Thông tin tuyên truyền

Những kinh nghiệm trong xây dựng, tổ chức thực hiện phong trào thi đua

04/07/2018 00:00 133 lượt xem

Đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ các phong trào thi đua như: Việc thường xuyên nâng cao nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo các cấp về vị trí, vai trò công tác thi đua, khen thưởng; thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; sự phối hợp giữa cấp ủy chính quyền và các tổ chức đoàn thể nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phong trào thi đua…

Một trong những bài học kinh nghiệm qua tổ chức phong trào thi đua đó là “Nêu cao vai trò của người cán bộ trực tiếp làm công tác thi đua, khen thưởng”. Khi nói đến thi đua là nói đến phong trào, chúng ta thường vẫn có câu “cán bộ nào, phong trào đó” hàm ý đề cao vai trò của người lãnh đạo, người cán bộ trực tiếp làm phong trào. Đối với người làm công tác thi đua, khen thưởng ngoài nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, cần có lòng nhiệt tình với công việc và phải có năng lực trong tổ chức phong trào, gần gũi với mọi người, cụ thể, tỉ mỉ trong từng công việc. Người làm công tác phong trào cần có năng lực tổ chức để hướng cho mọi người trong tập thể phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.

Một kinh nghiệm nhỏ nữa trong công tác thi đua, khen thưởng đó là “Thực hiện việc khen thưởng công bằng, kịp thời”; như chúng ta đã biết tâm lý chung của mỗi người đều mong muốn được lãnh đạo đánh giá đúng sự cố gắng, tích cực của bản thân mình. Mỗi lời động viên, khích lệ đúng lúc của người lãnh đạo sẽ có tác dụng tích cực, làm cho người được khen có tâm trạng phấn khởi hơn và kết quả công việc đương nhiên sẽ tốt hơn. Trong một tập thể có nhiều người như thế sẽ tạo không khí vui tươi đoàn kết, hỗ trợ nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

Việc khen thưởng không nhất thiết phải đến kỳ sơ, tổng kết phong trào thi đua mới đưa ra bình xét mà cần phải tiến hành hàng ngày; thực chất của việc khen thưởng nặng về yếu tố tinh thần. Thực hiện tốt điều này là chúng ta đã duy trì được thường xuyên phong trào thi đua như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”; công tác thi đua, khen thưởng đòi hỏi phải nghiên cứu cả một quá trình, để đúc kết do đó tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng nhất thiết phải sớm đi vào ổn định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức để nâng cao năng lực tham mưu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới về công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới.

Kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp đảm bảo phát huy tốt vai trò tư vấn về công tác thi đua, khen thưởng; tham gia ý kiến và đề xuất nội dung, biện pháp cho Cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, tổ chức phát động phong trào thi đua; thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tổ chức, chỉ đạo, tổng kết và phổ biến kinh nghiệm, xây dựng và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; thẩm định thành tích, xét chọn các đơn vị, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua để đề nghị khen thưởng theo quy định. Trong thực tế hiện nay, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và các thành viên Hội đồng mới chỉ tham gia xét đề nghị khen thưởng là chính.

Phải gắn kết và thực hiện nghiêm túc giữa định hướng phong trào thi đua và biện pháp thi đua cụ thể, phong trào thi đua phải toàn diện, sâu rộng. Tránh tình trạng thi đua chạy theo hình thức mà kết quả thực tế thì không có. Bên cạnh những kết quả đạt được từ phong trào thi đua cần phải đề cập những vấn đề tồn tại, yếu kém trong công tác thi đua, khen thưởng để rút kinh nghiệm và khắc phục kịp thời những thiếu sót. Việc đánh giá không sát đúng, né tránh sự thật là vấn đề làm trở ngại rất lớn trong quá trình tổ chức phong trào thi đua, hậu quả của việc chạy theo thành tích là rất khó lường.

Trong mỗi giai đoạn phát triển của xã hội, thi đua yêu nước lại có những nét mới về chất và đặc điểm mới, cũng như mục tiêu mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thi đua là một cách tốt nhất, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua, phải làm thế nào để ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua”, do đó, mục tiêu thi đua phải luôn gắn liền với nhiệm vụ công việc hàng ngày và gắn liền với mục đích, yêu cầu chung trong từng giai đoạn lịch sử của cách mạng đề hướng quần chúng vào mục tiêu đó mà phấn đấu thi đua đạt kết quả tốt.

Để công tác thi đua, khen thưởng đúng với mục đích, ý nghĩa của nó, thật sự tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì trước hết và quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, nhận thức trong mỗi người, đặc biệt là người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, cần phải công minh trong việc bình xét khen thưởng để chọn đúng người xứng đáng, người được khen thật sự phải là điển hình nổi bật, là tấm gương để người khác học hỏi. Ngoài ra, bản thân người được đề nghị khen thưởng phải có lòng tự trọng, trung thực, phải biết mình thực sự có thành tích được khen hay không, chứ đừng vì xem việc khen thưởng là món đồ trang sức mà mình cần phải có để làm đẹp mình. Cần xóa bỏ tư tưởng xem việc khen thưởng là một chiếc bánh mà người có quyền chia bánh ấy muốn ban phát cho ai thì ban, cũng không nên có tư tưởng “trung hòa” “món ngon cùng hưởng, mật ngọt cùng chia”. Tất cả những điều đó đều triệt tiêu động lực phần đấu của mỗi người.

Để công tác thi đua, khen thưởng là công cụ quan trọng trong quản lý và điều hành hoạt động của từng đơn vị làm cho thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực thúc đẩy mọi cá nhân và tập thể tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn được giao, nhiệt tình với các hoạt động chung của đơn vị và của xã hội, trước hết xin hãy bắt đầu từ việc nhận thức.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập