Kinh tế

Những tín hiệu vui từ việc triển khai Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh ở huyện Mèo Vạc

01/01/2017 00:00 126 lượt xem

Sau một năm triển khai Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Giang về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương; đến nay công tác vay vốn phát triển chăn nuôi trâu, bò, ong ở huyện Mèo Vạc đã đem lại hiệu quả rõ rệt.

Theo đánh giá của UBND huyện Mèo Vạc, tính đến hết ngày 20.12.2016, toàn huyện đã có 1.547 hồ sơ đăng ký vay 104,227 tỷ đồng, mua 4.003 con trâu, bò; 241 hồ sơ đăng ký vay 21,37 tỷ đồng để mua 21.370 đàn ong. Qua thẩm định, huyện đã giải ngân vốn vay cho 191 hộ mua trâu, bò và nuôi ong với tổng số tiền 15,6 tỷ đồng. Trong đó, có 130 hộ vay mua trâu, bò với 8,32 tỷ đồng và 61 hộ vay nuôi ong với 7,28 tỷ đồng. Sau khi vay được nguồn vốn từ Chi nhánh Agribank huyện Mèo Vạc, các hộ dân đã tích cực triển khai mua trâu, bò, ong về nuôi và thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, cùng với đó đẩy mạnh trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn tại chỗ và phòng chống đói rét trong mùa Đông. Vì vậy, chỉ sau một thời gian triển khai, qua kiểm tra đã có 10 hộ dân ở các xã Niêm Tòng, Lũng Pù, Pả Vi, Sủng Trà và thị trấn Mèo Vạc chăn nuôi bò vỗ béo, bán ra và thu lãi được 22 triệu đồng. Đặc biệt hộ ông Thò Chá Dính, ở thôn Há Súng, xã Pả Vi bán bò lãi 9 triệu đồng. Tại xã Niêm Tòng đã có trâu, bò sinh sản được 6 con bê, nghé đang sinh trưởng tốt. Ngoài ra từ việc triển khai chính sách này cũng khuyến khích phong trào nuôi ong ở Mèo Vạc phát triển mạnh. Nhiều hộ đã mạnh dạn xây dựng phương án vay vốn mua từ 50 đến 80 đàn ong về nuôi, góp phần nâng tổng đàn ong trên địa bàn huyện lên 11.000 đàn, đạt 104,76% so với kế hoạch; tăng 2.467 đàn so với năm 2015, cho thu hoạch sản lượng mật ong đạt 66 nghìn lít, bước đầu tạo ra nguồn thu nhập thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển.

Được biết, để góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết này, ngay từ tháng 4 năm 2016, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Mèo Vạc đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU, về chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa, giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của tỉnh, của huyện đến mọi người dân thông qua các buổi họp thôn, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở bằng tiếng Việt và tiếng địa phương, giúp người dân dễ hiểu. Đồng thời tổ chức các cuộc họp, hội nghị tập huấn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết. Bên cạnh đó, huyện đã ra quyết định thành lập ba tổ thẩm định, xét duyệt hồ sơ đăng ký vay vốn của nhân dân, với lực lượng nòng cốt là cán bộ Chi nhánh Agribank và Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện tham gia thực hiện trực tiếp tại cơ sở.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Lê Văn Quang, Phó giám đốc Chi nhánh Agribank Mèo Vạc cho biết: "Thời gian đầu, quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn của người dân gặp nhiều khó khăn, vì số lượng đăng ký nhiều, trong khi đó công tác kiểm tra rà soát của các xã chưa chặt chẽ, nhiều hộ không đủ điều kiện vẫn đăng ký. Tuy nhiên, với phương châm thẩm định đến đâu, giải ngân đến đó; đến nay, toàn huyện đã giải ngân được 18/18 xã, thị trấn". Để tạo thuận lợi và giảm chi phí đi lại tốn kém của người dân, ngân hàng còn chủ động thành lập các tổ tham gia giải ngân trực tiếp tại các xã; thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay của người dân đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, giúp người dân từng bước vươn lên làm giàu. Vì vậy, vào những ngày cuối tháng 12 này, đến thăm các thôn bản của huyện Mèo Vạc cũng đều nhìn thấy sự lan tỏa của Nghị quyết 209 đến từng hộ dân. Đây chính là tín hiệu vui, khẳng định chính sách đúng đắn của tỉnh mang lại, đồng thời sẽ là "chiếc chìa khóa" để người dân vùng cao mở ra tương lai tươi sáng hơn.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập