Kinh tế

Trồng rau hàng hoá, sự chuyển biến trong nhận thức của người dân xã Tát Ngà

21/12/2014 00:00 158 lượt xem

Nằm trong tiểu vùng các xã núi đất, xã Tát Ngà có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp và trở thành một trong những địa phương cung cấp nhiều nhất các sản phẩm lương thực, thực phẩm cho nhân dân trên địa bàn huyện.
Xác định được lợi thế đó, trong năm 2014, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, ưu tiên lựa chọn những cây trồng chính là thế mạnh của xã, như: lúa, ngô, đậu tương, khoai tây và rau đậu các loại. Chủ động, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia sản xuất cây vụ đông theo hướng hàng hóa, đặc biệt chú trọng vào các thôn có điều kiện nước tưới tiêu thuận lợi và gần đường giao thông, nhằm thuận tiện cung cấp sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tại chợ trung tâm huyện. Vì vậy, tính đến hết năm 2014, toàn xã đã gieo trồng được 1.298,3 ha cây trồng các loại. Trong đó, rau chiếm 216 ha (riêng vụ đông này trồng được 86/76 ha rau, đạt 113% kế hoạch), đậu các loại chiếm 136 ha, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Để có được kết quả trên, là do sự chuyển biến trong nhận thức của người dân. Nếu như cách đây 3 năm, người dân xã Tát Ngà vẫn còn tư tưởng trông chờ vào các chương trình đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thì mới triển khai trồng, do đó năng suất không cao. Người dân mới chỉ sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, làm chỉ đủ ăn, chứ chưa nghĩ cung cấp bán rau ra thị trường; cho nên các tiểu thương vẫn phải nhập rau từ xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ và thành phố Hà Giang mang đến bán tại chợ trung tâm huyện. Giờ đây, nhận thức của người dân xã Tát Ngà đã chuyển biến thực sự, các cánh đồng rau, quả xuất hiện ngày càng nhiều tại các thôn Nà Dầu, Tát Ngà, Nà Trào và Bản Chiều,…không chỉ thuận lợi cung cấp cho các thương lái mà còn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Tếm, anh Phan Văn Chím ở thôn Nà Trào với những thửa ruộng hơn 1000m2 đều phủ một màu xanh ngắt của rau bắp cải. Anh Tếm cho biết: “ Thôn Nà Trào có 30/45 hộ trồng rau, trong đó gia đình anh và anh Chím trồng nhiều nhất. Mỗi phiên chợ, anh cũng chở hơn 100 kg rau bắp cải đem bán, bình quân 1 kg bắp cải có giá 10.000 đồng. Một vụ cho thu hoạch khoảng 10 triệu đồng, gấp đôi so với trồng lúa. Hiện nay, anh đã bán gần hết và đang chuẩn bị trồng tiếp để kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết nguyên đán sắp tới”. Đến thăm gia đình anh Lù Văn Tùng ở thôn Nà Dầu, tôi cũng được biết thêm, thôn có 31/47 hộ thường xuyên trồng rau đem bán.


Rau bắp cải luôn được người tiêu dùng ưa chuộng

Trao đổi về vấn đề này, anh Hà Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Tát Ngà cho biết: “Mỗi khi đến thời vụ, bà con nhân dân trong xã, đặc biệt là ở các thôn có điều kiện thuận lợi đều đã ý thức được trồng các loại cây gì cho năng suất và có giá trị kinh tế cao. Trước đây, cán bộ khuyến nông xã phải tuyên truyền nhiều nhưng bà con nhân dân chưa hưởng ứng nhiệt tình lắm”. Bây giờ, đến mỗi thôn đâu đâu cũng thấy xuất hiện bạt ngàn màu xanh của rau cải, rau bí, dưa chuột, đậu cô ve,...mùa nào thức nấy, chứ không còn đơn thuần chỉ trồng lúa một vụ hoặc bỏ đất trống như trước kia nữa.

Có lẽ, sự chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm đó là nhờ xã làm tốt công tác tuyên truyền và người dân đã được tham gia nhiều các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh vào sản xuất. Bên cạnh đó, từ khi con đường huyết mạch từ trung tâm huyện vào xã Tát Ngà được rải nhựa cũng góp phần quan trọng tạo điều kiện cho người dân tăng cường giao lưu, trao đổi hàng hóa với các địa phương khác. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là sự thay đổi nhận thức của mỗi người dân trong việc lựa chọn các mô hình hay, cách làm hiệu quả để vươn lên phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong đó, cùng với đẩy mạnh trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc thì trồng rau hàng hóa là hướng đi đúng đắn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập