Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chuyên đề năm 2023: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững quê hương, đất nước” (phần 1): Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và yêu cầu xây dựng nền văn hóa mới

29/06/2023 15:21 6953 lượt xem

Quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa

Khoá họp lần thứ 24 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris (từ ngày 20/10 đến 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi nhận “năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”.

Theo Nghị quyết của UNESCO, “Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của tinh thần dân tộc, Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Hồ Chí Minh là một con người hội tụ nhiều tư tưởng thể hiện khát vọng của các dân tộc trên thế giới trong việc khẳng định bản sắc văn hóa và trong những nỗ lực nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau”.

Hầu hết các từ điển ghi nhận rằng văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử và tiêu biểu cho trình độ mà xã hội đã đạt được trong từng giai đoạn về các mặt học vấn, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, triết học, đạo đức, sản xuất…

Thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh hoa văn hóa thế giới và các giá trị văn hóa dân tộc, thông qua các hoạt động thực tiễn phong phú của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ ý nghĩa lớn lao và vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa. Tháng 8/1943, khi còn ở trong nhà tù của quân Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm nhấn mạnh ý nghĩa của văn hóa. Người viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Khái niệm văn hóa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra đã khái quát nội dung rộng nhất của phạm trù văn hóa, bao hàm các hoạt động vật chất và tinh thần của con người cùng với các giá trị mà con người sáng tạo ra nhằm đáp ứng lẽ sinh tồn, đồng thời cũng là mục đích sống của loài người, là nguồn gốc, động lực sâu xa của văn hóa. Điểm đặc sắc và độc đáo trong định nghĩa này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến một vấn đề rất quan trọng: Phương thức sử dụng các kết quả của sự sáng tạo. Đây chính là thước đo trình độ văn hóa của con người. Nếu phương thức sử dụng đúng, nó sẽ nhân đạo hóa đời sống xã hội.

Hồ Chí Minh có bốn cách tiếp cận chủ yếu về văn hóa: (1) Tiếp cận theo nghĩa rộng, tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt của con người; (2) Tiếp cận theo nghĩa hẹp là đời sống tinh thần của xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng; (3) Tiếp cận theo nghĩa hẹp hơn là bàn đến các trường học, số người đi học, xóa nạn mù chữ, biết đọc, biết viết; (4) Tiếp cận theo “phương thức sử dụng công cụ sinh hoạt”.

Cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phát triển, nâng tầm văn hóa Việt Nam còn thể hiện trong việc đưa ra 5 định hướng lớn để xây dựng nền văn hóa dân tộc:

1- Xây dựng tâm lý: Tinh thần độc lập tự cường.

2- Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.

3- Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.

4- Xây dựng chính trị: Dân quyền.

5- Xây dựng kinh tế.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của văn hóa

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa: Một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt. Hai là, phải giáo dục tinh thần cho nhân dân. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Trong bộn bề công việc của Nhà nước chống lại giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”; “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị”. “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân”. “Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”; phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hạnh phúc của mình nên được hưởng. “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta”. Người nêu một chân lý “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”… “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”. Người nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.

Theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn hóa là mục tiêu của cách mạng. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nội dung xây dựng chủ nghĩa xã hội bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Như vậy, văn hóa là một mục tiêu của cách mạng. Mục tiêu đó - nhìn một cách tổng quát - là quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc; là khát vọng của nhân dân về các giá trị chân, thiện, mỹ. Đó là một xã hội trong đó dân là chủ và dân làm chủ, công bằng, văn minh, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành; một xã hội mà đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân luôn được quan tâm và không ngừng nâng cao, con người có điều kiện phát triển toàn diện.

Văn hóa là động lực của cách mạng được hiểu là thúc đẩy xã hội phát triển. Di sản Hồ Chí Minh cho ta một nhìn nhận về động lực phát triển đất nước, bao gồm động lực vật chất và động lực tinh thần; động lực cộng đồng và cá nhân; nội lực và ngoại lực; tất cả quy tụ ở con người và đều có thể xem xét dưới góc độ văn hóa. Tức là sự trau dồi nhân cách, tu dưỡng bản thân theo đúng nghĩa gốc của từ culture (văn hóa) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến với nghĩa “trồng người”. Trau dồi nhân cách có nghĩa là mang trong lòng một ham muốn, ham muốn tột bậc vì nước, vì dân. Ham muốn đó tạo nên ở con người một sức lôi cuốn mạnh mẽ phá vỡ mọi giới hạn, lật đổ mọi quyền lực, đánh bại mọi kẻ thù. Tuy nhiên, nếu tiếp cận các lĩnh vực văn hóa cụ thể trong tư tưởng Hồ Chí Minh, động lực có thể nhận thức ở các phương diện sau:

Văn hóa chính trị là một trong những động lực có ý nghĩa soi đường cho quốc dân đi, lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ. Tư duy biện chứng, độc lập, tự chủ, sáng tạo của cán bộ, đảng viên là một động lực lớn dẫn đến tư tưởng và hành động cách mạng có chất lượng khoa học và cách mạng.

Văn hóa văn nghệ góp phần nâng cao lòng yêu nước, lý tưởng, tình cảm cách mạng, sự lạc quan, ý chí, quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.

Văn hóa giáo dục giúp con người hiểu biết quy luật phát triển của xã hội. Với sứ mệnh “trồng người”, văn hóa giáo dục đào tạo con người mới, cán bộ mới, nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp cách mạng.

Văn hóa đạo đức, lối sống nâng cao phẩm giá, phong cách lành mạnh cho con người, hướng con người vươn tới các giá trị “chân, thiện, mỹ”.

Văn hóa pháp luật bảo đảm dân chủ, trật tự, kỷ cương, phép nước.

Với tư cách là mục tiêu, động lực của sự phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nhiệm vụ của văn hóa: “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ...  văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do... làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình”.

Quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa mới

Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức vai trò quan trọng của văn hóa đối với công cuộc xây dựng và kiến thiết nước nhà. Người chỉ rõ:“Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì vậy, ngay trong lúc bộn bề của những công việc cấp bách trong những ngày đầu thành lập nước, Người vẫn chú trọng xây dựng một nền văn hóa mới, có nội dung cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trước hết, nền văn hóa mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng là nền văn hóa có tính chất dân tộc. Đó là nền văn hóa gắn liền với dân tộc, có gốc rễ từ dân tộc, mang tâm hồn dân tộc và là diện mạo của dân tộc. Hay nói cách khác, bản sắc dân tộc thể hiện ở nền văn hóa dân tộc. Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hun đúc nên qua hàng nghìn năm lịch sử. Đó là lòng yêu nước, thương nòi; tinh thần độc lập, tự cường, tự tôn dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; dũng cảm, thông minh trong chiến đấu; sự tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống; tình nghĩa thuỷ chung với người thân, bạn bè... Về hình thức, bản sắc văn hóa dân tộc biểu hiện ở ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ hội, truyền thống, cách cảm nhận và suy nghĩ...

Bản sắc văn hóa dân tộc chứa đựng giá trị to lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nó phản ánh những nét độc đáo, đặc tính của dân tộc; là ngọn nguồn đi tới chủ nghĩa Mác - Lênin. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, âm nhạc dân tộc ta rất độc đáo. Bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên. Người nhấn mạnh:“Những người cộng sản rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn nguồn cổ điển đó. Càng thắm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, càng phải coi trọng truyền thống tốt đẹp của cha ông”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp biến văn hóa là một quy luật“văn hóa Việt Nam ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại... Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra nền văn hóa Việt Nam”. Vì vậy, cùng với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Người luôn chú trọng chắt lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu cho văn hóa Việt Nam, xây dựng văn hóa Việt Nam hợp với tinh thần dân chủ. Trao đổi với một nhà báo Liên Xô, Người nhấn mạnh:“Các bạn chớ hiểu là tôi cho rằng chúng tôi cần dứt bỏ văn hóa nào đó, dù là văn hóa Pháp đi nữa. Ngược lại, tôi muốn nói điều khác. Nói đến việc mở rộng kiến thức của mình về văn hóa thế giới, mà đặc biệt hiện nay là văn hóa Xô viết - chúng tôi thiếu - nhưng đồng thời tránh nguy cơ trở thành kẻ bắt chước... Văn hóa của các dân tộc khác cần phải được nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình”.

Tính dân tộc và tính nhân loại trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa mới tác động vào nhau một cách biện chứng. Theo Người, tính dân tộc càng sâu sắc, hoàn hảo bao nhiêu, càng có lợi cho tiếp nhận văn hóa nhân loại bấy nhiêu. Ngược lại, những cái mới, cái tiến bộ của văn hóa nhân loại, đặc biệt là chủ nghĩa Mác - Lênin, sẽ giúp chúng ta có quan điểm dân tộc đúng đắn và khai thác đúng hướng chiều sâu di sản văn hóa dân tộc, làm cho văn hóa dân tộc ngày càng phong phú.

Nghị quyết của UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ:“Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.

Văn hóa là một mặt trận, người hoạt động văn hóa là chiến sĩ trên mặt trận ấy

Đây là một luận đề văn hóa Việt Nam độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước hết, cần nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò độc lập của văn hóa với tư cách là một mặt trận như các mặt trận chính trị, kinh tế, quân sự. Nhưng mặt khác phải thấy quan hệ và sự tác động lẫn nhau giữa các “mặt trận”. Mối quan hệ giữa văn hóa, văn nghệ với kinh tế và chính trị được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Ý nghĩa và bản chất của mặt trận văn hóa và chiến sĩ văn hóa chính là ở chỗ đó. Nghĩa là, cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh.

Nhân Triển lãm hội họa (năm 1951), trong thư gửi các họa sỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”. Người đánh giá cao vai trò xung kích của văn hóa, văn nghệ trong sứ mệnh giải phóng dân tộc “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”, cần đoàn kết tập hợp đội ngũ trí thức, những nhà văn hóa và toàn quân, toàn dân phấn đấu cho sự nghiệp“phò chính, trừ tà”, góp phần quan trọng vào việc nhân đạo hóa con người, cổ vũ con người vươn tới chân, thiện, mỹ. Văn hóa phải “gắn liền với lao động, sản xuất, văn hóa xa đời sống, xa lao động là văn hóa suông”. Văn hóa phải thấu hiểu và đi sâu vào đời sống, “bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy”.

Văn hóa là một mặt trận nên có tính chất phức tạp của mặt trận và những người làm công tác trên mặt trận đó phải có những đức tính của người chiến sĩ như lập trường đúng, tư tưởng đúng, hiểu thấu, liên hệ và đi vào đời sống của nhân dân để bày tỏ tinh thần kiên quyết và anh dũng của quân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy. Chiến sĩ văn hóa phải là những người dũng cảm, kiên cường để chống lại những thế lực phản văn hóa“Cây bút phục vụ chính nghĩa trong tay nhà văn chiến đấu có một lực lượng cực kỳ mạnh mẽ...”.

Văn hóa phải phục vụ Nhân dân, quần chúng Nhân dân phải được hưởng thụ các giá trị văn hóa

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa phải phục vụ nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm mục tiêu. Độc lập, tự do phải đi đến ấm no, hạnh phúc và sự phát triển, tức văn hóa phải nhằm mục tiêu phục vụ và nâng cao đời sống con người. Sự phát triển của một quốc gia dân tộc quy cho cùng chính là sự phát triển kinh tế gắn liền với sự phát triển xã hội, được đo bằng hiệu quả xã hội, mà hiệu quả lớn nhất là mỗi thành viên cộng đồng có được cuộc sống đúng nghĩa, tức cuộc sống có văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Không có nhân dân thì không có Bác. Sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp văn hóa của Người là sự nghiệp vì dân. Theo Người, suy nghĩ, hành động, sáng tác đều phải xuất phát từ cái tâm: Vì nhân dân phục vụ. Những người làm công tác văn hóa muốn tìm thấy sự thay đổi, sự ham mê thật “phải trở về với cuộc sống thực tại của con người”, tức là nghệ thuật phải gần với cuộc sống. Năm 1946, trong khói lửa ác liệt của chiến tranh, Người đã kêu gọi: “Tôi thiết tha mong muốn cho nền văn hóa mới nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Lợi ích của nhân dân trở thành “khuôn phép” của công tác văn hóa: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: Dân rất tốt… Bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm… Nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo… của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng mà ra. Về sâu trong quần chúng”. Điều đó có nghĩa là cuộc sống cách mạng và sự sáng tạo của quần chúng nhân dân luôn là nguồn nhựa sống, là máu, thịt của nền văn hóa mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu văn hóa phải thấm nhuần quan điểm nhân dân, vì nhân dân phục vụ và phát huy sức mạnh của toàn dân làm văn hóa. Người căn dặn anh chị em làm văn nghệ phải đi sâu vào thực tế cuộc sống, hiểu được tư tưởng, tình cảm, tâm lý, yêu cầu của nhân dân, từ đó phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Người yêu cầu phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng; “khi viết, khi nói phải làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình”. Bao giờ cũng phải tự hỏi:“Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”, “Nếu các bạn viết mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, các bạn chưa thành công”.

Để văn hóa thực sự phục vụ quần chúng nhân dân, ngoài việc đi vào quần chúng cổ động, biểu dương sự nghiệp cách mạng của nhân dân, anh chị em văn hóa và trí thức còn phải đánh giá, nhìn nhận đúng nhân dân. Theo Người, quần chúng là những người không phải chỉ sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội mà còn là những người sáng tác nữa. Tục ngữ, vè, ca dao... là “những hòn ngọc quý”, vừa rất hay, lại rất ngắn chứ không “trường thiên đại hải”, dây cà ra dây muống. Quần chúng còn là đối tượng phản ánh. Người khẳng định: “Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó - nhân dân cũng sẽ quên anh ta”. Quần chúng còn là những người kiểm nghiệm sản phẩm. Vì vậy, viết xong đọc đi, sửa lại bốn, năm lần chưa đủ, mà “phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngoắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải sửa lại”. Cuối cùng phải thấy rằng, đồng bào đang chờ đợi và phải được hưởng thụ các sản phẩm văn hóa.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về quan hệ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác

Quan hệ giữa văn hóa với chính trị: Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong chính trị, tức là văn hóa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị; đồng thời mọi hoạt động của tổ chức và nhà chính trị phải có hàm lượng văn hóa.

 Quan hệ giữa văn hóa với kinh tế: Văn hóa cũng không thể đứng ngoài mà phải đứng trong kinh tế, nghĩa là văn hóa không hoàn toàn phụ thuộc vào kinh tế, mà có vai trò tác động tích cực trở lại kinh tế.

 Quan hệ giữa văn hóa với xã hội: Giải phóng về chính trị thì văn hóa mới có điều kiện phát triển. Xã hội thế nào văn hóa thế ấy. Phải làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng chính trị, giải phóng xã hội, đưa Đảng Cộng sản Việt Nam lên địa vị cầm quyền, thì mới giải phóng được văn hóa.

Về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại: Bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị văn hóa bền vững của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là thành quả của quá trình lao động sản xuất, sản xuất, chiến đấu và giao lưu của con người Việt Nam.

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được nhìn nhận qua hai lớp quan hệ: Về nội dung, đó là lòng yêu nước, thương nòi; tinh thần độc lập, tự cường, tự tôn dân tộc,… Về hình thức, cốt cách văn hóa dân tộc biểu hiện ở ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, cách cảm và nghĩ,…

Trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phải biết tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích tiếp thu văn hóa nhân loại để làm giàu cho văn hóa Việt Nam, xây dựng văn hóa Việt Nam hợp với tinh thần dân chủ. Mối quan hệ giữa giữ gìn cốt cách dân tộc và tiếp thu văn hóa nhân loại là phải lấy văn hóa dân tộc làm gốc, đó là điều kiện, cơ sở để tiếp thu văn hóa nhân loại.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập