Quốc phòng - An ninh

Cảnh báo thủ đoạn mới về buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới

19/07/2014 00:00 199 lượt xem

Tội phạm mua bán người, bắt cóc phụ nữ trẻ em trên tuyến biên giới của tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm có giảm song diễn biến còn phức tạp. Qua những vụ án mà lực lượng Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh triệt phá gần đây càng thấy rõ được tính chất và hành vi tội phạm buôn bán người. Đồng thời cũng phát hiện thêm thủ đoạn mới, tinh vi hơn của bọn tội phạm buôn bán người.

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh, loại tội phạm buôn bán người sử dụng phương thức, thủ đoạn chủ yếu là lợi dụng lòng tin của phụ nữ, trẻ em để tán tỉnh, tạo quan hệ yêu đương rồi dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí bắt cóc các cháu nhỏ đưa sang bên kia biên giới để bán. Điển hình như trong các ngày từ mùng 3 đến mùng 5/7/2014, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đấu tranh triệt phá chuyên án mang bí số 333 T, bắt giữ 4 đối tượng gồm: Vừ Chứ Pó, sinh năm 1983, Vừ Nhìa Say, sinh năm 1989 đều ở Điền Bồng, Phú Ninh, Trung Quốc và Vừ Mí Na, sinh năm 1990, Vừ Mí Po, sinh năm 1979 cùng ở xóm Pải Lủng, xã Pải Lủng huyện Mèo Vạc. Giải cứu được 3 nạn nhân bị lừa bán là Vừ Thị Mỷ, sinh năm 1984, Sùng Thị Súa, sinh năm 1986 cùng con gái Vàng Thị Dính, 4 tuổi đều ở thôn Sảng Ma Sao xã Tà Lủng huyện Đồng Văn. Ngày 11/7, Đồn Biên phòng Đồng Văn đã hoàn chỉnh hồ sơ khởi tố vụ án hình sự mua bán người và bàn giao cho Công an huyện Đồng Văn tiếp tục điều tra xử lý. Hiện nay, tại một số tỉnh thành phía Bắc, trong đó có tỉnh Hà Giang thì phương thức thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm buôn bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn như che giấu dưới hình thức môi giới cho nhận con nuôi, lấy chồng người nước ngoài, đưa người đi xuất khẩu lao động, sử dụng mạng internet với tên và địa chỉ giả để làm quen, dụ dỗ nạn nhân đến biên giới và lừa bán ra nước ngoài. Thậm chí một số đối tượng trước đây là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc nay quay về Việt Nam dụ dỗ, lừa ép phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán.

Tội phạm buôn bán người vẫn đang có những hoạt động rất phức tạp, nguy hiểm. Tính chất và hệ lụy của nó đang tác động, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Những nỗi ám ảnh, tổn thương về tinh thần, thương tích trên thể xác của các nạn nhân là nỗi nhức nhối. Vì thế phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, các ngành chức năng mà còn là của toàn xã hội. Mỗi người dân, đặc biệt là đồng bào vùng cao biên giới cần có ý thức cảnh giác, tỉnh táo nhận diện những thủ đoạn mới của đối tượng lừa đảo, buôn bán phụ nữ, trẻ em.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập