện mục tiêu đó, huyện đã vận dụng linh hoạt, có hiệu quả các cơ chế, chính sách để tổ chức quản lý, thu hút đầu tư phát triển DL. Đồng thời, chú trọng công tác quy hoạch để khai thác lợi thế về địa mạo, điều kiện tự nhiện và văn hóa tiêu biểu của huyện; quy hoạch phát triển thị trấn Mèo Vạc thành trung tâm văn hóa DL và mang sắc thái văn hóa riêng của các dân tộc; trong đó chú trọng đến văn hóa dân tộc Mông – chủ thể văn hóa trên vùng CNĐ. Bên cạnh đó, thành lập tổ khảo sát, nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các giá trị, di sản văn hóa truyền thống các dân tộc; đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy trong các trường học; tôn tạo, bảo vệ các di sản văn hóa gắn với tạo lập môi trường, cảnh quan DL; khôi phục những nét văn hóa đang dần bị mai một; phát triển các làng nghề truyền thống gắn với tạo ra các sản phẩm phục vụ DL như: trang phục dân tộc Mông, nghề đan quẩy tấu, chế tác khèn Mông…

Với các giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược nhằm đánh thức  tiềm năng ngành “công nghiệp không khói”, cùng các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người dân và các thành phần kinh tế tham gia phát triển DL, dịch vụ đang tạo đà giúp Mèo Vạc phát huy tiềm năng, thế mạnh về DL. Trong tương lai gần, khi DL gắn liền với lợi ích người dân khi đó sẽ là sinh kế giúp họ vươn lên thoát nghèo. 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập