Chuyên mục: Truyền thông giảm nghèo đa chiều

Kỹ thuật chăn nuôi trâu bò thịt – Phần 1: Chuẩn bị cơ sở vật chất

21/03/2024 16:07 53 lượt xem

1. Xác định chuồng trại

 Khi thiết kế và xây dựng chuồng trại cho trâu bò phải đảm bảo được các yêu cầu:

– Tạo cho trâu, bò được an toàn, thoải mái, dễ chịu khi ăn uống, nghỉ ngơi, di chuyển.

– Tạo sự an toàn và thân thiện cho người nuôi trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi  dưỡng.

– Tạo ra được tiểu khí hậu tốt, hạn chế tối đa những tác động xấu của thời tiết, khí hậu đến cơ thể gia súc.

– Đảm bảo thuận lợi cho công tác thú y và vệ sinh môi trường.

– Càng đơn giản càng tốt nhằm tiết kiệm chi phí xây dựng, nhưng phải sử dụng được lâu dài và ổn định.

Xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu bò thịt
Xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu bò thịt

1.1. Xác định vị trí chuồng nuôi

Chuồng phải được xây dựng trên nền đất cao ráo, dễ thoát nước, không bị ngập nước khi trời mưa, lũ. Ở nông thôn, khi xây dựng chuồng nuôi trâu, bò cần chú ý cách nhà khoảng 20-30 m nhằm đảm bảo vệ sinh khu vực nhà ở, tránh mùi hôi thối và ruồi muỗi làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chuồng được xây dựng ở nơi dễ quan sát, dễ thăm nom, thuận lợi cho việc cho ăn, chăm sóc. Nhất là khi trâu, bò đẻ hoặc ốm. Chuồng được xây dựng ở nơi có đủ nguồn nước cho trâu, bò uống và vệ sinh chuồng trại.

1.2. Xác định hướng chuồng nuôi

Mục tiêu chính của chuồng trại là bảo vệ gia súc khộng bị tác động xấu của điều kiện thời tiết, khí hậu. Vì vậy mà khi xây dựng chuồng nuôi trâu, bò cần chú ý hướng chuồng phù hợp để tránh mưa tạt, gió hắt, lùa, mùa nắng phải thoáng mát.

– Cần biết hướng gió tự nhiên để định hướng chuồng sao cho thông thoáng tự nhiên và hợp vệ sinh.

– Cần biết thế đất và hướng mặt trời để làm mái che và trồng cây bóng mát thích hợp.

– Chuồng trâu, bò nên làm theo hướng nam hoặc đông nam và trước cửa chuồng không có nhà cửa và cây cao che khuất, như vây sẽ nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên.

– Tuy nhiên ở nông thôn, tùy thuộc vào địa điểm của từng nông hộ mà chọn hướng phù hợp nhất, nhưng phải đảm bảo được yêu cầu “thoáng mát và ấm áp”.

1.3. Xác định kiểu chuồng nuôi

Kiểu chuồng nuôi phải phù hợp với dạng địa hình cụ thể, nhưng phải đảm bảo được yêu cầu về độ dốc thoát nước và nền chuồng không cho phép nước chảy từ ô chuồng này sang ô chuồng bên cạnh. Trong điều kiện chăn nuôi trâu, bò nông hộ với quy mô nhỏ, kiểu chuồng nuôi có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh (số lượng, diện tích đất, điều kiện thời tiết, khí hậu, vốn đầu tư…).

Chuồng có thể làm đơn giản, nhưng phải đảm bảo được nguyên tắc cơ bản về xây dựng và vệ sinh thú y. Do vậy để phù hợp với chăn nuôi nông hộ theo quy mô nhỏ, thì kiểu chuồng một dãy là thích hợp nhất vì có thể tận dụng, tiết kiệm được nguyên liệu, dễ chọn vị trí.

Kỹ thuật chăn nuôi trâu bò thịt
Kỹ thuật chăn nuôi trâu bò thịt

2. Xác định dụng cụ chăn nuôi

2.1. Máng ăn

Trong điều kiện chăn nuôi nông hộ, chuồng nuôi trâu, bò cần phải có máng ăn để đảm bảo vệ sinh.

– Máng ăn nên xây bằng gạch, láng xi măng.

– Không xây máng ăn quá sâu, dễ gây tồn đọng thức ăn và khó vệ sinh.

– Các góc của máng ăn phải lượn tròn và trơn nhẵn, đáy máng phải dốc và có lỗ thoát nước ở cuối để thuận tiện cho việc rửa máng.

– Thành máng phía trong phải thấp hơn thành máng ngoài để thức ăn không rơi vãi ra lối đi.

2.2. Máng uống

– Tốt nhất dùng máng uống tự động để cung cấp đủ nước theo yêu cầu của trâu, bò. Nếu không có máng uống tự động thì có thể làm máng uống bán tự động như sau:

– Nước từ tháp chứa được dẫn tới một bể nhỏ được xây ở đầu chuồng nuôi, đầu ống dẫn có lắp một tự động mở nước. Từ bể này có hệ thống ống dẫn tới các máng uống ở các 5 ô chuồng. Khi trâu, bò uống nước, mực nước trong máng hạ xuống nên phao mở ra, nước từ tháp chảy vào bể cho đến khi đầy thì phao tự đóng lại.

Dụng cụ chăn nuôi trâu bò thịt
Dụng cụ chăn nuôi trâu bò thịt

– Máng uống nên cố định ở độ cao 0,8m từ mặt đất và giữ cho chúng có cùng mực nước với bể chứa nước.

2.3. Hệ thống vệ sinh và xử lý chất thải

– Hệ thống xử lý chất thải phải được thiết kế cẩn thận ngay từ đầu để tránh ô nhiễm môi trường, vì lượng phân, nước tiểu, nước rửa chuồng hàng ngày thải ra rất nhiều.

– Cần có hệ thống cống rãnh thoát nước hợp lý để cho nước bẩn chảy thoát ra ngoài khỏi nền chuồng một cách dễ dàng.

– Rãnh thoát nước bẩn làm dọc theo chuồng và tập trung vào hố chứa.

– Phân từ hố chứa được tập trung thành từng đợt để ủ trước khi đi bón ruộng.

– Hố phân chứa phân phải cách chuồng nuôi ít nhất là 5 mét và cách giếng nước ít nhất là 100 mét.

– Hố chứa phân và nước thải phải trát kín để phan và nước thải không thấm ra ngoài đất, mạch nước ngầm, đồng thời không cho nước mưa chảy vào hố phân.

– Trong điều kiện chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ cần bố trí hố ủ phân phù hợp để tận dụng toàn bộ phân và cỏ ăn thừa cũng như chất độn chuồng đưa vào hố ủ phân nhằm tăng khối lượng phân bón ruộng, tăng thu nhập cho người chăn nuôi nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh thú y.

– Nếu có điều kiện, tốt nhất là xây bể biogas để sản xuất khí phục vụ đun nấu, đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập