Gương người tốt, việc tốt

Lầu Sìa Kỷ làm giàu từ nghề chăn nuôi bò vỗ béo

11/07/2014 00:00 285 lượt xem

Được giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp&PTNT huyện Trần Anh Tuấn giới thiệu, tôi tìm đến gia đình anh Lầu Sìa Kỷ ở thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi. Một tấm gương điển hình làm giàu từ nghề chăn nuôi bò vỗ béo.
Sinh năm 1973 trong một gia đình có truyền thống làm nghề thổi kèn đám ma. Bố anh là người đầu tiên theo nghề này. Sau đó, trước lúc mất truyền lại cho anh và người anh trai Lầu Mí Sì. Tuy nhiên, khác với người anh trai, anh Kỷ hành nghề thổi kèn được 10 năm nhưng thấy quá vất vả. Mỗi khi có đám ma ở xã Pả Vi hoặc các xã bạn, họ đều mời đến thổi. Khi xong việc, gia chủ chỉ trả cho 2 hoặc 3 kg thịt bò nhưng cũng phải thức mấy đêm liền. Do đó, anh đã bỏ nghề và chuyển sang làm ngói máng nhưng cũng chỉ tồn tại được 2 năm vì củi đun ngói ngày càng khan hiếm. Hơn nữa, công sức bỏ ra nhiều nhưng thu lời chẳng là bao.

Năm 2002, anh quyết định chuyển sang chăn nuôi bò. Anh nghĩ: “Cả đời ông bà mình sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trong đó con bò vẫn là tài sản có giá trị nhất đối với người dân vùng cao. Tại sao mình lại không đi lên từ nghề này”. Đặc biệt từ năm 1999, huyện đã chọn xã Pả Vi làm điểm thực hiện mô hình trồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc. Anh đã đăng khi tham gia trồng 0,5 ha cỏ. Do đó, đã giải quyết được thức ăn hàng ngày, không phải vất vả lên rừng cắt cỏ như trước kia. Nhận thức được chăn nuôi bò sinh sản cho thu nhập chưa cao. Sau nhiều ngày suy nghĩ, năm 2006 anh chuyển từ chăn nuôi bò sinh sản sang nuôi bò vỗ béo. Hàng tuần, cứ vào các chợ phiên của các xã Khâu Vai, Niêm Sơn, chợ Mèo Vạc hay cả chợ Lũng Phìn (Đồng Văn) anh đều có mặt để chọn mua bò về nuôi. Theo anh, muốn chăn nuôi bò lớn nhanh thì điều quan trọng là từ khâu chọn giống “Con bò gầy bình thường, có khung xương to, thân dài, dáng cao, vai nở, trọng lượng từ 300 - 350kg và khoảng 3 năm tuổi, thì trung bình cứ 2 tháng nuôi vỗ béo, bán mỗi con lãi 3 triệu đồng. Nếu nuôi 3 tháng bán lãi được 5 triệu đồng”. Để có nguồn thức ăn cho bò, ngoài việc chăm sóc tốt diện tích 0,5ha cỏ và 1,5ha ngô; anh còn mua thêm cỏ của hàng xóm kết hợp với nấu cám ngô kèm theo rau lợn cho bò ăn, nhằm tăng thêm khẩu phần dinh dưỡng giúp bò mau lớn. Hiện nay, trong gia đình anh, lúc nào cũng nuôi từ 3- 4 con bò đực vỗ béo, có giá trị từ 70 - 80 triệu đồng. Mỗi năm nuôi xuất bán được 3 đợt, trừ chi phí thu lãi từ 30 triệu đồng trở lên.

Bên cạnh đó, anh rất năng động trong việc buôn bán bò vào ngày chợ phiên. Hàng tuần mua bò tại các chợ xã, anh lại mang đến chợ bò Mèo Vạc, nếu ai có nhu cầu mua mà được giá thì anh lại bán. Bình quân, mỗi tháng mua đi bán lại cũng phải hơn 20 con bò, thu lời từ 5 - 8 triệu đồng. Để có nguồn vốn thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, tháng 2.2012 anh đã vay của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT huyện 20 triệu đồng mua được 1 con bò; chăn nuôi có lãi và cuối năm trả hết vốn cho Ngân hàng. Đầu tháng 3.2013, anh lại vay tiếp 50 triệu đồng nhằm tăng số lượng đàn bò của gia đình. Vì vậy, có tháng trong chuồng của gia đình anh lúc nào cũng có từ 4-6 con. Từ việc chăn nuôi bò vỗ béo, anh đã xây dựng được ngôi nhà 4 gian, mua sắm được ti vi, xe máy và nhiều đồ dùng có giá trị khác. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập được từ 60 - 70 triệu đồng từ nghề chăn nuôi bò, lợn. Hiện nay, ba đứa con của anh đã học hết lớp 9 và theo nghiệp bố. Hàng tuần đều theo anh đến các phiên chợ mua bò về vỗ béo. Mong ước của anh sau này, mua được một chiếc ô tô tải khoảng 200 triệu đồng để vận chuyển bò vào các ngày chợ và sắm được một máy thái cỏ bò liên hợp thì mới giảm được công sức lao động, đỡ nguy hiểm và vất vả hơn khi dùng dao thái cỏ bò thủ công. Ngoài ra, anh cũng xây dựng kế hoạch dự định trong năm 2014 sẽ mở rộng thêm chuồng trại để có thể nuôi được từ 8-10 con bò hàng ngày.

Nhận xét về anh, Phó chủ tịch UBND xã Pả Vi Sùng Mí Chía cho biết: “Anh Lầu Mí Kỷ là một trong những hộ tiêu biểu của xã về chăn nuôi bò vỗ béo giỏi và sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT huyện Mèo Vạc hiệu quả nhất trong số 10 hộ vay vốn. Vì vậy, xã thường chọn gia đình anh để giới thiệu cho các đoàn đến tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệp về trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa”.
 
Khi được hỏi về bí quyết làm giàu từ chăn nuôi bò, anh cho rằng: “Điều đầu tiên là bản thân mình phải lao động cần cù, chịu khó; biết quý trọng con bò. Khi nuôi  thường xuyên dọn dẹp vệ sinh, kiểm tra bò cẩn thận, chú ý chế độ ăn uống và tiêm phòng dịch đầy đủ”. Anh luôn ghi nhớ trong lòng về câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” và câu nói của Bác Hồ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” để nhắc nhở mình luôn luôn phải biết quý trọng sức lao động. Có như vậy, mọi công việc ắt sẽ thành công.

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập