Kinh tế

Nhiều khó khăn khi áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên đàn bò

17/12/2014 00:00 591 lượt xem

Mèo Vạc lâu nay đã xác định chăn nuôi bò hàng hóa là một trong những hướng đi chính giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh thực hiện nhiều giải pháp tăng đàn, thì việc áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) được xem là cách làm “đột phá” ở địa phương thời gian qua. Tuy nhiên, sau hơn hai năm triển khai, mặc dù đạt được kết quả bước đầu nhưng khi nhìn thẳng vào thực tế, khó khăn vẫn nhiều hơn lợi thế.
Qua tìm hiểu, trong những năm qua giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi đang trở thành thế mạnh của huyện, chiếm tới trên 50% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện. Từ năm 2012, huyện đã giao cho Phòng NN&PTNT phối hợp với Trung tâm giống cây trồng và gia súc Phó Bảng đào tạo kỹ thuật dẫn tinh nhân tạo cho bò cái. Đồng thời, tập huấn kỹ thuật phát hiện bò động dục, phòng chống một số bệnh sản khoa trên bò cái sinh sản cho 830 lượt người tham gia. Để triển khai hiệu quả công tác này, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phân tích rõ lợi ích tới người dân. Vì vậy, đến nay đã thụ tinh được 268 con bò cái, trong đó đã có 226 con đạt kết quả. Ngoài thực hiện TTNT bằng tinh đông viên của giống bò địa phương, huyện còn khai thác tinh bò ngoại Brahman để phối giống cho bò cái địa phương. Từ năm 2012 đến nay đã có 148 con bê được sinh ra bằng phương pháp TTNT, trong đó có 18 con bò cái được phối từ tinh bò Brahman, bê lai có trọng lượng sơ sinh đạt từ 28 – 35kg. Trọng lượng bê sinh ra từ đàn bò cái được TTNT bằng tinh bò được khai thác từ con đực giống đầu dòng của địa phương đạt 18 – 22kg. Trong khi đó, việc phối giống tự nhiên bê con chỉ đạt 14 – 16kg. Có dịp tới thăm gia đình anh Thào Mí Lềnh, thôn Sảng Pả B, thị trấn Mèo Vạc, không khỏi ngạc nhiên khi con bê lai mới sinh nặng tới trên 30kg. Anh cho biết: “Đây là lần đầu tiên gia đình có được con bê to như vậy. Được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên con bê khỏe mạnh và lớn nhanh, vui lắm!”. Tuy nhiên, đi cùng với kết quả đó lại có nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ, trong đó rào cản lớn nhất chính là nhận thức và tập quán chăn nuôi của người dân còn nhiều hạn chế, lạc hậu.

Thực tế cho thấy, việc phối giống cho gia súc chưa được bà con nhân dân chú trọng. Hộ chăn nuôi còn để phối giống tự nhiên không có chọn lọc, không đúng thời điểm dẫn đến thoái hóa về giống. Đặc biệt, tại một số xã núi đá, các hộ chủ yếu nuôi bò đực để cày nương, tỷ lệ nuôi bò cái chiếm ít nên tỷ lệ sinh sản không cao. Với mục đích tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng TTNT. Thế nhưng, không phải ai cũng nghe và làm theo phương pháp mới này. Đồng chí Trương Thị Mai, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện (phụ trách mảng chăn nuôi, thú y) cho biết: Đã không ít lần “dở khóc, dở cười” khi một số gia đình đã đồng ý để cán bộ thực hiện TTNT, nhưng đến thời gian bò cái động dục gia đình lại nhất quyết không thực hiện, nhất là bò cái nhốt chuồng thường để lỡ mất chu kỳ động dục hoặc khi bò cái động dục gia đình không liên lạc với kỹ thuật viên khiến cho thời gian phối giống muộn, kết quả ít thành công. Việc quản lý tổng đàn gia súc trên địa bàn chưa được chặt chẽ, đời sống kinh tế chưa ổn định nên khi cần tiền, người dân thường bán những con bò có thể làm giống tốt. Đặc biệt, những con bò được cơ quan chuyên môn huyện bình tuyển thì lại bị bán ra khỏi địa bàn mà không qua kiểm dịch. Mặt khác, kỹ thuật TTNT yêu cầu kinh nghiệm và thao tác nhuần nhuyễn mới cho kết quả cao, trong khi đó đội ngũ dẫn tinh viên mới được tập huấn thời gian ngắn, một số chưa tự tin thực hiện. Địa hình, đường giao thông đi lại gặp khó khăn cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc TTNT. Sự chăm sóc của người chăn nuôi đối với bò cái có chửa chưa đúng chế độ, ảnh hưởng đến sức khỏe của bò cái, kết quả sinh sản và tỷ lệ tăng đàn bò trên địa bàn toàn huyện.

Hiệu quả từ phương pháp TTNT cùng với kỹ thuật cai sữa sớm cho bê con để rút ngắn khoảng cách lứa đẻ đã khẳng định đây là một trong những giải pháp mở ra hướng đi mới trong phát triển đàn bò hàng hóa ở địa phương. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với việc thường xuyên tuyên truyền cùng với chuyển biến trong nhận thức của người dân như hiện nay sẽ là cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như thương hiệu bò Mèo Vạc. 

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập