Văn hóa - Xã hội

Lớp học xóa mù chữ ở xã Lũng Chinh

28/09/2023 17:52 201 lượt xem

          Những năm qua, công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được huyện Mèo Vạc quan tâm thực hiện, xã Lũng Chinh là một trong những địa phương trên địa bàn huyện đã duy trì lớp học xóa mù chữ mang lại hiệu quả thiết thực.

Lớp học xóa mù chữ ở xã Lũng Chinh
Lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc)

          Cũng như nhiều xã khác của huyện Mèo Vac, gần 100% người dân trên địa bàn xã Lũng Chinh là đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây vì kinh tế khó khăn, đường xá đi lại không thuận tiện, cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên nhiều người dân, nhất là chị em phụ nữ không được đi học. Hiện nay, đất nước ngày càng phát triển, cuộc sống người dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc, những người dân mù chữ lại muốn đến lớp tìm con chữ để tiếp cận thông tin dễ dàng hơn. Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc cho biết: Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, hiện nay có nhiều chị em phụ nữ muốn đi học để nâng cao kiến thức cho bản thân, UBND xã đã chỉ đạo Trường PTDTBT Tiểu học Lũng Chinh lựa chọn một số giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, am hiểu phong tục tập quán ở địa phương và biết tiếng dân tộc tham gia các lớp tập huấn xóa mù chữ do Phòng GD&ĐT huyện tổ chức hằng năm. Cùng với đó, nhà trường luôn bố trí, sắp xếp công việc phù hợp cho các thầy cô có nhiều thời gian đến với lớp học xóa mù chữ.

Thầy giáo Hoàng Văn Tằng, chủ nhiệm lớp xóa mù thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) tận tình hướng dẫn những học sinh đặc biệt trong quá trình học tập.

          Lớp học xóa mù chữ tại thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh có 20 học viên với những lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau. Những đôi tay chai sạn, vốn quen với cuộc sống nương rẫy quanh năm từ khi còn nhỏ, đến bây giờ đa phần các học viên của lớp học này mới biết đến con chữ. Không biết chữ, biết số thì việc tính toán những phép tính đơn giản để đi bán con gà, mớ rau cũng gặp nhiều khó khăn. Chị Thò Thị Chở, thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc tâm sự: “Trước đây, mình bán hàng trực tuyến trên Facebook và Tiktok nhưng không biết ghi địa chỉ người mua để gửi hàng, phải nhờ con ghi giúp, nên mình đã cố gắng học viết, học làm toán để có thể tự tính, tự viết”. Qua trò chuyện được biết, không chỉ chị Chở, mà tất cả học viên đến lớp đều có chung mong ước biết đọc, biết viết để mở mang kiến thức, từ đó phát triển kinh tế ổn định cuộc sống. Trong khoảng thời gian 2 tiếng mỗi buổi chiều tối, giữa bốn bề núi rừng lại vang lên những tiếng đọc đồng thanh của những học viên đặc biệt, đặc biệt bởi lẽ các học viên hầu hết đã qua tuổi đến trường, không phân biệt tuổi tác, tất cả đến với lớp học đều có chung một mục đích đó là học cái chữ.

Cô giáo Lương Thị Xoan, Trường PTDTBT Tiểu học Lũng Chinh luôn tâm huyết với lớp học xóa mù chữ.

          Để có được lớp học như hôm nay là những nỗ lực không ngừng nghỉ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự cố gắng học tập của các học viên, đặc biệt là sự tận tụy, hết lòng và yêu nghề của cô giáo chủ nhiệm. Cô luôn coi các học viên như những người thân thân, người chị, người em của mình. Cô giáo Lương Thị Xoan, giáo viên chủ nhiệm lớp xóa mù chữ thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc chia sẻ: Phương pháp giảng dạy với lớp này không khác gì phương pháp dạy lớp 1, mình sẽ truyền đạt từng từ ngữ, dạy chữ nào mình sẽ ứng với hiện vật của mình để học viên biết biểu tượng là cái gì, ví dụ tai, tay chân, xong mới suy ra sách với đồ dùng cá nhân và vật nuôi trong nhà. Chúng tôi cũng mong bà con biết được cái chữ để phục vụ cho cuộc sống thường ngày”.

          Dẫu rằng công tác xóa mù chữ còn gặp nhiều khó hăn, song những hiệu quả của lớp học ở thôn Mèo Vống hi vọng sẽ là niềm tin và cơ sở để địa phương đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai mở các lớp xóa mù chữ ngày càng đạt hiệu quả cao.

 

Minh Chuyên - Minh Giàng

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập