Kinh tế

Hỗ trợ phát triển chăn nuôi – chính sách hợp lòng dân ở Mèo Vạc

07/02/2015 00:00 126 lượt xem

Trong công cuộc phát triển KT – XH ở địa phương, huyện Mèo Vạc xác định đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trở thành hướng đi chính trong công tác XĐGN. Cùng với đó, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ con giống, vốn vay cho hộ nghèo được xem là một trong những chính sách hợp lòng dân, tạo động lực giúp nhiều gia đình vươn lên trong cuộc sống.

Qua tìm hiểu thực tế, công tác phát triển chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện Mèo Vạc có những bước phát triển đáng kể theo hướng tăng đàn. Giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi của huyện chiếm trên 50% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp và đang trở thành thế mạnh ở địa phương. Nhằm thúc đẩy chăn nuôi trở thành sản xuất hàng hóa, Huyện ủy Mèo Vạc đã ban hành Nghị quyết về phát triển đàn gia súc gắn với trồng cỏ chăn nuôi. Đồng thời, xây dựng đề án quản lý, cải tạo đàn bò; xây dựng kế hoạch phân công các tổ công tác của huyện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện có hiệu quả. Trong quá trình triển khai, Thường trực Huyện ủy thường xuyên kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch về việc hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Bằng các nguồn vốn đầu tư, huyện đã tập trung hỗ trợ phát triển chăn nuôi như: Hỗ trợ kinh phí mua trâu, bò sinh sản cho các hộ dân; kinh phí thụ tinh nhân tạo đàn bò; hỗ trợ giống ngựa bạch; kinh phí mua giống cỏ năng suất cao; kinh phí làm mới hoặc sửa sang lại chuồng trại cho các hộ nghèo... Qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, góp phần từng bước nâng cao đời sống người dân.

Đồng chí Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: “Nhằm đưa chính sách hỗ trợ chăn nuôi thực sự đến với cuộc sống của bà con, huyện đã chủ động, linh hoạt trong cách làm. Do đó, đã có nhiều hộ biết cách phát triển kinh tế, chủ động vươn lên thoát nghèo”. Trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây, huyện Mèo Vạc đã hỗ trợ 551 con trâu, bò cho các hộ gia đình; hỗ trợ 1.000 hộ nghèo kinh phí làm mới và sửa sang lại chuồng trại; hỗ trợ trồng mới gần 1.850 ha cỏ; hỗ trợ vắc xin tiêm phòng cho gia súc. Cùng với các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 30a, huyện đã hỗ trợ con giống, lãi suất vốn vay chăn nuôi. Chủ động lồng ghép các nguồn vốn, tập trung phát triển chăn nuôi gắn với thâm canh; tiến hành thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái để từng bước áp dụng KHKT vào chăn nuôi đại gia súc nhằm rút ngắn khoảng cách lứa đẻ. Do đó, tổng đàn gia súc và diện tích trồng cỏ trên địa bàn tăng theo từng năm (từ 4 – 5%/năm). Hiện nay, tổng đàn trâu toàn huyện có gần 3.500 con, đàn bò trên 28.300 con, đàn ngựa 399 con; tổng diện tích cỏ chăn nuôi trên 3.500 ha. Chương trình cho vay vốn phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản và chăn nuôi bò hàng hóa đã giải ngân được trên 22 tỷ đồng, tương đương với gần 4.500 hộ vay vốn (hỗ trợ 100% lãi suất)... Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, với việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi đã dần thay đổi tư tưởng của người dân về phương thức chăn nuôi truyền thống. Từ chỗ phải đi vận động tuyên truyền về việc trồng cỏ, đến nay đa số người dân đã tự giác trồng cỏ chăn nuôi, thậm chí nhiều gia đình mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng cỏ để phát triển đàn gia súc.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng bằng việc phát huy thế mạnh của địa phương thông qua các chính sách hỗ trợ đang thực sự tạo động lực giúp người dân Mèo Vạc vươn lên ổn định cuộc sống. Đó sẽ là cơ sở vững chắc giúp đưa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện “cán đích”.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập