Thông tin tuyên truyền

TUYÊN TRUYỀN: CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC, NHÀ TU HÀNH, TÍN ĐỒ CÁC TÔN GIÁO TRONG VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ TÔN GIÁO

21/08/2023 10:54 8156 lượt xem

Việt Nam là một quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo, theo số liệu báo cáo “Tổng kết tình hình, công tác tôn giáo năm 2020”  của Ban Tôn giáo Chính phủ, nước ta hiện nay có 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, có khoảng trên 40 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận với trên 26 ngàn tín đồ, chiếm trên 27% dân số cả nước, 58.104 chức sắc, 148.046 chức việc. Quần chúng có tôn giáo là một lực lượng quan trọng của cách mạng, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, các tôn giáo ở Việt Nam luôn là đối tượng để các thế lực xấu, thù địch triệt để lợi dụng để thực hiện các lợi ích cá nhân và mưu đồ chính trị. Chính vì vậy, Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003  của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX), về công tác tôn giáo khẳng định: “công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa rất quan trọng”, đồng thời chỉ rõ: “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”. Do vậy công tác vận động, tập hợp, đoàn kết chức sắc các tôn giáo có ý nghĩa quan trọng trong công tác tôn giáo. Nhằm đoàn kết, tập hợp tất cả các lực lượng của nhân dân: các giai cấp, giai tầng trong xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài… để thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng. Xuất phát từ ý nghĩa của vấn đề như đã nêu trên, nhiều năm qua việc tập hợp, vận động chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo đã được hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã được quan tâm nhất định và trên thực tế đã rút ra được những kinh nghiệm quý cho công tác này.

I. CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO

1. Quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với công tác vận động quần chúng có tôn giáo

Ngay từ khi mới thành lập cũng như trong tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, tôn giáo và đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về công tác tôn giáo đã được ban hành và đến nay còn nguyên giá trị như: Nghị quyết số 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 của BCHTW về công tác tôn giáo; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 về một số công tác đối với đạo Tin lành (2005) và gần đây nhất là Luật tín ngưỡng, tôn giáo ra đời là một minh chứng, một bước tiến và một lần nữa tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Đảng ta khẳng định:

(1). Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật của mọi người; thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc (Chỉ thị số 37-CT/TW năm 1998 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, về công tác tôn giáo trong tình hình mới).

Trước hết, phải thấy rằng, quan điểm trên của Đảng xuất phát từ mục tiêu quan trọng của cách mạng nước ta hiện nay là không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; mặt khác, quan điểm trên còn xuất phát từ thực tiễn các thế lực thù địch đã và đang thường xuyên lợi dụng vấn đề tôn giáo, gắn nó với vấn đề dân tộc, nhân quyền, dân chủ để chống phá cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước của Đảng và Nhân dân ta. Do đó, quan điểm đoàn kết toàn dân, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng; không phân biệt giữa người không theo tôn giáo với những người theo các tôn giáo khác nhau; đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được coi như là một nguyên tắc trong công tác tôn giáo. Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú trọng tới công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo, trên cơ sở lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng. Tín đồ tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ công dân trong làm ăn, sinh sống, học tập, tham gia cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng hợp pháp, công tác xã hội… cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 (2). Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng (theo Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16/10/1990 của BCH TW về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới)

Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Đồng bào theo đạo hay không theo đạo đều là công dân Việt Nam, có quyền và nghĩa vụ như nhau trước pháp luật. Sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lương cũng như giáo. Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo đối với đồng bào có đạo là phải chăm lo giải quyết những lợi ích thiết thực, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, giúp đồng bào nâng cao trình độ mọi mặt và đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Về nhiệm vụ của công tác tôn giáo đảng ta chỉ rõ: Hướng dẫn chức sắc các giáo hội hoạt động tôn giáo theo đúng pháp luật, ủng hộ xu hướng tiến bộ trong các tôn giáo làm cho các Giáo hội ngày càng gắn bó với dân tộc và sự nghiệp cách mạng của toàn dân, thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của Giáo hội ở một nước độc lập có chủ quyền.

Đảng khẳng định rõ lập trường coi chức sắc tôn giáo cũng là một công dân có đạo của nước Việt Nam, họ có quyền và nghĩa vụ như mọi công dân khác, đồng thời thấy rõ vai trò của họ với giáo dân và Giáo hội. Theo đó, Đảng ta một lần nữa xác định tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng có đạo, bao gồm cả tín đồ, chức sắc các tôn giáo, là vấn đề cốt lõi, quyết định việc thành bại của công tác tôn giáo.

Nội dung công tác vận động quần chúng tín đồ, chức sắc các tôn giáo không chỉ là việc tuyên truyền giải thích đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà còn phải bằng cả những hoạt động thực tiễn chăm lo giải quyết những lợi ích thiết thực, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng của họ. Sự quản lý của Nhà nước hoàn toàn không phải là để hạn chế hoạt động của các tôn giáo, mà là làm cho hoạt động tôn giáo được tiến hành bình thường theo đúng pháp luật, có như thế mới nhăn chặn được các hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch. Mục đích của công tác vận động chức sắc các tôn giáo là hướng dẫn họ hoạt động tôn giáo chấp hành đúng pháp luật, ủng hộ các xu hướng tiến bộ, đoàn kết, gắn bó họ với dân tộc, với sự nghiệp cách mạng của toàn dân, nâng cao lòng tự hào dân tộc trong họ. Công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo và đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo chống đối chế độ chỉ thành công nếu làm tốt công tác vận động quần chúng (theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Đảng năm 2003). Quan điểm trên của Đảng không chỉ xuất phát từ vai trò của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng, mà còn xuất phát từ quần chúng tín đồ là đối tượng của công tác tôn giáo - được thể hiện trên một số mặt sau:

          Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận quần chúng, sinh hoạt tôn giáo là nhu cầu không thể thiếu vắng trong đời sống hàng ngày của người tín đồ. Nhu cầu đó, được thể hiện trên những vấn đề cụ thể (nhu cầu về chức sắc, chức việc, nơi thờ tự, kinh sách, thực hiện các lễ nghi tôn giáo…) và liên quan trực tiếp tới công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

          Mỗi tôn giáo đều bao gồm các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đông đảo tín đồ. Do vậy, mỗi sinh hoạt tôn giáo đều là sinh hoạt của một cộng đồng ng­ười có chung tín ng­ưỡng, tôn giáo. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo thuộc lĩnh vực quản lý đặc thù, liên quan đến các hoạt động gắn với niềm tin tôn giáo của cộng đồng và cá nhân có tôn giáo. Đồng bào có đạo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt các chủ tr­ương, chính sách, thì việc quản lý của Nhà nư­ớc mới đạt kết quả tốt.

          Đa số tín đồ, chức sắc tôn giáo ở Việt Nam có tinh thần yêu nước, đoàn kết, gắn bó với dân tộc, có nhiều đóng góp qua các thời kỳ của cách mạng. Vì vậy, quần chúng tín đồ tôn giáo phải tập hợp trở thành thành lực lượng của cách mạng, phát huy vai trò, nguồn lực tôn giáo nhằm thực hiện các mục tiêu do Đảng đề ra, hạn chế sự lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch và các phần tử xấu lợi dụng tôn giáo. Có thể xem đây là cái gốc của mọi mặt công tác đối với tôn giáo và giải quyết vấn đề tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

          (3). Phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc sống tốt đời đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận, đúng qui định của pháp luật (theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng năm 2006). 

          Quần chúng tôn giáo cần phát huy những yếu tố tích cực trong tôn giáo, phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới, như: các giá trị văn hoá, đạo đức tôn giáo; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam... Điều đó, không chỉ có ý nghĩa làm lành mạnh đời sống tôn giáo, đời sống xã hội, mà còn tạo thêm yếu tố đồng thuận, phát huy nguồn lực tôn giáo đóng góp vào sự phát triển đất nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời hạn chế những mặc cảm, tự ti, tiêu cực trong quần chúng tôn giáo. Quần chúng tôn giáo cần phát huy được truyền thống yêu nước của đồng bào theo tôn giáo thông qua các phong trào “phụng đạo, yêu nước”, “kính Chúa, yêu Nước”, “tốt đời, đẹp đạo”, “Nước vinh, đạo sáng”... quần chúng tín đồ phải tích cực phòng, chống và đấu tranh với âm mưu lợi dụng tôn giáo, gây mất ổn định xã hội, các hành vi lợi dụng tôn giáo vì những mục đích xấu cần phải được lên án và xử lý nghiêm theo pháp luật.

          (4). Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

          Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá IX) về công tác tôn giáo đã khẳng định: “Công tác tôn giáo có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, các cấp, các ngành, các địa bàn. Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo” (theo Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Khoá IX).

          Cấp ủy, tổ chức đảng giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời quán triệt Nghị quyết, các văn bản của Đảng về công tác tôn giáo, từ đó đề ra chủ trương, định hướng công tác tôn giáo phù hợp với thực tiễn địa phương, cơ sở. Làm tốt công tác giáo dục tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân, đồng bào có đạo. Thực hiện công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ vùng đồng bào có đạo có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực làm công tác dân vận, công tác tôn giáo. Quan tâm công tác phát triển đảng viên là người có đạo, xây dựng cốt cán trong tôn giáo; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, bảo đảm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chủ trương, nhiệm vụ của cấp uỷ các cấp được triển khai thực hiện có hiệu quả.

          Các cấp chính quyền kịp thời thể chế hoá chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật, chương trình, nhiệm vụ cụ thể về công tác tôn giáo. Tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật; chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó có quần chúng tôn giáo bằng các chính sách phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

          Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm tập hợp đông đảo quần chúng tôn giáo tham gia vào tổ chức; bồi dưỡng, xây dựng nhân tố cốt cán, điển hình; tuyên truyền, vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng tôn giáo để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước bổ sung, sửa đổi các chính sách cho phù hợp, kịp thời giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng của tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo; phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phối hợp với chính quyền, các cơ quan chức năng tham gia công tác vận động, giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo.

          Các quan điểm chỉ đạo của Đảng ta đã tạo ra bước ngoặt, có tính đột phá trong tư duy lý luận về tôn giáo và công tác tôn giáo trong các giai đoạn cách mạng. Nghị quyết khẳng định: tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang tồn tại cùng với dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; văn hoá đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới; nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng; làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Quan điểm này mang tính nguyên tắc đã được tiếp tục phát triển, hoàn thiện qua 13 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt (năm 2021) tiếp tục khẳng định: (1) “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”; (2) “tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng…” (theo Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021).

          (5). Phát huy nguồn lực tôn giáo cho sự phát triển đất nước

          Phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo là chủ trương đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định từ sớm, bắt đầu từ Sắc lệnh 234-SL (1955) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ trương này được tiếp nối qua các văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, gần đây là Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới và Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng trước Chỉ thị số 18-CT/TW (2018) và  Luật tín ngưỡng, tôn giáo duy chỉ có Sắc lệnh 234-SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định tổ chức tôn giáo được mở trường tư thục, làm kinh tế còn đa số các văn bản khác đều đề cập đến vấn đề này một cách chung chung với các từ như “khuyến khích”, “tạo điều kiện”, “phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”,... Từ Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 về các hoạt động tôn giáo đến Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo gần như không có bước tiến nào trong việc phát huy nguồn lực tôn giáo. Cụ thể:

          Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 về các hoạt động tôn giáo quy định “Những hoạt động tôn giáo vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân được khuyến  khích” (Điều 4); “Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo được hoạt động kinh tế, văn hóa - xã hội như mọi công dân khác”; “Chức sắc, nhà tu hành và tổ chức tôn giáo hoạt động từ thiện theo quy định của Nhà nước. Các cơ sở từ thiện do chức sắc, nhà tu hành và tổ chức tôn giáo bảo trợ hoạt động theo sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng của Nhà nước” (Điều 17).

          Đến Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo cũng dừng ở quy định “tôn trọng giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo” (Điều 5). Điều 33, quy định: “1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật. 2. Chức sắc, nhà thu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật”. Có thể thấy, trước Luật tín ngưỡng, tôn giáo, các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và liên quan đều dừng lại ở việc cho phép cá nhân tôn giáo thực hiện các hoạt động từ thiện nhân đạo với tư cách công dân (không với danh phận chức sắc tôn giáo); đối với tổ chức tôn giáo thì chỉ được hỗ trợ hoặc tham gia.

          Tới Luật tín ngưỡng, tôn giáo, cùng với việc khẳng định tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại (Điều 30), Điều 55 của Luật quy định: “Hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan”. Đây là bước tiến so với các quy định trước đó, song quy định này chỉ mang tính mở đường vì còn phụ thuộc vào các pháp luật chuyên ngành.

Chủ trương của Đảng và những văn bản pháp luật trên đã tạo ra một hành lang pháp lý để cho tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo; là công cụ pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động này. Qua triển khai thực hiện, nhiều tiềm năng của các tôn giáo bước đầu đã được phát huy qua đó thể hiện vai trò, trách nhiệm của tôn giáo với xã hội.

II. VIỆC CHẤP HÀNH, THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC CỦA CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC, NHÀ TU HÀNH, TÍN ĐỒ CÁC TÔN GIÁO

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với tôn giáo được hình thành, phát triển và ngày càng hoàn thiện hơn trong quá trình phát triển đất nước. Nhận thức về vấn đề tôn giáo, quan điểm chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trước và sau thời kỳ đổi mới cũng có nhiều đổi mới. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng, Nhà nước đã đổi mới công tác tôn giáo và đã giành được những thành tựu to lớn. Kể từ khi Nghị quyết số 25-NQ/TW ra đời hàng loạt các chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được soạn thảo, ban hành và từng bước được hoàn thiện. Hệ thống chính sách mới đã làm chuyển đổi nhận thức của xã hội về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, nhiều vướng mắc trong quan hệ giữa Nhà nước và tôn giáo được tháo gỡ và ngày càng đạt đến sự đồng thuận; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được đảm bảo, tiếp tục mở rộng; đời sống tín ngưỡng, tôn giáo trở nên sinh động hơn trong con mắt bạn bè quốc tế. Những thành tựu đó đã làm thất bại âm mưu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng và điều quan trọng hơn là mục tiêu của chính sách đã động viên được ý chí, sức mạnh của tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo tham gia công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thời đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Có thể khái quát một số thành tựu đạt được trong công tác vận động, tranh thủ chức sắc/chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo như sau:

1. Chức sắc,chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo góp sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc

Tiến trình lịch sử Việt Nam đã chứng minh, thời nào các bậc minh quân khéo biết dùng chính sách đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc thì đất nước thái bình, thế nước vững như “Âu vàng”. Ngay khi bắt tay vào xây dựng nền độc lập cho quốc gia Đại Việt, vua Đinh Tiên Hoàng đã biết phát huy Phật giáo ở cả khía cạnh trí tuệ và cố kết nhân tâm, để đoàn kết, phò Vua, chống giặc, giúp nước. Vua đã phong cho Thiền sư Ngô Chân Lưu làm Tăng thống, chức đứng đầu các sư cả nước; sau lại phong là Khuông Việt Đại sư, nghĩa là bậc Đại sư khuông phò nước Việt nhằm tôn vinh, khích lệ sự cống hiến của ông đối với đất nước. Thời nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo trở thành Quốc đạo và đã có công lớn trong việc cố kết nhân tâm và vun bồi trí đức; nhờ đó mà dân tộc ta đã đoàn kết một lòng, đánh tan những đội quân xâm lược mạnh nhất thời bấy giờ.

Đặc biệt, trong công cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc đã trở thành tư tưởng xuyên suốt, một chiến lược cách mạng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm trên thực tế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đoàn kết tôn giáo; hoà hợp dân tộc. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ bề thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đã là người Việt Nam, dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo, dù theo tôn giáo nào thì đều chung một dân tộc, đều là con cháu của dòng dõi Lạc - Hồng, vì vậy, đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề tất yếu, là nhân tố quyết định thành công của cách mạng. Tư tưởng đoàn kết của Người không chỉ xuất phát từ thực tế của đất nước, mà từ kinh nghiệm xương máu trong truyền thống mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc, từ tinh hoa văn hoá của nhân loại, từ lý luận học thuyết Mác - Lê-nin. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” là sức mạnh chiến thắng mọi thiên tai, địch hoạ; là sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh. Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời với Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định: “mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”; “đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo”; “tất cả quyền bính trong nước là của nhân dân Việt Nam…” đã động viên được chức sắc, đồng bào theo các tôn giáo tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng đất nước.

Ngay sau khi giải phóng miền Bắc, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giành độc lập, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà nước đã ban hành Sắc lệnh 234-SL, ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Đây là văn bản đặt nền móng Quản lý nhà nước với tín ngưỡng, tôn giáo bằng pháp luật, thể hiện tầm nhìn vượt trội về luật pháp tôn giáo tại thời điểm đó. Tinh thần của Sắc lệnh 234 như một luồng gió làm “ấm lên” đời sống tôn giáo và quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội đã động viên được hàng trăm nghìn thanh niên các tôn giáo nhập ngũ đi giải phóng miền Nam, trong đó có hàng ngàn thanh niên Công giáo, mặc dù có sự phản đối của giáo triều Vatican về Chủ nghĩa Cộng sản. Ở miền Nam, dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ và chế độ Nguỵ quyền của chức sắc, đồng bào theo Phật giáo (điển hình là phong trào đấu tranh của Phật giáo năm 1963 góp phần làm sụp đổ chính quyền Ngô Đình Diệm), của chức sắc, tín đồ Cao đài cứu quốc 12 phái, một bộ phận quần chúng Phật giáo Hoà hảo yêu nước… Thời gian này, một bộ phận chức sắc, đồng bào theo các tôn giáo ở miền Nam đã đóng góp sức người, sức của cho cách mạng, hàng trăm nghìn thanh niên theo các tôn giáo đã tham gia quân du kích, bộ đội địa phương, lực lượng quân giải phóng ở khắp chiến trường Nam bộ. Sau 02 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Nghị quyết số 297-NQ/CP, ngày 07/11/1977 về một số chính sách đối với tôn giáo của Hội đồng Bộ trưởng được ban hành đã góp phần nâng cao hiệu quả Quản lý nhà nước đối với tôn giáo trong giai đoạn (1977-1990).

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có 02 Nghị quyết về tôn giáo và công tác tôn giáo: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về “tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” và Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “công tác tôn giáo”. Các quan điểm chỉ đạo của Đảng ta đã tạo ra nước ngoặt, tính đột phá trong tư duy lý luận về tôn giáo và công tác tôn giáo trong giai đoạn Cách mạng mới. Nghị quyết khẳng định: tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang tồn tại cùng với dân tộc trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở nước ta; văn hoá đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới; nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng; làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo.

Thể chế hoá các quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới đất nước, Nhà nước đã ban hành Nghị định số 69/HĐBT, ngày 21/3/1991 của Hội đồng Bộ trưởng “quy định về các hoạt động tôn giáo”; Nghị định số 26/1999/NĐ-CP “về các hoạt động tôn giáo”; đặc biệt là sự ra đời của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, Nhà nước Việt Nam đã có một bước tiến mới trong quá trình hoàn thiện luật pháp về tín ngưỡng, tôn giáo với tinh thần kế thừa và phát triển Sắc lệnh 234-SL ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, ban hành, đã đáp ứng cơ bản nguyện vọng chính đáng của các tôn giáo, tạo sự phấn khởi trong đại đa số đồng bào tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo ở nước ta. Những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đã làm cho “lòng dân, ý Đảng” hoà quyện, tạo nên sức mạnh vô địch trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa. Những năm qua, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, xu hướng chủ đạo trong đời sống hoạt động của các tôn giáo là gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Với phương châm “Tốt đời, đẹp đạo” các tôn giáo ở Việt Nam đã xây dựng nên đường hướng hành đạo tiến bộ, như: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc” của Hội thánh Tin lành Việt Nam; … vừa phù hợp với đạo lý, truyền thống của dân tộc, vừa phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và xu hướng phát triển của thời đại.

2. Công tác tuyên truyền, vận động tín đồ, chức sắc/chức việc, nhà tu hành hoạt động tôn giáo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước

Nhận thức tầm quan trọng của công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về tôn giáo, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực chủ động làm tốt công tác vận động, tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước cho tín đồ, chức sắc/chức việc, nhà tu hành tôn giáo, coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Với phương châm lấy vận động, thuyết phục là chính, giác ngộ chức sắc/chức việc về nhận thức chính trị; tạo điều kiện để họ phát huy vai trò với Giáo hội của mình; khích lệ tinh thần tự tôn dân tộc, thái độ thiện chí, hoạt động tuân thủ pháp luật. Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về tôn giáo được quan tâm và thực hiện thường xuyên, tạo những bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức đồng bào có đạo; củng cố niềm tin của chức sắc/chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước.

Việc tuyên truyền, phổ biến giúp cho cán bộ, công chức, tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong những năm qua đã đạt được một số kết quả như sau:

Thứ nhất, đã làm chuyển biến căn bản nhận thức của xã hội, nhất là nhận thức của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở các cấp về tôn giáo và công tác tôn giáo. Nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; coi trọng những giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo tốt đẹp; thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Tâm lý mặc cảm, định kiến với tôn giáo giảm dần; coi đồng bào có tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cũng là sinh hoạt văn hóa bình thường của nhân dân, quần chúng có đạo.

Thứ hai, diện mạo tôn giáo khởi sắc, tăng thêm tiềm lực cho tôn giáo và cho đất nước. Nhờ hệ thống chính sách, pháp luật và những hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, có thể nói, chưa bao giờ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân được thuận lợi như hiện nay. Năm 2003, cả nước có khoảng 17,4 triệu tín đồ chiếm 21,8% dân số, 15 tổ chức tôn giáo (thuộc 6 tôn giáo) được Nhà nước công nhận. Theo Báo cáo “Tổng kết tình hình, công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021 của ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo” của Ban Tôn giáo Chính phủ), sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW (khóa IX) và Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã công nhận bổ sung 25 tổ chức đủ điều kiện được cơ quan Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, nâng tổng số các tổ chức tôn giáo được công nhận lên 41 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo, có 29.801 cơ sở thờ tự với 26.548.509 tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước.

Thứ ba, thái độ, ý thức chính trị của tổ chức, chức sắc/chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo ngày càng được nâng cao, đồng bào các tôn giáo thực hiện tốt trách nhiệm của tín đồ và nghĩa vụ công dân đối với đất nước. Các hoạt động tôn giáo từng bước đi vào nề nếp, ổn định theo đúng Hiến chương, Điều lệ đã được phê duyệt, hoạt động thuần túy tôn giáo đảm bảo tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước; các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được phát huy, các yếu tố tiêu cực từng bước bị đẩy lùi. Vì vậy, hoạt động của các tổ chức tôn giáo trong mối quan hệ với Nhà nước cũng theo chiều hướng tích cực thể hiện ở phương châm hành đạo, gắn bó đồng hành với dân tộc. Nhiều thư chung, thông bạch, văn bản của các chức sắc cao cấp, các tôn giáo gửi chức sắc, tín đồ khuyến khích tính thần đoàn kết và tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế… để họ có dịp thể hiện lòng yêu nước. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo đều có ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân của mình, hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật diễn ra không những góp phần tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi để đồng bào các tôn giáo phát huy được tính tích cực trong cộng đồng các dân tộc, đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn giúp các tôn giáo chủ động đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.

Thứ tư, công tác vận động tín đồ, chức sắc tôn giáo được đẩy mạnh, gắn kết đồng bào tín đồ các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước. Chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo phấn khởi, đồng bào có đạo an tâm tu hành, tích cực phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giữ gìn an ninh, trật tự, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện của tổ chức, cá nhân tôn giáo được chính quyền các cấp tạo điều kiện. Tiêu biểu như thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội, trường mầm non, nhóm, cơ sở khám chữa bệnh, trường trung cấp nghề hoặc trung tâm dạy nghề; tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thiện… đã góp phần tích cực cùng với Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn xã hội chung tay bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết những khó khăn, bức xúc trong đời sống nhân dân.

3. Chức sắc/chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa

Quán triệt Nghị quyết 25-NQ/TW, nhận thức về trách nhiệm của hệ thống chính trị về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “tốt đời đẹp đạo” trong quần chúng chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ có bước chuyển biến rõ rệt nhằm phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong khi đề ra các chủ trương và hoạt động của mình đã có ý thức, quan tâm hơn đến công tác tôn giáo, vấn đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đổi mới, phát huy dân chủ, mở rộng, đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng có đạo.

Trong những năm qua các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, đóng góp sức người, sức của chung tay cùng nhân dân cả nước làm cho đời sống của người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi: hệ thống ngõ xóm, kênh mương từng bước được bê tông hóa, nhiều cây cầu bê tông được xây dựng, an ninh trật tự trên địa bàn được bảo đảm. Nhiều mô hình vận động quần chúng có hiệu quả thiết thực được sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Tiêu biểu như các cuộc vận động “vì người nghèo”, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “xây dựng nhà tình thương”, các cuộc vận động từ thiện, nhân đạo… Nhiều địa phương có những mô hình vận động hiệu quả như “hiến đất làm đường”, “tình nguyện vì cộng đồng”; vận động “phát huy giá trị đạo đức tôn giáo vào thực tiễn xây dựng khu dân cư”, “xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo văn minh, các mô hình làng, xã văn hóa “sống tốt đời đẹp đạo”, “xứ họ đạo bình yên, gia đình công giáo gương mẫu”, vận động “đóng góp xây dựng đường liên thôn”;...

Trong tham gia thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhiều tổ chức, chức sắc/chức việc, nhà tu hành tôn giáo tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo tham gia hiến đất, hoa màu, tài sản trên đất, đóng góp tiền ngày công lao động cho các công trình xây dựng cơ bản, phúc lợi xã hội ở cộng đồng... tham gia các hoạt động công ích làm đường, xây cầu, sân bóng, các công trình dân sinh, nhân rộng tuyến đường “Sáng – xanh – sạch – đẹp – văn minh”, “con đường hoa”, mô hình “ Đoạn đường tự quản”,... thông qua phong trào, nhiều vị chức sắc/chức việc, tu hành và tín đồ tôn giáo trở thành tấm gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã làm tốt vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, tuyên truyền động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào các tôn giáo. Đông đảo đồng bào có đạo đã có nhiều việc làm thiết thực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp tại các khu dân cư trên địa bàn; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Nhiều mô hình phù hợp với điều kiện của từng địa phương được triển khai như phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến” và phong trào “Xây dựng xứ, họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”.v.v... phù hợp với giáo lý, giáo luật của các tôn giáo. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ký kết chương trình phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với Hội đồng Giám mục Giáo hội Công giáo Việt Nam về an toàn giao thông nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia bảo đảm, trật tự an toàn giao thông.

Các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc đã tích cực hợp tác, vận động gia đình tín đồ chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy ước, hương ước của địa phương, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, rèn luyện thể dục, thể thao, đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất, trong khó khăn hoạn nạn, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đặc biệt là các quy định của Nhà nước về hoạt động tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tham gia phòng, chống ma tuý, tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, kiên quyết đấu tranh làm thất bại các âm mưu lợi dụng tôn giáo để phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy các giá trị đạo đức tôn giáo truyền thống sống đạo tương thân, tương ái, đồng bào tôn giáo đã tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo và an sinh xã hội.

Đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ở khu dân cư, Ban công tác Mặt trận, tổ an ninh, tổ hòa giải đã phối hợp tốt với chức sắc, tổ chức tôn giáo vận động bà con giáo dân tham gia đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, ma túy, mại dâm, trộm cắp; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có con em lầm lỡ, giúp các cháu vượt qua thử thách, không mặc cảm với xã hội, vươn lên hoà nhập với cộng đồng... Trong nội dung sinh hoạt tôn giáo, nhiều chức sắc tôn giáo đã nhắc nhở, khuyên răn tín đồ từ bỏ các tệ nạn xã hội để xây dựng cuộc sống lành mạnh, nhiều vị đã trực tiếp đi kiểm tra nhắc nhở và có cách giải quyết cụ thể đối với các tụ điểm thanh niên uống rượu, đánh bạc, chơi quá giờ quy định,... từ đó đã giáo dục được nhiều thanh niên chấp hành tốt, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

Nhìn chung, các phong trào thi đua yêu nước đã thu hút đông đảo tín đồ tôn giáo tích cực tham gia và đã mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sâu sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tôn giáo không ngừng được cải thiện, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước.

4. Chức sắc/chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Quan tâm đầu tư cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, từng bước mở rộng diện bao phủ, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội, trong đó có các tổ chức tôn giáo và người dân.

Đối với tôn giáo, tham gia vào công tác an sinh xã hội vừa là đạo lý, vừa là chức năng xã hội quan trọng gắn với quá trình truyền giáo, phát triển đạo. Công tác an sinh xã hội được thực hiện đa dạng ở nhiều lĩnh vực với nhiều tổ chức và cá nhân tham gia. Hoạt động an sinh xã hội của các tôn giáo, không chỉ mang lại hiệu quả trong hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, mà cao hơn là về mặt tinh thần. Sự chăm sóc tận tình, thái độ tôn trọng và cảm thông không ranh giới với người bệnh, người nghèo của các tu sĩ chính là nguồn động viên, khích lệ người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, góp phần làm giảm tải gánh nặng ngân sách nhà nước, đóng góp vào phát triển bền vững đất nước.

Bên cạnh đó, những năm qua các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động xã hội hóa về y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo theo hai hình thức chủ yếu: hoạt động thường xuyên và hoạt động không thường xuyên. Hầu hết các tôn giáo đều có phòng khám, tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí chăm sóc sức khỏe cho Nhân đan, nhất là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, vơi nhiều mô hình, cách làm thiết thực, ý nghĩa. Theo số liệu tổng hợp từ Báo cáo số 274/BC-MTTW – BTT ngày 31/12/2020 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về sơ kết 05 thực hiện kết luận số 02/KL-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN về đổi mới nội dung phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo”: Tổng số chức sắc/chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo tham gia khám chữa bệnh: 13.027 người. Tổng số cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc y tế là 283 cơ sở. Số lượt người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở chuyên khoa: 1.512.727 lượt người. Số lượt người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở phòng chuẩn trị Y học cổ truyền của tôn giáo khoảng: 14.233.253 lượt người. Số lượt người được người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các cơ sở bệnh xã của tôn giáo: 179.025 lượt người. Số người được khám, cấp thuốc hàng năm tại các tại các cơ sở khác: 7.577.602 lượt người. Tổng giá trị các hoạt động hỗ trợ, ủng hộ trong lĩnh vực y tế trong 5 năm (2015 – 2020) qua của tôn giáo trong lĩnh vực y tế: 6.890.837 tỷ đồng, tham gia ủng hộ các chương trình y tế của địa phương y tế của địa phương: 3.075.077 tỷ đồng, ủng hộ khám chữa, bệnh, phòng thuốc lưu động: 2.480.560 tỷ đồng.

Những hoạt động y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo trên của các cá nhân, tổ chức tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua đã góp phần giảm gánh nặng cho Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19, dịch viêm đường hô hấp cấp xảy ra vào tháng 3/2020, với tinh thần, trách nhiệm cao với đất nước, phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sống “tốt đời đẹp đạo” 41 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh với nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể, hủy hoặc tạm dừng các hoạt động lễ hội, các buổi họp, thuyết giảng, khóa tu tập trung đông người và nhiều sinh hoạt , hoạt động tôn giáo ở cộng đồng và cơ sở tôn giáo, góp phần cùng cả nước chống dịch. Thực hiện lời kêu gọi của tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch Covid – 19, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, vận động các tổ chức tôn giáo tham gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp với tinh thần chủ động, sáng tạo, có nhiều hoạt động phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện của mỗi tôn giáo. Đến nay, qua tập hợp kết quả cho thấy 41 tổ chức tôn giáo đều có văn bản hướng dẫn chức sức/chức việc, nhà tu hành, tín đồ tham gia phòng chống dịch rất tích cực, đồng thời với nhiều hình thức ủng hộ bằng thiết bị y tế, hàng hóa trị giá hơn 300 tỷ đồng góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Có thể nói, những hoạt động từ thiện, tham gia các hoạt động y tế hiện nay của các tổ chức tôn giáo đã làm nổi bật tính “thiện” của các tôn giáo, mang lại sự gần gũi về một sự giải thoát ngay trong đời sống hiện thực của các tôn giáo. Điều này giúp cho các tín đồ - những người được cứu giúp, được thụ hưởng từ những hoạt động từ thiện của các tôn giáo thấy gần gũi, có thiện cảm hơn với các tôn giáo. Ngược lại, những tín đồ tôn giáo – là những người đóng vai trò chủ nhân của những hoạt động này cũng được thỏa mãn, bởi đã được thực hành những giá trị tốt đẹp của tôn giáo mình, họ đã được “cứu vớt” về mặt linh hồn trong những hành động thực tế này, từ đó kích thích họ hơn trong những việc “hành thiện” tiếp theo của mình trong đời sống giác ngộ đức tin tôn giáo.

5. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo hưởng ứng tích cực chủ trương bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới sự phát triển bền vững đất nước

Biến đổi khí hậu, mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7o C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2007), Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Công bị ngập chìm nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP lên tới 25%. Hậu quả của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.

Vì vậy, nếu không quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường. Để làm được việc này cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Trong đó, không thể thiếu vai trò của các tổ chức tôn giáo trong hoạt động truyền thông, tuyên truyền về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đồng thuận, nhất trí của lãnh đạo cấp cao đại diện cho 14 tôn giáo và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 08/3/2016, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Quyết định số: 763/QĐ-MTTW-BTT thành lập Ban Chỉ đạo chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Thành phần Ban Chỉ đạo gồm Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA Việt Nam), lãnh đạo cấp cao của 14 tôn giáo.

Đến nay, đã có 63/63 tỉnh/thành phố tổ chức ký kết Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo trực thuộc cấp tỉnh tại địa phương. Thông qua các cuộc vận động, các phong trào do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, các tôn giáo tuyên truyền cho tín đồ nâng cao tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng, trồng cây xanh, chôn lấp rác thải đúng nơi quy định, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp… góp phần cùng chính quyền, nhân dân xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tạo sự chuyển biến và vận hành đồng bộ từ trung ương đên địa phương với nhiều cách làm hay, nhiều hoạt động sáng tạo và 1014 mô hình của các tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu ở các địa phương được xây dựng triển khai có hiệu quả. Có thể kể một số mô hình điểm có nhiều hiệu quả trong thực tiễn như: mô hình “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, hạn chế việc sử dụng vàng mã trong các cơ sở thờ tự” của Phật giáo; mô hình “Cộng đồng tôn giáo và cư dân thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” các hộ gia đình trồng rau sạch, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, tổ chức chăn nuôi khu tập trung xa khu dân cư, thu gom rác thải gia đình; mô hình “Giáo xứ an toàn – sáng – xanh – sạch – đẹp” của Công giáo;...

Hoạt động hiệu quả của các mô hình nói trên góp phần từng bước thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của chức sắc/chức việc, nhà tu hành, tín đồ nói riêng và của xã hội nói chung với vấn đề bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến sự phát triển bền vững đất nước.

Tóm lại, trong quá trình đổi mới đất nước, chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam ngày càng cởi mở, không chỉ tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động ổn định, phát triển theo quy định của pháp luật, mà còn nhìn nhận giá trị đạo đức, văn hóa và đóng góp của tôn giáo trong phát triển đất nước. Đấy chính là cơ sở quan trọng để các tôn giáo gắn bó đồng hành cùng dân tộc, tạo mối quan hệ gắn bó trong hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội. Đội ngũ chức sắc/chức việc, nhà tu hành phải nhìn nhận, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của tôn giáo, coi tôn giáo là nguồn lực trong xây dựng và phát triển đất nước. Cương quyết đấu tranh với những chức sắc/chức việc, nhà tu hành hoạt động vi phạm pháp luật, trục lợi, cấu kết với các thế lực xấu để phá hoại thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam./.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập