Kinh tế

Rộn ràng mùa mật ong Bạc hà Mèo Vạc

11/12/2015 00:00 394 lượt xem

Đã thành thông lệ, cứ vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch hàng năm, khi hoa Bạc hà nở tím các triền núi, người dân Mèo Vạc lại rộn ràng đón mùa mật mới. Nghề nuôi ong lấy mật là nghề có từ lâu đời của đồng bào nơi đây và là nghề đem lại thu nhập cao cho người dân, mũi nhọn của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội. Mật ong Bạc hà Mèo Vạc đã trở thành thương hiệu quen thuộc, là món quà ý nghĩa mà mỗi du khách khi đến với Cao nguyên đá đều muốn mang về.

Là một trong những huyện vùng cao có điều kiện tự nhiên thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây Bạc hà, tuy nhiên việc phát triển đàn Ong trước đây còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; sản phẩm mật ong vì thế chưa được nhiều người biết đến. Song từ khi chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho mật ong Bạc hà được cấp Giấy chứng nhận đăng ký, phong trào nuôi ong lấy mật ở Mèo Vạc không ngừng được phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã đưa nghề nuôi ong trở thành một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giúp xóa đói, giảm nghèo bền vững. Năm 2015, huyện có trên 8.000 đàn ong mật, với hai hình thức sản xuất kinh doanh là hợp tác xã và hộ gia đình. Trong đó, có hợp tác xã Tuấn Dũng và hợp tác xã Quốc Bảo sản xuất kinh doanh tập trung. Từ hình thức nuôi quảng canh, nhỏ lẻ, người dân đã có ý thức nuôi ong để phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư từ 20-30 đàn ong mỗi vụ trở lên. Gia đình anh Thào Mí Lử, thôn Tả Chả Lảng, xã Sủng Trà là hộ có tổng đàn ong nhiều nhất thôn, gia đình anh bắt đầu nuôi ong được 3 năm nay trên diện tích nương rẫy của gia đình, năm đầu nuôi vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên anh chỉ nuôi 20 đàn, sau khi nhận thấy lợi nhuận từ nghề nuôi ong mang lại, gia đình đã đầu tư tăng lên 100 đàn. Nuôi ong dần trở thành nghề thu nhập chính của gia đình, mỗi vụ gia đình thu về từ 40-50 triệu đồng. Anh chia sẻ: “Bắt đầu từ tháng 7, tháng 8, gia đình tôi lấy ong về để nuôi cho thích nghi dần với khí hậu nơi đây. Sau khi ổn định đàn, tôi mới tiến hành quay lấy mật. Năm nay hoa tốt nên gia đình tôi tích cực chăm sóc và nuôi ong lấy mật để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

         

Cùng với việc khuyến khích tăng đàn, UBND huyện còn tổ chức cho cán bộ khuyến nông tập huấn, phổ biến kỹ thuật nuôi ong cho người dân, giúp người dân có thêm kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi ong đạt hiệu quả. Thấy được lợi ích từ việc nuôi ong, người dân trong huyện rất đồng tình hưởng ứng, đàn ong mật của huyện tăng nhanh về số lượng và chất lượng; cùng với đó, huyện cũng có những cơ chế khuyến khích phát triển đàn ong địa phương, nghiêm cấm đưa các loại ong ngoại vào nuôi trên địa bàn nhằm đảm bảo chất lượng mật ong địa phương.

         

Hợp tác xã Tuấn Dũng là cơ sở chính chăn nuôi, thu mua mật ong Bạc hà của huyện. Nhằm nâng cao thương hiệu và giữ vững chất lượng, HTX đã mở rộng số lượng và quy mô số đàn ong trên địa bàn các xã có nhiều hoa Bạc hà như: Sủng Trà, Sủng Máng, Tả Lủng, Lũng Pù,… thu mua mật ong thành phẩm, tạo đầu ra ổn định cho các hộ nuôi ong. Hiện HTX có trên 2.000 đàn, mỗi vụ sản xuất và thu mua từ 13.000 đến 15.000 lít mật ong, với giá bán 450.000đồng/lít như hiện nay trên thị trường, doanh thu có thể đạt gần 7 tỷ đồng. Ông Ngô Mạnh Cường -  Chủ nhiệm HTX Tuấn Dũng chia sẻ: “Hoa Bạc hà năm nay trữ lượng mật rất tốt, chất lượng mật ngon, từ đầu vụ đến nay, chúng tôi đã quay được 4 lượt mật, sản lượng mật đảm bảo 1 lít/ đàn ong”.

 

Nghề nuôi Ong lấy mật cũng lắm cung phu, để cho ra được sảm phẩm mật chất lượng, người nuôi Ong phải trải qua khá nhiều công đoạn    

     

Với việc Cục sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định về cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong Bạc hà “Mèo Vạc”, là cơ hội để nghề nuôi ong của huyện phát triển; đồng thời, cũng là thách thức để mật ong Bạc hà Mèo vạc đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Huyện xác định tập trung đầu tư cho phát triển đàn ong của huyện là một nhiệm vụ trọng tâm, được đưa vào Nghị quyết phát triển kinh tế của Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015-2020. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các hợp tác xã hướng dẫn các hộ dân có nhu cầu nuôi ong về kỹ thuật và hỗ trợ vốn. Ông Sùng Mí Thề - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Từ nay đến năm 2020 huyện sẽ đưa đàn ong mật phát triển lên 20.000 đàn. Để thực hiện đạt chỉ tiêu đó, ngay bước đầu tiên sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng phương án cụ thể phát triển đàn ong mật theo lộ trình từng năm, cùng với đó huyện cũng quy hoạch lại các vùng nguyên liệu phát triển đàn ong, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ gia đình có nhu cầu nuôi ong mật trên địa bàn để phát triển có quy mô và theo vùng trọng điểm”.

         

Nghề nuôi ong lấy mật không những tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn, tăng thu nhập mà còn là giải pháp khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế, giúp người dân Mèo Vạc sớm thoát nghèo bền vững. Từ những kết quả đạt được, huyện tiếp tục triển khai các chương trình liên kết quảng bá và phát triển nhân rộng tăng đàn ong mật, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp, các cơ chế phù hợp đối với các hộ dân và doanh nghiệp nuôi ong trên địa bàn, giữ vững và phát triển thương hiệu mật ong Bạc hà của địa phương.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập