Văn hóa - Xã hội

Những giọt nước mắt hối hận muộn màng

20/09/2023 16:42 147 lượt xem

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, cuộc sống của người dân huyện Mèo Vạc đang dần thay đổi, cơ sở vật chất được cải thiện, công nghệ thông tin phủ sóng rộng khắp, nhưng đâu đó sau những bản làng vùng cao vẫn còn một số trường hợp tảo hôn.

Những giọt nước mắt hối hận muộn màng
Em Đía đang chuẩn bị bữa trưa trong ngôi nhà chật hẹp của hai vợ chồng.

Chúng tôi đến thăm gia đình em Ly Thị Đía, tại thôn Tìa Chí Đơ, xã Giàng Chu Phìn. Đía bỏ học từ năm lớp 10 về lấy chồng, khi đó em mới 15 tuổi. Đang ở cái độ tuổi lẽ ra phải được chăm lo, học hành đầy đủ thì nay em phải gánh trách nhiệm là một người vợ, mọi mơ ước của em về một cuộc sống tốt đẹp đã đóng lại trong căn nhà nhỏ bé với rất nhiều sự vất vả, cơ cực. Chồng Đía là con mồ côi cha mẹ, vì hai em tảo hôn nên sau ba năm kết hôn cái nghèo, cái đói vẫn luôn bủa vây hai em, không có việc làm nên trong nhà không thóc lúa, không ngô, không có gia súc, gia cầm, ngoài một số đồ dùng sinh hoạt ra thì nhà không có vật dụng gì giá trị. Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống hôn nhân, em Đía đã hiểu ra cái sai của mình và hối hận muộn màng trong nước mắt. Em Đía rưng rưng nước mắt cho biết: “Nay em đã lấy chồng được 3 năm, hai vợ chồng em cũng đi làm suốt nhưng mà không tiết kiệm được đồng nào, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn. Em cảm thấy cách em chọn đi lấy chồng là một sai lầm rất lớn, nếu thời gian có quay trở lại em sẽ chọn cách đi học để có một tương lai tươi sáng hơn”.

          Còn em Sùng Thị Dúa sinh năm 2003, em đã về làm dâu nhà bà Vàng Thị Mỷ tại xã Tả Lủng từ lúc 16 tuổi, ở độ tuổi với bao bạn bè khác còn vô lo vô nghĩ, tập trung vào việc học hành thì nay Dúa đã là mẹ của hai con. Lấy chồng sớm, nhà chồng cũng rất hoàn cảnh nên cái nghèo cứ lặp lại vòng luẩn quẩn từ thế hệ bố mẹ đến thế hệ của vợ chồng Dúa. Em Dúa chia sẻ: “Hiện chồng em đang đi nghĩa vụ quân sự, em một mình ở nhà nuôi hai con rất vất vả, không có tiền mua bỉm, sữa cho con, khi chồng hết nghĩa vụ quân sự trở về hai vợ chồng em sẽ đi làm công ty để có tiền trang trải cuộc sống cũng như chăm lo cho các con được đến trường học tập trong môi trường tốt. Mong các bạn trẻ sau này đừng vội lấy chồng mà hãy cố gắng học để có công việc cho thu nhập ổn định mới không khổ”.

Đối với em Thò Thị Pà, sinh năm 2008 ở xã Tả Lủng thì may mắn hơn. Mặc dù em đã về sống ở nhà bạn trai tại xã khác, nhưng khi nắm được tình hình cán bộ địa phương đến nhà vận động, khuyên nhủ thì em đã nhận thức được hệ lụy của tảo hôn, rồi quay về sống với gia đình bố mẹ đẻ để tiếp đi học. Em Pà nói: “Do nhận thức còn hạn chế, năm ngoái em có đi lấy chồng nhưng khi được các cô, các chú ở xã đến tuyên truyền, vận động em đã hiểu và quay về nhà, em sẽ tiếp tục đi học, không tảo hôn nữa”.

Những giọt nước mắt buồn, những hoàn cảnh ngang trái này sẽ là bài học sâu sắc cho các bạn trẻ giúp họ định hình lại hành trình đi đến bến bờ hạnh phúc của riêng mình, để rồi sẽ không còn ai phải hối hận muộn màng trong nước mắt.

Minh Giàng – Minh Chuyên

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập