Bản tin pháp luật

BẢN TIN PHÁP LUẬT TUẦN 18, THÁNG 5 NĂM 2018

14/05/2018 00:00 231 lượt xem

1. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 49/2018/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó quy định điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Theo Nghị định này, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp gồm: Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Có trụ sở ổn định trong thời gian ít nhất 2 năm; có đủ phòng làm việc cho kiểm định viên với diện tích tối thiểu là 8m2/người; có đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Người trực tiếp phụ trách hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu theo quy định. Có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc tối thiểu từ 12 tháng trở lên cho tổ chức kiểm định. Có trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định trong đó có nội dung, cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức nước ngoài là đáp ứng 5 điều kiện nêu trên. Có thời gian hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nghề nghiệp, kiểm định chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp ít nhất là 5 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.

Điều kiện đối với người trực tiếp phụ trách hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp của tổ chức kiểm định, bao gồm: người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu của tổ chức kiểm định là đơn vị sự nghiệp; tổng giám đốc hoặc phó tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc của tổ chức kiểm định là doanh nghiệp. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không có án tích, có phiếu lý lịch tư pháp theo quy định đối với công dân Việt Nam, có giấy tờ chứng minh không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài đối với công dân nước ngoài. Có thẻ kiểm định viên còn thời hạn sử dụng.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2018./. 

2. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn.

Theo Nghị định này, 7 hoạt động ngành nghề nông thôn bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Nghị định nêu rõ, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Nhà nước tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại liên quan hỗ trợ cơ sở ngành nghề nông thôn xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu; Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam.

Cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quy định tại khoản 2 Điều này được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi hỗ trợ thuê tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở ngành nghề nông thôn các nội dung quy định. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở; chi 100% chi phí: Thuê mặt bằng trình diễn sản phẩm; tổ chức hội thi; ăn nghỉ, đi lại đối với nội dung quy định.

Nguồn kinh phí và cơ chế hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, các chương trình, kế hoạch khuyến công, khuyến nông hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.

Làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn quy định tại Nghị định này, ngoài ra còn được hưởng các chính sách từ ngân sách địa phương như hỗ trợ kinh phí trực tiếp quy định tại quyết định công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; hình thức, định mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề. Nội dung hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề: Đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề.

Ưu tiên hỗ trợ làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống.

UBND cấp tỉnh quyết định dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề theo quy định của Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn theo quy định hiện hành. UBND cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày  01/6/2018 và thay thế Nghị định số 66/2006/NĐ-CP./. 

3. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón.

Theo Nghị định này, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: không có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt; không có kệ hoặc bao lót để xếp đặt phân bón thành phẩm; không thực hiện báo cáo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu phân bón định kỳ trong 2 năm liên tiếp hoặc không thực hiện báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không có phòng thử nghiệm được công nhận mà không có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng phân bón do mình sản xuất ra.

Đối với một trong các hành vi vi phạm: Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất phân bón không có trình độ đại học trở lên một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học; không tuân thủ thời hạn thu hồi phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng; phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không lưu mẫu sản phẩn của từng lô phân bón xuất xưởng theo quy định về thời gian bảo quản mẫu lưu; không lưu hồ sơ kết quả thử nghiệm theo quy định về thời gian của từng lô phân bón sản xuất đã xuất xưởng; không có hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với ISO 9001 hoặc tương đương (trừ cơ sở mới thành lập chưa tròn 1 năm kể từ ngày thành lập; cơ sở chỉ hoạt động đóng gói phân bón).

Theo Nghị định, phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi sử dụng dây chuyền, máy móc thiết bị sản xuất từ khâu xử lý nguyên liệu đến sản phẩm cuối cùng không đáp ứng quy trình công nghệ theo đúng đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Đối với một trong các hành vi vi phạm: Không thực hiện thử nghiệm đánh giá chất lượng của từng lô phân bón thành phẩm trước khi đưa phân bón ra lưu thông trên thị trường; không thực hiện thu hồi phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị phạt tiền từ 25 - 30 triệu đồng; phạt tiền từ 60 - 70 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phân bón có yếu tố hạn chế vượt mức giới hạn tối đa. Mức phạt tiền đến 80 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón cao; phạt tiền từ 80 - 90 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị dưới 200 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 100 triệu đồng trừ trường hợp sản xuất phân bón để nghiên cứu, khảo nghiệm; phân bón sản xuất trong khuôn khổ dự án sản xuất thử nghiệm, chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong thời gian thực hiện dự án, chương trình.

4. Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 13/2018/QĐ-TTg quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại khoản 1, 2, 7 Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung).

Theo Quyết định này,  khách hàng vay vốn, dự án, phương án được đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đáp ứng các điều kiện gồm: Khách hàng đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định của pháp luật, không có nợ xấu trong 3 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của khách hàng tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn.

Khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án, phương án sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thuộc một trong các trường hợp: Triển khai các dự án, phương án có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng, cấp thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống nhân dân thuộc các ngành, lĩnh vực: điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng và các lĩnh vực khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ; Triển khai các chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; Đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ.

Dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đã được tổ chức tín dụng thẩm định là đảm bảo khả thi, khách hàng có khả năng trả nợ và quyết định cấp tín dụng; đáp ứng các quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tổ chức tín dụng cần đáp ứng các điều kiện về cấp tín dụng hợp vốn như: Đã đề xuất và thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật về việc cấp tín dụng hợp vốn đối với dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn mà khả năng hợp vốn của các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu vay vốn của một khách hàng; hoặc đã phát hành thư mời hợp vốn tới ít nhất 5 tổ chức tín dụng khác, đăng trên trang thông tin điện tử chính thức của tổ chức tín dụng, các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian ít nhất 30 ngày làm việc nhưng không có tổ chức tín dụng khác tham gia hợp vốn.

Tại thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, tổ chức tín dụng đáp ứng các yêu cầu về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật có liên quan; hực hiện đầy đủ các yêu cầu liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ được nêu tại hồ sơ đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn và các văn bản phê duyệt chấp thuận cấp tín dụng vượt giới hạn trước đó; đảm bảo giới hạn cấp tín dụng quy định tại khoản 8 Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 khi tính cả khoản cấp tín dụng vượt giới hạn đang đề nghị.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ 1/5/2018../.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập