Bản tin pháp luật

BẢN TIN PHÁP LUẬT TUẦN 28, THÁNG 7 NĂM 2018

11/07/2018 00:00 321 lượt xem

           1. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại

Theo Nghị định này, giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được khuyến mại vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức: Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại; Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền không kèm theo việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (hoặc các hình thức tổ chức thi và trao thưởng khác tương đương);  Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (chương trình khuyến mại mang tính may rủi); Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hóa, dịch vụ hoặc các hình thức khác.

Các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại)  áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nghị định quy định mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.

Các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) áp dụng mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2018.

2. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông.

Theo Nghị định này, đối tượng nhận chuyển giao công nghệ được hỗ trợ tối đa 100% chi phí tài liệu, tiền ăn, đi lại, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông theo quy định hiện hành. Đối tượng chuyển giao công nghệ được hỗ trợ tối đa 100% chi phí tài liệu, đi lại, tiền ăn, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông theo quy định hiện hành; người tham gia giảng dạy, trợ giảng, hướng dẫn tham quan, tổ chức lớp học được hưởng 100% các chế độ theo quy định hiện hành. Ưu tiên đào tạo cán bộ khuyến nông là nữ, người dân tộc thiểu số.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí xây dựng nội dung tuyên truyền khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản tạp chí, tài liệu, ấn phẩm khuyến nông, tổ chức sự kiện khuyến nông (hội nghị, hội thảo, hội thi, hội chợ, triển lãm, diễn đàn, tọa đàm), xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thông tin khuyến nông và các hình thức thông tin tuyên truyền khuyến nông khác. Đối tượng chuyển giao, đối tượng nhận chuyển giao công nghệ khi tham dự các sự kiện khuyến nông được hỗ trợ chi phí tài liệu, đi lại, tiền ăn, nơi ở theo quy định hiện hành.

Chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn được nêu rõ như sau: Mô hình trình diễn ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, địa bàn bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch hại, biến đổi khí hậu theo công bố của cấp có thẩm quyền được hỗ trợ tối đa 100% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình.

Mô hình trình diễn ở địa bàn trung du, miền núi, bãi ngang được hỗ trợ tối đa 70% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình. Mô hình trình diễn ở địa bàn đồng bằng được hỗ trợ tối đa 50% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình. Mô hình ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình (đối với tất cả các địa bàn). Mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp được hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện mô hình nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình (đối với tất cả các địa bàn).

Tổ chức, cá nhân hoạt động khuyến nông được tham gia tư vấn và dịch vụ khuyến nông quy định Nghị định này và theo quy định của pháp luật hiện hành. Tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn và dịch vụ khuyến nông được ưu tiên thuê đất, vay vốn ưu đãi, miễn, giảm thuế, lệ phí theo quy định của pháp luật hiện hành. Chi phí dịch vụ, tư vấn khuyến nông do các bên thỏa thuận. Việc quản lý, sử dụng các khoản thu từ dịch vụ, tư vấn khuyến nông theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2018 và thay thế Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông./.

3. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định về liên kết giáo dục với nước ngoài.

Theo Nghị định này, Chương trình giáo dục tích hợp phải bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục nước ngoài; không bắt buộc người học phải học lại cùng một nội dung kiến thức, bảo đảm tính ổn định đến hết cấp học và liên thông giữa các cấp học vì quyền lợi của học sinh, bảo đảm tính tự nguyện tham gia và không gây quá tải cho học sinh.

Chương trình giáo dục tích hợp phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể việc tích hợp chương trình giáo dục của Việt Nam với chương trình giáo dục của nước ngoài.
Quy mô lớp học và cơ sở vật chất phải đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục tích hợp và không làm ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy chung của cơ sở giáo dục phía Việt Nam tham gia liên kết giáo dục.

Về đội ngũ nhà giáo, giáo viên Việt Nam giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp phải đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học theo quy định của pháp luật Việt Nam; giáo viên nước ngoài giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp phải có trình độ đại học phù hợp với chuyên môn giảng dạy và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc tương đương.

Giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp bằng ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình tích hợp và không thấp hơn Bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Việc đánh giá kết quả học tập, kiểm tra, thi, công nhận hoàn thành chương trình giáo dục, công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước sở tại nơi cung cấp chương trình giáo dục. Người học hoàn thành chương trình giáo dục tích hợp cấp trung học phổ thông phải được cấp văn bằng tốt nghiệp của Việt Nam và của nước ngoài.

Thời hạn của liên kết giáo dục không quá 5 năm kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2018./.

4. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí. Trong đó nêu rõ điều kiện kinh doanh khí.

Theo Nghị định này, Khí dầu mỏ hóa lỏng là sản phẩm hydrocacbon có nguồn gốc dầu mỏ với thành phần chính là propan (công thức hóa học C3H8) hoặc butan (công thức hóa học C4H10) hoặc hỗn hợp của cả hai loại này, tên tiếng Anh: Liquefied Petroleum Gas (viết tắt là LPG); tại nhiệt độ, áp suất bình thường LPG ở thể khí và khi được nén đến một áp suất hoặc làm lạnh đến nhiệt độ nhất định LPG chuyển sang thể lỏng.

Khí thiên nhiên hóa lỏng là sản phẩm hydrocacbon ở thể lỏng, có nguồn gốc từ khí tự nhiên với thành phần chủ yếu là Metan (công thức hoá học: CH4), tên tiếng Anh: Liquefied Natural Gas (viết tắt là LNG); tại nhiệt độ, áp suất bình thường LNG ở thể khí và khi được làm lạnh đến nhiệt độ nhất định LNG chuyển sang thể lỏng.

Khí thiên nhiên nén là sản phẩm hydrocabon ở thể khí được nén ở áp suất cao (200 đến 250 bar), có nguồn gốc từ khí tự nhiên với thành phần chủ yếu là Metan (công thức hoá học: CH4), tên tiếng Anh: Compressed Natural Gas (viết tắt là CNG).

Theo Nghị định, điều kiện đối với thương nhân sản xuất, chế biến khí gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; cơ sở sản xuất, chế biến khí được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng; dây chuyền, máy, thiết bị đã được kiểm định theo quy định; có phòng thử nghiệm chất lượng khí hoặc có hợp đồng thuê tối thiểu 1 năm của thương nhân, tổ chức có phòng thử nghiệm đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật. (1)

Đối với thương nhân sản xuất, chế biến LNG ngoài các điều kiện quy định (1) nêu trên phải có hệ thống bơm, nạp LNG để vận chuyển hoặc có hệ thống thiết bị phục vụ hoạt động hoá khí cung cấp cho khách hàng. Đối với thương nhân sản xuất, chế biến CNG ngoài các điều kiện (1) nêu trên phải có trạm nén khí CNG.

Nghị định nêu rõ, điều kiện đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí gồm: Thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật; có bồn chứa khí đáp ứng các quy định về an toàn hoặc có chai LPG đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường hoặc có hợp đồng thuê bồn, thuê chai LPG; đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí qua đường ống, ngoài đáp ứng các điều kiện quy định trên còn phải có đường ống vận chuyển khí và trạm cấp khí đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật. Đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG), ngoài điều kiện quy định trên còn phải có trạm cấp LNG hoặc trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí nén tự nhiên (CNG), ngoài đáp ứng điều kiện là thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật; đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật thì phải có xe bồn CNG, trạm nén CNG, trạm cấp CNG hoặc trạm nạp CNG vào phương tiện vận tải đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai như sau: Là thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật; có hợp đồng tối thiểu 1 năm bán LPG chai với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực theo quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp cửa hàng trực thuộc của thương nhân; đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 1/8/2018.

5. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 25/2018/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn.

Theo Quyết định này, các địa phương được sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg đã được bố trí ổn định trong dự toán chi thường xuyên thời kỳ ổn định ngân sách địa phương 2017 - 2020 để chi trả thay phần ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn theo quy định tại Quyết định 579/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017 - 2020.  Theo Ủy ban Dân tộc, với nguồn kinh phí được giao, các địa phương đã triển khai xuống các cấp cơ sở để hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào nhất là hình thức hỗ trợ tiền mặt. Người dân hộ nghèo đã sử dụng số tiền hỗ trợ để mua sắm những vật dụng cần thiết cho đời sống hoặc những dụng cụ lao động, vật tư để phục vụ cho sản xuất. Đối với các tỉnh lựa chọn hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng hiện vật hầu hết đã hỗ trợ theo đúng danh mục hỗ trợ hiện vật như: Giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y, muối iốt.  Qua 8 năm thực hiện, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn đã hỗ trợ trên 40 triệu lượt người, góp phần thiết thực trong việc cải thiện đời sống của người dân thuộc hộ nghèo và phát triển kinh tế, xã hội ở vùng khó khăn.  Những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện chính sách có ý nghĩa sâu sắc, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi nói chung và vùng khó khăn nói riêng.  Tuy nhiên, do những thay đổi về cơ chế chính sách, sự chuyển mình của nền kinh tế, các chính sách theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg không còn phù hợp cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Do giai đoạn trước chính sách thiết kế là hỗ trợ trực tiếp bằng hình thức cho không nên chỉ thích hợp trong thời gian ngắn hạn, hiệu quả lâu dài còn hạn chế và thiếu tính bền vững; xuất hiện một bộ phận người dân trông chờ ỷ lại vào chính sách của nhà nước, không có ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Chính sách hỗ trợ thực hiện trong thời gian dài, nhưng định mức hỗ trợ không được điều chỉnh, còn quá thấp, chưa đủ mạnh để hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo ở vùng khó khăn, chưa đạt mục tiêu chính sách đề ra.  Hiện, bên cạnh chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn, đã có các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất khác cho người nghèo vùng khó khăn (Chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý...) càng làm cho hiệu quả và ý nghĩa của chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày càng không có ý nghĩa trên thực tế.  Chủ trương của Chính phủ hiện nay là rà soát, tích hợp, bãi bỏ chính sách giảm nghèo giai đoạn 2017 - 2020 nhằm giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo; ưu tiên tăng nguồn lực đầu tư phát triển vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn…  Từ những yêu cầu này, kết hợp với đề xuất kiến nghị của các địa phương, việc bãi bỏ Quyết định 102 trong giai đoạn này là cần thiết, để lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình chính sách dân tộc khác, đặc biệt là các chương trình, chính sách đang thực hiện tại vùng đặc biệt khó khăn nhưng chưa được bố trí vốn. 

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019./.

6. Ngày 7/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 06/2018/TT-BTP quy định xét tặng Kỷ niệm chương"Vì sự nghiệp Tư pháp".

Theo Thông tư này, đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đã và đang công tác trong ngành Tư pháp bao gồm:

- Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Tư pháp.

- Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ các điều kiện sau:

+ Có thời gian giữ chức vụ tối thiểu 05 năm đối với cấp trưởng, 08 năm đối với cấp phó và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian quy định;

+ Cá nhân công tác tại các ngành khác được điều động về ngành Tư pháp để bổ nhiệm các chức vụ quy định tại điểm a khoản này thì được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có thời gian giữ chức vụ trong ngành Tư pháp tối thiểu 06 năm đối với cấp trưởng, 09 năm đối với cấp phó và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian quy định;

+ Đối với nữ là cán bộ lãnh đạo thì thời gian giữ các chức vụ để đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương quy định tại các điểm a, b khoản 2 Điều này được giảm 02 năm so với quy định chung;

+ Cá nhân có thời gian giữ chức vụ nhưng không đủ thời gian để đề nghị xét tặng theo tiêu chuẩn quy định đối với chức vụ đó thì được cộng với thời gian giữ chức vụ thấp hơn liền kề để đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương theo chức vụ thấp hơn liền kề.

- Cá nhân đã và đang công tác tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ 20 năm công tác trở lên đối với nam, 15 năm công tác trở lên đối với nữ và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian quy định.

- Cá nhân công tác trong các ngành, tổ chức khác chuyển về ngành Tư pháp hoặc từ ngành Tư pháp chuyển sang làm công tác tư pháp tại các ngành, tổ chức khác được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ 22 năm công tác trở lên đối với nam, có đủ 17 năm công tác trở lên đối với nữ, trong đó có tối thiểu 10 năm công tác trong ngành Tư pháp và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian quy định.

Đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đang làm công tác tư pháp bao gồm:

- Cá nhân trực tiếp làm công tác pháp chế tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ, ngành ở Trung ương; Cá nhân đang công tác tại các cơ quan Thi hành án Quân đội;  Luật sư; Công chứng viên làm việc tại các Văn phòng Công chứng; Đấu giá viên làm việc tại các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản; Thừa phát lại; Quản tài viên; Giám định viên Tư pháp; Hòa giải viên thương mại; Trọng tài viên được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ 22 năm làm công tác tư pháp trở lên đối với nam, có đủ 17 năm làm công tác tư pháp trở lên đối với nữ.

- Cá nhân là hòa giải viên ở cơ sở được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có đủ 10 năm trở lên liên tục trực tiếp làm công tác hoà giải tại thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố hoặc có đủ 08 năm trở lên liên tục trực tiếp làm công tác hoà giải và có thành tích xuất sắc được khen thưởng từ 03 Giấy khen hoặc 01 Bằng khen của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công tác hoà giải. Đối với hòa giải viên nữ thì thời gian làm công tác hòa giải quy định tại khoản này được giảm 02 năm.
Đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân khác có công lao đóng góp cho sự phát triển ngành Tư pháp Việt Nam bao gồm:

- Cá nhân công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc các trường hợp:

+ Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; Lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bí thư, phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, người đứng đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

+ Cấp phó của người đứng đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc, Phó Giám đốc sở, ngành và tương đương; Bí thư, Phó Bí thư huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có thời gian giữ chức vụ đủ 01 nhiệm kỳ trở lên.

- Cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài được đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương khi có công lao, thành tích xuất sắc trong việc xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các nước, các tổ chức quốc tế với ngành Tư pháp, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Tư pháp Việt Nam.

- Cá nhân có sáng kiến, giải pháp, công trình khoa học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, có giá trị thực tiễn, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của ngành Tư pháp; cá nhân có giúp đỡ, ủng hộ xứng đáng về tài chính hoặc vật chất cho sự phát triển ngành Tư pháp Việt Nam.

- Các trường hợp khác theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 8 năm 2018./.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập