Quốc phòng - An ninh

Mô hình dòng họ Sùng tự quản về ANTT ở thôn Sủng Lủ sau 1 năm hoạt động

10/10/2018 00:00 113 lượt xem

Tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải, cùng giúp nhau phát triển kinh tế. Đó là những nét nổi bật của mô hình “Dòng họ Sùng tự quản về an ninh trật tự” trên địa bàn thôn Sủng Lủ xã Lũng Chinh sau 1 năm ra mắt và đi vào hoạt động. Việc duy trì hoạt động có hiệu quả của mô hình đã góp phần làm giảm các tệ nạn xã hội, tích cực giúp cơ quan chức năng trong việc toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.

Sủng Lủ là thôn trung tâm của xã Lũng Chinh, chủ yếu là dân tộc Mông sinh sống. Trong đó riêng dòng họ Sùng có 52 hộ, sống tập trung quây quần bên nhau. Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2013 - 2020” gắn với Thông tư số 23 của Bộ Công an quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”, thời gian qua, lực lượng Công an huyện phụ trách xã và Công an xã đã chủ động tham mưu cho UBND xã xây dựng các chương trình, kế hoạch khảo sát, xây dựng các mô hình đảm bảo ANTT ở địa bàn. Tháng 9.2017, UBND xã đã ra quyết định thành lập mô hình điểm “Dòng họ Sùng tự quản về ANTT” tại thôn Sủng Lủ. Mô hình được ra mắt với 52 gia đình họ Sùng, các hộ đã ký cam kết đảm bảo ANTT, các thành viên hoạt động theo nội quy, quy chế, quy ước được đề ra.

Ra mắt mô hình dòng họ Sùng tự quản về ANTT ở thôn Sủng Lủ

Mô hình “Dòng họ Sùng tự quản về ANTT” chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy xã, Chi bộ thôn, sự quản lý, điều hành của UBND xã, trưởng thôn và hướng dẫn trực tiếp về chuyên môn nghiệp vụ của Công an xã. Mọi hoạt động của mô hình đảm bảo nguyên tắc công khai, đúng pháp luật; định kỳ hàng tháng các thành viên có trách nhiệm tham gia đầy đủ các buổi họp để thông báo tình hình liên quan đến ANTT, qua đó nắm bắt, tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của anh em trong dòng họ. Từ khi được thành lập đến nay, các thành viên của mô hình đã chủ động nắm tình hình, phát hiện các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp  trong nội bộ nhân dân, vi phạm hành chính, vi phạm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, kịp thời phản ánh đến cơ quan Công an và UBND xã để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, không để vụ việc trở nên phức tạp, kéo dài; tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở thôn làm tốt công tác tuyên truyền cho người trong dòng họ nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa tội phạm; vận động các hộ tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy ước, hương ước làng văn hóa, tham gia xây dựng xã, thôn, gia đình an toàn về ANTT, không có tội phạm và tệ nạn xã hội, không mất đoàn kết.

Từ việc thực hiện và duy trì tốt các hoạt động của mô hình dòng họ ANTT nên hiện nay các vấn đề như bạo lực gia đình, mất bình đẳng giới, vợ chồng mâu thuẫn, các con vi phạm pháp luật có chiều hướng giảm. Nếu như thời điểm năm 2015 - 2016, trong dòng họ có 5-6 thành viên bị xử lý hành chính/năm thì từ năm 2017 đến nay hầu như đã không còn. Hơn nữa, các thành viên trong dòng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sẻ chia, giúp nhau phát triển kinh tế. Do vậy, số hộ nghèo, cận nghèo trong dòng họ đến nay chỉ chiếm số ít. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc xóa đói giảm nghèo ở địa phương.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập