Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Bác Hồ với Hà Giang

18/05/2017 00:00 216 lượt xem

Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Đây cũng là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống (22 dân tộc) với nhiều phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và những lễ hội rất sinh động.

Với vị trí chiến lược quan trọng của Hà Giang, ngay từ năm 1881 đội quân Pháp do Trung uý Sansarich chỉ huy đã tìm cách lên Hà Giang, nhưng chúng đã bị đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Quang chống lại. Và phải đến năm 1887 thực dân Pháp mới căn bản chiếm được Hà Giang. Không cam chịu ách nô lệ, phong trào đấu tranh chống Pháp của đồng bào các dân tộc Hà Giang đã liên tiếp nổ ra: năm 1901 hai thủ lĩnh của đồng bào Dao là Triệu Tiến Kiên và Triệu Tài lộc, người khe Đỏ, xã Vĩ Thượng, châu Bắc Quang đã lãnh đạo nhân dân địa phương nổi dậy đánh Pháp; Năm 1909, đồng bào Mông ở Hà Giang và một số vùng ở tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang cũng tập hợp thành lực lượng tấn công Pháp ở nhiều nơi... Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa năm 1911 do Sùng Mí Chảng dân tộc Mông ở Đồng Văn lãnh đạo đã tập hợp được cả đồng bào Mông bên kia biên giới nổi dậy đánh Pháp cho đến năm 1917, gây cho thực dân Pháp nhiều thiệt hại. Các cuộc khởi nghĩa của đồng bào các dân tộc Hà Giang tuy thất bại nhưng đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất, kiên trung, thể hiện lòng yêu nước, không cam chịu làm nô lệ của nhân dân ta.
Kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng bào các dân tộc Hà Giang như có ánh “mặt trời” soi sáng. Ngay từ cuối những năm 30 và đầu những năm 40 của thế kỷ XX, trong bối cảnh bị thực dân Pháp đàn áp điên cuồng phong trào cách mạng, săn lùng các chiến sĩ cộng sản khắp nơi nhưng ở một số địa phương của Hà Giang như Bắc Mê, Hùng An, Bắc Quang, Vị Xuyên... đã có những đảng viên của Đảng Cộng sản đến xây dựng phong trào cách mạng. Ngày 25- 12-1945, cuộc cách mạng lật đổ đế quốc, phát xít và bè lũ tay sai ở Hà Giang đã cơ bản hoàn thành, đông đảo đồng bào Hà Giang rộn ràng tề tựu trong một cuộc mít tinh lớn mừng Ủy ban hành chính lâm thời của tỉnh ra mắt. Ngày 25-12-1945 cũng đánh dấu một cột mốc lịch sử - Xứ ủy Bắc Kỳ ra quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Giang. Từ đây, mở ra một trang sử mới cho sự kiên cường vươn lên của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc.
Những ngày đầu muôn vàn khó khăn trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc không ngừng đẩy mạnh sản xuất, tiếp sức cho kháng chiến. Năm 1959, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, con đường xuyên qua Cao nguyên đá Đồng Văn mang tên đường Hạnh Phúc đã được khởi công và hoàn thành ở chặng cuối cùng tại mảnh đất Mèo Vạc năm 1965. Sau đó, con đường lên phía Bắc, đường sang phía Tây Hoàng Su Phì cũng hoàn thành, rồi những con đường lên Thanh Thủy, đường đi Bắc Mê thông tuyến…, đã từng bước đưa cuộc sống của đồng bào Hà Giang thoát dần nghèo khó.
Giữa lúc đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đang cùng với đồng bào miền Bắc đẩy mạnh hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến thiết đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam vẫn còn dưới ách cai trị của đế quốc Mỹ xâm lược, một vinh dự to lớn đối với địa phương là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên thăm Hà Giang ngày 26-3-1961. Với Hà Giang, tỉnh biên cương cực Bắc của Tổ quốc, chuyến đi thăm đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc của tỉnh nói riêng, đồng bào thiểu số, đồng bào vùng cao, vùng khó khăn… trên cả nước nói chung.
Trong chuyến thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và nói chuyện với 12.000 đồng bào các dân tộc và cán bộ trong tỉnh tại Kỳ đài sân vận động thị xã. Thay mặt Đảng và Chính phủ, Người khen ngợi những đóng góp của Hà Giang trong những năm kháng chiến: “Gần 1.300 đồng bào đã vào bộ đội và nhiều đồng bào đã vào đội du kích, đã đánh tan bọn tàn quân Quốc dân đảng ở Bắc Quang, quân nhảy dù Pháp ở Đồng Văn, đánh phỉ và Pháp ở Hoàng Su Phì. Đồng bào đã đóng góp hơn
27.500 tấn lương thực và 1 triệu 80 vạn ngày công trong các chiến dịch, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ”(1)Đồng thời, Người biểu dương những cố gắng và tiến bộ của đồng bào các dân tộc Hà Giang trong xây dựng kinh tế, phát triển đời sống văn hoá sau khi hoà bình lập lại.
Tại cuộc nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đồng bào các dân tộc Hà Giang tám vấn đề để xứng đáng là người chủ của nước nhà. Trong đó Bác đã đặt yếu tố đoàn kết dân tộc lên vị trí đầu tiên, quan trọng hàng đầu. Người dạy: “tất cả các dân tộc, bất kỳ to hay là nhỏ, đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà”(2). Với Hà Giang, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi trên địa bàn của tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa khác nhau, phong tục tập quán cũng có sự khác biệt. Nếu không đoàn kết chặt chẽ, sẽ dẫn đến phân chia, làm giảm đi sức mạnh và là chỗ hở để kẻ thù lợi dụng phá hoại. Bên cạnh đó, với vị trí chiến lược là tỉnh địa đầu Tổ quốc, có đường biên giới đất liền, từ bao đời nay đã là phên dậu của quốc gia, chỉ có đoàn kết một lòng thì Hà Giang mới xây dựng, và phát triển đời sống đồng thời với bảo vệ biên cương, lãnh thổ.
Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên căn dặn đồng bào các dân tộc trong tỉnh phải “ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”. Trong thi đua tăng gia sản xuất, Người đã chỉ rõ ba điểm chính là: “Phải cố gắng làm nhiều thuỷ lợi, để có đủ nước cho lúa và hoa màu; Phải có nhiều phân bón; phân bón nhiều thì lúa và hoa màu mới tốt; Phải cải tiến nông cụ. Vì với những nông cụ cũ kỹ thì khó nhọc nhiều mà thu hoạch ít”(3). Với một tỉnh miền núi, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế như Hà Giang, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là định hướng đúng đắn, khoa học và hết sức phù hợp. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên căn dặn Đảng bộ, chính quyền trong tỉnh phải phát huy lợi thế, tiềm năng về rừng, khai thác nguồn tài nguyên rừng đi đôi với việc trồng mới, bảo vệ và chăm sóc rừng.
 Trong lĩnh vực y tế, văn hóa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và căn dặn tỉ mỉ là phải làm tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo và giữ gìn sức khỏe, phòng chống bệnh tật, chăm sóc tốt sức khỏe cho đồng bào bởi có sức khỏe tốt thì mới lao động tốt. Bác cũng nhắc nhở tỉnh quan tâm đến giáo dục đào tạo con em đồng bào và điều cuối cùng Người căn dặn tại buổi nói chuyện chính là đời sống của đồng bào rẻo cao còn nhiều khó khăn, Bác mong mỏi “đồng bào các nơi khác, nhất là cán bộ từ khu đến huyện cần phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao nhiều hơn nữa”(4).
Có thể khẳng định, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cuộc nói chuyện với đồng bào các dân tộc Hà Giang vào ngày 26- 3-1961 như những chân lý, thể hiện một trí tuệ siêu việt, tầm nhìn rộng lớn và sự mẫn tiệp của một vị lãnh tụ thiên tài. Những lời căn dặn của Người về thi đua yêu nước, về hăng hái lao động sản xuất, về tình đoàn kết các dân tộc có giá trị và ý nghĩa vô cùng sâu sắc, là kim chỉ nam để Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Hà Giang phấn đấu thực hiện trong sự nghiệp phát triển bền vững và toàn diện kinh tế xã hội.
 Sau khi đất nước được độc lập và thống nhất, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định hợp nhất tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên để đáp ứng được tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước. Tháng 8- 1991, Trung ương quyết định chia tách tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang theo địa giới hành chính cũ trước khi hợp nhất. Vào thời điểm này, Hà Giang là tỉnh nghèo nhất nước, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp, sản lượng hàng hoá ít ỏi... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, được sự giúp đỡ trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, trực tiếp là Đảng bộ Hà Giang, 22 dân tộc anh em trong tỉnh đã đoàn kết bên nhau, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, thách thức, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng... từng bước đưa Hà Giang vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, luôn xứng đáng là một tỉnh phên giậu vững chắc biên cương của Tổ quốc. Nghị quyết các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, đều đã cụ thể hóa nội dung lời dạy của Bác vào các chỉ tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện các vấn đề về kinh tế-xã hội, chăm lo nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc; tìm ra nhiều cách làm hay, làm đúng, làm trúng nội dung, yêu cầu của lời Bác dạy năm xưa. Tỉnh đã xác định phát triển nông lâm nghiệp là chủ đạo, trọng tâm của phát triển kinh tế. Các công trình thủy lợi được xây dựng để tưới tiêu, khắc phục điều kiện khô hạn quanh năm. Cùng với đó, đàn đại gia súc và gia cầm ngày càng phát triển, giải quyết được sức kéo trong sản xuất nông lâm nghiệp và tạo nguồn phân bón đảm bảo nhu cầu gieo trồng. Và cũng chính nhờ đó, sự phát triển của tỉnh, nhất là trong việc định hướng xây dựng nông thôn mới ngày một rõ nét hơn, cuộc sống của đồng bào ngày một ấm no, hạnh phúc hơn.
Từ một tỉnh sau tái lập thuộc diện nghèo nhất nước, Hà Giang đã vươn lên, từng bước thoát ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn: kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8,8%; tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2015 đạt 17,64 triệu đồng, tăng 8,86 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 41,8% năm 2010 xuống còn 17,91% năm 2015... Qua 4 năm thực hiện Xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn được cải thiện khá rõ. Đến nay, toàn tỉnh có 10/176 xã đạt tiêu chí Xây dựng nông thôn mới, 55 xã đạt trên 9 tiêu chí, 53 xã đạt trên 7 tiêu chí... Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang được triển khai nghiêm túc, đúng quy trình, quy định.
 53 năm đã qua, cây Đại cổ thụ được chính tay Bác trồng khi lên thăm Hà Giang tại trụ sở Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh vẫn còn đó, như một chứng tích thầm lặng của sự đổi thay, tiến bộ. Nơi Bác đứng nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh nay đã trở thành Quảng trường 26/3, là nơi thường xuyên diễn ra những sự kiện lớn của tỉnh, nơi có tượng tài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Hà Giang được xây dựng năm 2005… Và như vẫn còn âm vang những lời căn dặn của Bác đã trở thành chân lý và có giá trị vĩnh cửu cho muôn đời sau. Và để biết rằng, Bác Hồ kính yêu như vẫn dõi theo từng bước đổi thay phát triển của tỉnh, vẫn động viên khích lệ Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh nhà ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, giàu mạnh hơn, cuộc sống của đồng bào ngày càng ấm no hạnh phúc hơn.
 
 
Chú thích:
  1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tập 13, trang 93
  2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 13, trang 94
  3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 13, trang 95
  4.  

 

  1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 13, trang 95

- See more at: http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/ArticleDetail.aspx?articleid=871&sitepageid=415#sthash.CA3yjDpG.dpuf

 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập