Chính trị

Nghị quyết 209 trong lòng dân

28/07/2017 00:00 153 lượt xem

Kể từ khi Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Giang được ban hành đến nay hơn một năm nhưng sức hút và sự lan tỏa của nó đã phủ rộng khắp các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Các chủ trương từ nghị quyết đã làm đổi thay bộ mặt nông thôn và đời sống kinh tế của người dân trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.

Là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao, nhân dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, với thế mạnh về trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc, ngay sau khi Nghị quyết 209 ra đời, Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc đã xác định đây là cơ hội tốt để người dân phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Do đó, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân tiếp cận được các chính sách của Nghị quyết một cách hiệu quả. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của tỉnh, huyện đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, các cuộc họp thường kỳ và ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời đến cơ sở; trong đó chú trọng tuyên truyền, triển khai cho nhân dân đăng ký lồng ghép vào các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ, thông qua hệ thống loa truyền thanh được phát bằng tiếng Việt và tiếng Mông tại các xã, thị trấn; nên chỉ sau một thời gian ngắn, người dân tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Tính đến hết tháng 6.2017, huyện đã có 2.097 hồ sơ đăng ký vay 142,631 tỷ đồng, trong đó đã thẩm định, giải ngân được 325/390 hồ sơ với số vốn được giải ngân 25,180 tỷ đồng; người dân mua được 853 con trâu bò, 7.330 đàn ong và xây dựng 226m2 chuồng trại chăn nuôi gia súc. Sau một năm, đàn trâu bò đã sinh sản được 45 con bê, nghé; chăn nuôi bò vỗ béo thu về lợi nhuận được 98 triệu đồng và hơn 30.000 lít mật ong. Điển hình hộ ông Vầy Văn Quế, xã Nậm Ban vay mua 5 con bò, đã phát triển lên thành 9 con, hộ Nông Thanh Săm, xã Nậm Ban vay mua 03 con bò đã phát triển lên thành 7 con; ông Ngô Mạnh Cường, Hợp tác xã mật ong Bạc hà Tuấn Dũng vay vốn 2 tỷ đồng; ông Lục Văn Dương ở thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi vay vốn phát triển chăn nuôi ong đã mang nguồn lợi thu nhập cao cho gia đình.

Để minh chứng về hiệu quả từ Nghị quyết 209 mang lại, chúng tôi có dịp cùng Tổ đại biểu HĐND tỉnh đến kiểm tra, giám sát tại các xã Niêm Sơn, Lũng Chinh (Mèo Vạc) vào những ngày cuối tháng 6.2017, mới thấy: Nghị quyết 209 như một luồng gió mới, tạo động lực giúp người dân địa phương không chỉ vươn lên thoát nghèo, mà còn từng bước làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình. Trên khuôn mặt của từng hộ dân được vay vốn mua bò mà tôi có dịp tiếp xúc đều hiện lên vẻ rạng rỡ, phấn khởi và tin tưởng vào sự đột phá trong phát triển kinh tế từ Nghị quyết này.  Đồng chí Thào Mí Sính, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mèo Vạc khẳng định: "Ngay từ những ngày đầu thực hiện Nghị quyết 209, huyện Mèo Vạc đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc với quyết tâm chính trị rất cao. Trong quá trình triển khai thực hiện, từ huyện đến cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đều được quán triệt nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết. Để cụ thể hóa và triển khai hiệu quả Nghị quyết này, ngày 20.4.2016 Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU về chuyển đổi diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa; ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND về triển khai phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết 209, nhằm thiết thực lập thành tích kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập huyện". Đồng thời chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Mèo Vạc phối hợp với các xã, thị trấn làm tốt công tác thẩm định để giải ngân kịp thời cho nhân dân vay vốn mua gia súc chăn nuôi, đúng thời vụ nhằm tận dụng tốt nguồn cỏ sẵn có.

Cùng với triển khai đồng bộ, các giải pháp khuyến khích nhân dân vay vốn phát triển chăn nuôi, huyện còn chú trọng hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn thụ tinh nhân tạo và tiêm phòng vắc xin cho gia súc. Do đó, đàn gia súc của huyện đều phát triển nhanh theo từng năm. Nếu như 6 tháng đầu năm 2016, đàn bò của huyện chỉ đạt 25.874 con, đã tăng lên 27.990 con trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng 108,18%. Số hộ có từ 5 con bò trở lên ngày càng nhiều, điều đó khẳng định Nghị quyết 209 đã thực sự đi vào lòng dân và đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Có thể thấy rằng, sau hơn một năm triển khai thực hiện, mặc dù còn một số khó khăn, tồn tại hạn chế về trình tự thủ tục thẩm định, nhưng Nghị quyết 209 vẫn được đánh giá cao là phù hợp với thực tiễn, sớm đi vào cuộc sống và tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập