Kinh tế

Viện nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp làm việc tại huyện Mèo Vạc

14/09/2019 00:00 120 lượt xem

Ngày 13.9, Viện nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) đã có buổi làm việc tại huyện Mèo Vạc nhằm đánh giá kết quả triển khai, thực hiện công tác phối hợp giữa Viện và huyện trong triển khai các nhiệm vụ mà hai bên ký kết cùng thực hiện. Tham dự có PGS.TS Trần Thị Thu Hà, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp; đồng chí Trần Quang Minh, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Mèo Vạc.

Tháng 4/2019 UBND huyện Mèo Vạc tiến hành ký biên bản thoả thuận hợp tác giai đoạn 2019-2025 với Viện nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp. Nội dung hợp tác về khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, bảo tồn và phát triển, chế biến dược liệu gắn liền với sinh thái, du lịch cộng đồng; phối hợp thực hiện mô hình trồng cây lâm nghiệp tạo sinh thuỷ tại thôn Sán Tớ thị trấn Mèo Vạc, quy mô 15ha trồng cây Tống quáng sủ, Lát hoa, Mắc rạc, Sơn tra, Hồ đào. Kết quả tỷ lệ cây sống thấp nguyên nhân do khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, sương muối và băng giá thường xuyên xảy ra. Viện phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc các loài cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ tại 5 xã với 254 học viên tham gia. Về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi bò quy mô hộ gia đình. Thực hiện tại 5 hộ gia đình thôn Pả Vi Hạ xã Pả Vi, hỗ trợ mỗi hộ 15 triệu đồng xây dựng chuồng trại và hố thu phân. Tiến hành hướng dẫn các hộ thực hiện xử lý ủ phân bằng chế phẩm sinh học, qua kiểm tra việc xử lý phân đã phát huy hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Thảo luận và đi đến thống nhất chung, lãnh đạo Viện NC&PTLN và huyện Mèo Vạc đánh giá những động thái tích cực trong thực hiện thoả thuận hợp tác, tuy nhiên quá trình phối hợp giữa hai bên còn chậm, chưa chặt chẽ. Việc quản lý, chăm sóc cây lâm nghiệp còn nhiều hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới. Đề nghị các ngành, các xã tập trung thực hiện những nhiệm vụ ngắn hạn. Xác định, khảo sát lập dự án cụ thể rõ ràng nguồn lực, địa điểm, chủ thể thực hiện mô hình. Hướng tới xây dựng các mô hình dược liệu đặc thù, có chỉ dẫn địa lý. Xây dựng một số sản phẩm OCOP có thương hiệu riêng mang tính bền vững. Nghiên cứu phát triển, mở rộng diện tích trồng cây đào bản địa, dưới tán trồng xen cây giảo cổ lam hình thành điểm đến, gắn với phát triển du lịch. Khảo nghiệm trồng Sâm Chí Sán, Tam thất, Đương quy, Đông trùng hạ thảo theo hướng có bảo hộ, sở hữu trí tuệ. Về phía huyện Mèo Vạc tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để Viện NC&PTLN khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển các loại cây dược liệu. Chỉ đạo ngành chuyên môn và địa phương phối hợp với Viện bố trí nguồn lực để thực hiện tốt các nội dung ký kết theo kế hoạch. Đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện có hiệu quả nội dung đã triển khai trên địa bàn./.

 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập