Kinh tế

Mèo Vạc: Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa, giai đoạn 2016 – 2020

04/12/2016 00:00 151 lượt xem

Phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện chương trình phát triển đàn gia súc hàng hóa gắn với trồng cỏ giai đoạn 2010-2015. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mèo Vạc, nhiệm kỳ 2015 -2020 đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 07 về chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa. Sau gần một năm triển khai nhận thức của cán bộ và nhân dân về việc chuyển đổi này đã được nâng lên rõ rệt, diện tích cỏ không ngừng được mở rộng.

Nghị quyết chuyên đề số 07-NQ/HU, ngày 20/4/2016 của Huyện ủy Mèo Vạc về thực hiện chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa, phấn đấu đưa huyện Mèo Vạc trở thành trung tâm phát triển đàn gia súc hàng hóa lớn nhất của Tỉnh.  Mục tiêu đến năm 2020, tổng đàn gia súc của huyện đạt trên 65.000 con, trong đó đàn bò trên 33.800 con;  bò xuất chuồng 4.500 con tương đương với 288 tỷ đồng, thu nhập từ chăn nuôi bò hàng hóa chiếm trên 38% tổng thu nhập về nông nghiệp của huyện.

Để đạt được mục tiêu, huyện thực hiện chủ trương khuyến khích nhân dân chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô sang trồng cỏ. Theo kế hoạch, đến năm 2020, diện tích cỏ của toàn huyện đạt 5.500 ha; trong đó thực hiện chuyển đổi 250 ha đất trồng ngô sang trồng cỏ. Xây dựng vùng chuyên canh trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa, thành lập HTX, trang trại chăn nuôi; hình thành mạng lưới liên kết chăn nuôi giữa các vùng. Đưa thu nhập từ ngành chăn nuôi chiếm 51,36% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 7,09% so với năm 2015. Ông Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: Nghị quyết chuyên đề số 07-NQ/HU, ngày 20 tháng 4 năm 2016 là chủ trương thiết thực, hướng đi đúng mở ra con đường cho nhân dân xóa đói giảm nghèo.  Để triển khai tốt nghị quyết này Đảng bộ huyện đã chỉ rõ những mục tiêu mà huyện cần đạt được cũng như lộ trình và giải pháp thực hiện. Ngoài ra, Thường trực Huyện uỷ đã chỉ đạo các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Tổ công tác phụ trách xã thường xuyên đôn đốc kiểm tra, chỉ đạo Đảng uỷ, UBND các xã thị trấn cụ thể hóa Nghị quyết thành kế hoạch thực hiện thật cụ thể, MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến từng hộ dân....

Xác định việc triển khai nghị quyết mang tính đột phá, vì vậy vai trò lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện là quan trọng hàng đầu. Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhằm tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân. Các xã đã thực hiện tốt việc lồng ghép thực hiện Nghị quyết vào các dự án như 135, 30a; chương trình nông nghiệp trọng tâm và các chương trình dự án khác. Từ đó mở ra cơ hội thoát nghèo, thu hút thu hút được  sự đồng thuận của người dân.

Quá trình thực hiện Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô xấu sang trồng cỏ chăn nuôi bò hàng hóa trên địa bàn huyện được tiếp thêm điều kiện thuận lợi đó là việc Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh về hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất chăn nuôi trâu, bò hàng hóa ra đời và được triển khai, là một yếu tố quan trọng hỗ trợ người dân phát triển đàn gia súc hàng hóa. Đàn gia súc khi mua về nuôi đã cơ bản có đủ nguồn cỏ thức ăn.   

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện nay Mèo Vạc có trên 4 nghìn ha cỏ, trong đó năm 2016 toàn huyện trồng mới 332ha, thực hiện Nghị quyết chuyên đề huyện đã mở rộng thêm được 28ha. Để Nghị quyết thật sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Thời gian tới huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân về nội dung Nghị quyết 07 theo hướng cụ thể, sâu sát đến từng hộ gia đình; gắn việc tuyên truyền nâng cao nhận thức với so sánh hiệu quả các mô hình từ thực tế. Khai thác, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh và ngân sách địa phương để hỗ trợ, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô hàng năm (năng suất thấp, hiệu quả kém, các diện tích đất còn để trống, đất có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao…) sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc hàng hóa. Hỗ trợ kỹ thuật, giống, lương thực, phân bón trong thời gian đầu triển khai. Qua đó từng bước giúp nhân dân có động lực để vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững./.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập