Văn hóa - Xã hội

Theo chân đồng bào Mông xuống chợ phiên Lũng Pù sắm đồ Tết

30/01/2024 20:20 44 lượt xem

Chuẩn bị đón năm mới, những ngày cuối năm, đồng bào Mông ở xã Lũng Pù (Mèo Vạc, Hà Giang) gác hết công việc nương rẫy để xuống chợ phiên trung tâm xã sắm Tết. Được xem như một “đặc sản” nơi miền biên viễn, các chợ phiên vùng cao ở Mèo Vạc đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, cũng là truyền thống văn hóa mang nét đẹp đời thường của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Theo chân đồng bào Mông xuống chợ phiên Lũng Pù sắm đồ Tết

Mặc dù còn hơn một tuần nữa mới đến Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024. Song ngay từ sáng sớm trong màn sương mờ ảo, đặc biệt những ngày này nền nhiệt độ ở Mèo Vạc đang bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại nhưng đồng bào ở đây và một số địa phương lân cận vẫn xúng xính trong những bộ váy áo mới, đổ về chợ phiên Lũng Pù chơi và sắm Tết. Chợ phiên xã vùng cao ngày thường đã đông vui, nhưng vào dịp giáp Tết, phiên chợ còn tấp nập hơn, bao nhiêu nông sản phục vụ nhu cầu đón Tết của bà con các dân tộc thiểu số lại được bày bán phong phú và đậm sắc màu.

Cách trung tâm huyện gần 20km, tọa lạc trên cung đường đến với Chợ tình Phong Lưu Khâu Vai huyền thoại. Được biết đến là phiên chợ lùi độc đáo trên địa bàn huyện Mèo Vạc, chợ phiên Lũng Pù ngày giáp Tết khá đông, đặc biệt là vẫn giữ được bản sắc. Hòa mình cùng đồng bào vào không gian chợ chúng ta cảm nhận được những sắc thái riêng của phiên chợ vùng cao. Đồng bào dân tộc Mông ai nấy đều diện trang phục truyền thống, nét mặt vui tươi, phấn khởi háo hức xuống chợ mua sắm và hòa mình vào không gian đặc sắc không kém phần sôi động…

Hàng hóa chợ phiên Lũng Pù những ngày gần Tết càng phong phú với đầy đủ đồ dùng thiết yếu, nông sản đặc sản của địa phương. Ngày Tết, ngoài những mặt hàng lương thực như gạo nếp, mèn mén, thịt, cá… thì đồ trang sức bằng thổ cẩm cũng là một trong những mặt hàng bán khá chạy.

Đến chợ phiên, các mẹ, các chị trong gia đình mua các đồ thổ cẩm về dệt, thêu váy, mua sắm, may quần áo mới cho các thành viên trong gia đình. Nam giới lại “tay xách nách mang” những đồ nhu yếu phẩm quan trọng như: Thịt lợn, gà, bánh kẹo, hương thắp, hoa quả hay thiết bị, vật dụng, máy móc, tủ, giường, dao, kéo… để dùng trong ngày Tết.

Phiên chợ Lũng Pù, ngoài là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của những chàng trai, cô gái Mông, nơi hẹn hò của lứa đôi. Họ hẹn nhau đến chợ, mặc những bộ quần áo dân tộc sặc sỡ, cùng nhau dạo qua các gian hàng, mua trao cho nhau những kỷ vật trong phiên chợ để chào đón một năm mới.

Xuống chợ phiên cùng đồng bào, hòa chung với không khí chợ phiên Lũng Pù ta mới cảm nhận được thực sự cái đẹp ẩn chứa trong đó. Không phô trương cầu kì, mà thay vào đó là sự mộc mạc đượm nét nhân văn nơi vùng cao biên giới.

Minh Đức

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập