Kinh tế

Hội nghị đánh giá tình hình phát triển đàn ong và sản xuất mật ong bạc hà tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá

19/01/2017 00:00 170 lượt xem

Ngày 17/1, tại huyện Mèo Vạc, Sở Khoa học và công nghệ phối hợp với UBND 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ tổ chức hội nghị đánh giá tình hình phát triển đàn ong và sản xuất “mật ong bạc hà” tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá. Dự hội nghị có lãnh đạo Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, các phòng, ban chuyên môn của 4 huyện cùng lãnh đạo 18 xã thị trấn của huyện MèoVạc.

Theo chỉ dẫn địa lý, thương hiệu “mật ong bạc hà” do Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam cấp, vùng mật ong bạc hà thuộc 4 huyện vùng Cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ với 47 xã trong vùng quy hoạch với hơn 20.000 đàn ong, sản lượng mật gần 90 tấn/năm.

Từ khi “mật ong bạc hà” được cấp chỉ dẫn địa lý đến nay, chất lượng sản phẩm được đảm bảo hơn và giá trị kinh tế cũng tăng lên đáng kể, tạo dựng được uy tín và danh tiếng trên thị trường. Giá bán hiện giao động từ 400 đến 500 nghìn đồng/lít. Nghề nuôi ong lấy mật từ hoa bạc hà ở các huyện vùng cao núi đá đã mở hướng đi mới trong lĩnh vực chăn nuôi, hướng đi giúp đồng bào các dân tộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Để giúp người dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật, tỉnh ta đã quan tâm, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào vùng cao phát triển, như: Chính sách hỗ trợ phát triển đàn ong; chính sách hỗ trợ bảo tồn và gieo trồng bổ sung cây Bạc hà, hỗ trợ nguồn vốn vay phát triển nuôi ong theo Nghị Quyết 209 của HĐND tỉnh…từ đó số lượng đàn ong tăng cao theo từng năm. Cùng với đó, cấp ủy chính quyền các địa phương cũng tập trung đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX và người dân chăn nuôi ong…, người dân từng bước nhận thức được lợi ích từ chăn nuôi ong mang lại, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ manh mún sang liên doanh và nuôi với số lượng đàn lớn.

Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh mật ong bạc hà trên vùng Cao nguyên đá còn gặp không ít khó khăn và thách thức như: Thiếu sự gắn kết giữa các hộ chăn nuôi ong với các HTX, doanh nghiệp; việc nuôi ong còn mang tính tự phát. Diện tích vùng nguyên liệu hoa còn ít chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đàn ong, người dân còn thiếu kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi ong. Đặc biệt là việc bảo vệ chỉ dẫn mật ong bạc hà trước cơ chế thị trường và các sản phẩm mật ong ngoại nhập, hàng nhái…đang là những thách thức đặt ra cho mỗi cá nhân và nhà doanh nghiệp nuôi ong tại 4 huyện vùng cao trên con đường bảo vệ thương hiệu.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra các đề xuất kiến nghị và đi đến thống nhất 6 vấn đề trọng tâm trong phát triển đàn ong cũng như thương hiệu mật ong bạc hà trong thời gian tới như: Thống nhất quản lý nhà nước về chỉ dẫn địa lý; thống nhất về mẫu mã sản phẩm, thống nhất vùng quy hoạch cây bạc hà của mỗi huyện; thống nhất cơ chế chính sách hỗ trợ chăn nuôi ong; thống nhất hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX tổ hội nuôi ong và các hộ sản xuất ong trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, gian lận trong nuôi ong và sản xuất mật ong. Quy hoạch vùng dưỡng ong trong khu vực chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập