Kinh tế

HUYỆN MÈO VẠC: CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO, PHÁT TRIỂN KINH TẾ CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP THIẾT THỰC HƠN, CỤ THỂ HƠN

19/05/2017 00:00 147 lượt xem

Trong những năm qua, các chương trình hỗ trợ người dân giảm nghèo, phát triển kinh tế được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã đem lại những thay đổi tích cực cho người dân. Thu nhập của người dân tăng dần qua các năm. Đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện hơn. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, hộ giàu.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chương trình hỗ giảm nghèo, phát triển kinh tế ở một số nơi vẫn còn những vấn đề đặt ra cần được giải quyết kịp thời trong thời gian tới như: Kế hoạch tổ chức thực hiện chưa phân công rõ trách nhiệm của tập thể, của từng cá nhân; đưa ra các chỉ tiêu thực hiện chưa sát với thực tế của địa phương. Công tác tuyên truyền tới người dân đôi khi còn chưa “đến nơi, đến chốn”, chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến việc nhiều người dân còn mơ hồ, không hiểu được quyền, lợi ích và trách nhiệm của chính bản thân mình khi tham gia các chương trình, kế hoạch. Công tác rà soát, thống kê, tổng hợp đối tượng được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, được tham gia các chương trình, dự án còn thiếu chính xác. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chưa thường xuyên; việc đánh giá thực hiện còn hình thức, chỉ dựa trên báo cáo mà chưa đi vào thực tế. Các mô hình thí điểm chưa được quan tâm, đánh giá đúng mức để rút kinh nghiệm; nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả nhưng lại chưa được nhân rộng. Nhiều băn khoăn, thắc mắc của người dân chưa được giải đáp, tháo gỡ kịp thời…

Để thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân giảm nghèo, phát triển kinh tế hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, thụ hưởng các cơ chế, chính sách để sản xuất, phát triển kinh tế. Thời gian tới cần tập trung vào thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế và các cơ chế, chính sách được thụ hưởng đến người dân. Đặc biệt là Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND, ngày 10-12-2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 20-4-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mèo Vạc về chuyển đổi một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa giai đoạn 2016-2020. Khi tuyên truyền cần làm rõ cho người dân hiểu, nắm chắc về hiệu quả đem lại của các chương trình, kế hoạch; các điều kiện, quyền, lợi ích, trách nhiệm của họ khi tham gia; làm cho người dân thấy được lợi ích kinh tế trước mắt và lâu dài cho chính bản thân họ để người dân tự nguyện, chủ động tham gia. Tuyên truyền bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc, gắn với “cầm tay chỉ việc” thông qua các lớp tập huấn, thông qua việc đi kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân.

Hai là: Tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện của mỗi địa phương phải hết sức cụ thể, rõ ràng từ việc rà soát, đánh giá thực trạng, giao chỉ tiêu, xây dựng các nhóm nhiệm vụ và giải pháp, đến phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện; phải bám sát vào tình hình, điều kiện thực tế và nguyện vọng của người dân. Rà soát, thống kê, tổng hợp đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ như hộ nghèo, hộ cận nghèo… phải khoa học, chặt chẽ nhưng cũng linh động, không máy móc để tránh rườm rà gây mất thời gian hoặc khiến cho người dân “ngại” làm các thủ tục giấy tờ. Đối với Nghị quyết số 07-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mèo Vạc, ở các xã núi đá thực hiện chuyển đổi đất trồng ngô sang trồng cỏ với diện tích ở mức từ 0,5-0,7 ha/năm là phù hợp (chỉ tiêu giao theo Nghị quyết 1 ha/năm là khá cao, khó thực hiện được).

Ba là: Chú trọng đến việc thực hiện thí điểm sản xuất thông qua các mô hình chăn nuôi, trồng trọt ở những nơi có điều kiện thích hợp. Sau khi thực hiện điểm, nếu đạt hiệu quả thì tiến hành nhân rộng ra các địa bàn khác để hướng tới mở rộng, phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa. Tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho người dân tham quan, học hỏi từ các mô hình điểm trong và ngoài huyện. Thời gian tới, cần xây dựng mỗi xã có 01 thôn điểm về thụ tinh nhân tạo áp dụng phương pháp sử dụng hormone sinh dục nhằm kích thích động dục và gây rụng trứng trên con gia súc.

Bốn là: Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch của từng địa phương, đến từng hộ dân. Đi cơ sở kiểm tra cần nắm bắt, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng cũng như những vấn đề còn băn khoăn, chưa rõ của người dân. Đánh giá khách quan, sát thực quá trình tổ chức thực hiện để nhìn nhận chính xác những mặt đạt được, những mặt còn hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, rút ra bài học kinh nghiệm và đưa ra giải pháp xử lý, khắc phục theo phương châm “vướng chỗ nào gỡ luôn chỗ đó”, không để tình trạng “ngứa trên đầu gãi dưới chân”.

Trần Thị Hương (Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Trà)


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập