Thông tin tuyên truyền

Chuyện về những người “canh giữ” rừng đầu nguồn Chí Sán

29/06/2014 00:00 164 lượt xem

Đã gần chục năm nay, mặc dù chỉ nhận được khoản hỗ trợ khiêm tốn, nhưng 14 con người vẫn tự nguyện thay phiên nhau vượt núi, băng rừng, quyết tâm không để cho bất cứ ai lấy đi một cây gỗ dù là nhỏ nhất. Đó là câu chuyện về những người H’Mông, người Dao đang ngày đêm “canh giữ” trên 300 ha rừng phòng hộ đầu nguồn Chí Sán (Mèo Vạc), bởi họ hiểu được rừng quan trọng như thế nào khi hàng năm nơi đây luôn phải “gồng mình” trước “cơn khát” dai dẳng…
Theo chân cán bộ Ban qản lý đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng huyện Mèo Vạc, mất gần một giờ chạy xe máy vượt qua con đường mòn lởm chởm đá, chúng tôi đặt chân đến rừng đầu nguồn Chí Sán, nơi được xem là “cứu cánh” của thị trấn Mèo Vạc và các xã lân cận. Theo lời kể lại, nơi đây vốn là các đồi, núi trọc, thậm chí có những chỗ không một còn một bóng cây che nắng. Đó là hệ quả của tập quán canh tác đốt nương làm rẫy. Mỗi khi mùa khô về là những chuỗi ngày thiếu nước sinh hoạt và sản xuất cho hàng nghìn người dân, có năm Mèo Vạc còn rơi vào cơn “đại khát”. Đi tìm lời giải cho “bài toán” thiếu nước, năm 2005, huyện Mèo Vạc đã quyết tâm trồng và đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt trong việc giữ rừng và căn cứ vào địa bàn thực tế giao cho các cơ quan, đơn vị bảo vệ. Từ đó, 2 tổ bảo vệ rừng được thành lập ở 2 thôn Phố Mỳ và Lùng Vái (thuộc xã Tả Lủng) bao gồm trưởng thôn, bí thư chi bộ, công an viên, thôn đội trưởng và những người dân tình nguyện. Để tạo sự đồng tình, người dân hai thôn đã họp và thống nhất trích một phần tiền, gạo của chương trình hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho những người tham gia. Trên thực tế, mọi người làm việc trên tinh thần tự nguyện là chính bởi tính ra mỗi người cũng chỉ được hỗ trợ khoảng gần 200 nghìn đồng/tháng. “Bảo vệ được rừng thì giữ được nước để trồng lúa, trồng ngô. Ai cũng hiểu được điều đó nên dù có được hỗ trợ bao nhiêu chúng tôi vẫn cứ giữ rừng cho mình”- trưởng thôn Phố Mỳ Phàn Văn Lử tâm sự.

Đã nhiều năm tham gia giữ rừng, những người trong tổ bảo vệ luôn ý thức được trách nhiệm công việc và hơn hết họ hiểu được vai trò của rừng đối với chính cuộc sống của gia đình. Vì thế, dù gian khổ họ vẫn quyết tâm canh giữ từng cây gỗ trên rừng đầu nguồn Chí Sán. Có lúc đi tuần rừng gặp trời đổ mưa, khi trên tay họ chỉ có cây gậy và con dao phát đường thì rừng chính là nơi che chở cho họ. Anh Hoàng A Páo, một người dân trong tổ bảo vệ rừng chia sẻ: “Nhiều lúc đi rừng vất vả lắm! Khi gặp trời mưa đường trơn, vắt rừng nhiều như lá cây nhưng vì trách nhiệm chung nên không ai phàn nàn điều gì. Chỉ ngại lúc gặp những người chặt gỗ họ chống đối, thậm chí sau khi xử lý xong, gặp nhau ngoài đường họ vẫn còn đe dọa nên nhiều anh em trong tổ bảo vệ cũng e ngại”. Anh cho biết, hầu hết những người đến chặt cây lấy gỗ đều ở các xã lân cận nên đôi khi việc xử lý cũng cần cả sự khéo léo và quyết liệt. Qua tìm hiểu, ngay từ khi thành lập tổ bảo vệ, mọi người đã thống nhất ra quy ước hoạt động. Khi phát hiện sẽ tiến hành thu tang vật, xử phạt theo quy ước của thôn đã quy định. Trường hợp chặt cây quá to, người trong tổ bảo vệ sẽ báo cáo ra huyện để các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Bên cạnh đó còn kết hợp tuyên truyền về lợi ích từ rừng mang lại để mọi người hiểu và không tái phạm. Để tăng hiệu quả hoạt động, những người tham gia bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn Chí Sán đang kêu gọi người dân góp tiền, góp sức để xây dựng một trạm bảo vệ, phân công người thường trực. Đồng thời, mong muốn tổ bảo vệ có sự tham gia của các cơ quan có thẩm quyền như Hạt Kiểm lâm, Công an huyện để tạo sự phối hợp nhịp nhàng, hạn chế được sự chống đối từ những người vi phạm. Nhìn từ thực tế, người dân thôn Phố Mỳ và Lùng Vái hiện nay chủ yếu sản xuất bằng trồng ngô và lúa. “Vòng quay” giữ được rừng sẽ giữ được nước và ruộng bậc thang đang được mở rộng, đời sống người dân nơi đây dần đi vào ổn định. Ngược lại, để đảm bảo đời sống thì người dân nhất định phải giữ được rừng. Trong khi một số địa phương đã và đang rơi vào tình trạng “nóng” về chặt phá rừng thì câu chuyện về những người nông dân không quản ngại gian khổ, ngày đêm bảo vệ rừng đầu nguồn Chí Sán đang là mô hình cần được nhân rộng.

Trên đường quay trở về, cơn mưa rừng bất chợt đổ, trong tiếng gió thổi ào ào tôi vẫn nghe rõ từng tiếng anh cán bộ Ban quản lý nói với niềm vui khôn xiết: “Mưa đấy anh ạ, không mưa còn có nước huống hồ mưa như thế này thì bà con vui lắm. Có rừng giữ nước rồi thì chắc chắn người dân sẽ bớt khổ và không phải lo lắng nhiều khi mùa khô đến. Người dân ở đâu mà cũng ý thức như ở đây thì vui biết nhường nào anh nhỉ?”. 

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập