Kinh tế

Ghi nhận ở địa phương đầu tiên xuất khẩu lao động sang Trung Quốc làm việc

04/01/2017 00:00 173 lượt xem

Trong nhiều năm qua, số lao động tự do của tỉnh sang Trung Quốc làm thuê bằng cách vượt biên trái phép qua các đường mòn luôn ở mức cao. Không thể phủ nhận nhiều người khi làm thuê trở về đã dành dụm được số tiền lớn, giúp nâng cao đời sống của gia đình mình như: Xây nhà, mua xe máy và sắm các đồ dùng cần thiết...

Nhưng cũng không ít trường hợp người làm thuê bị tai nạn, chủ qụyt tiền, đánh đập, thậm chí có người bị mất mạng, nữ giới bị lừa bán. Vì vậy, thời gian gần đây, tỉnh ta thường xuyên tổ chức các buổi hội đàm, ký kết các chương trình phối hợp với các địa phương giáp ranh phía bên kia biên giới để tăng cường quản lý lao động tự do và tạo điều kiện cho lao động trong tỉnh sang Trung Quốc làm việc hợp pháp. Đến 9.12, huyện Mèo Vạc đã bàn giao 24 lao động sang làm việc cho một số công ty trên địa bàn huyện Phú Ninh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Đây là huyện đầu tiên của tỉnh có lao động sang Trung Quốc làm thuê hợp pháp.

Buổi bàn giao người lao động huyện Mèo Vạc cho phía các công ty ở huyện Phú Ninh (Trung Quốc) ngày 9.12.2016.
Buổi bàn giao người lao động huyện Mèo Vạc cho phía các công ty ở huyện Phú Ninh (Trung Quốc) ngày 9.12.2016.

 

Theo báo cáo của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Mèo Vạc: Trong năm 2016, trên địa bàn huyện có 3.563 lao động sang Trung Quốc làm thuê, trong đó có 897 lao động đăng ký qua sổ theo dõi và 2.666 lao động trái phép; số lao động sang Trung Quốc làm thuê tăng 27,48% so với năm 2015 và chủ yếu lao động của huyện Mèo Vạc sang làm thuê cho các công ty trên địa bàn huyện Phú Ninh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) - địa phương giáp ranh phía bên kia biên giới với huyện. Với tình hình lao động sang Trung Quốc làm thuê tự do ngày một tăng, ngày 14.11.2016, trong buổi hội đàm với huyện Phú Ninh, UBND huyện Mèo Vạc đã cùng Chính phủ nhân dân huyện Phú Ninh ký Biên bản hội đàm về việc quản lý lao động qua biên giới với gần 20 nội dung, quy định cụ thể về cách thức quản lý và tiếp nhận lao động huyện Mèo Vạc đã và sẽ làm việc tại các công ty trên địa bàn huyện Phú Ninh. Một số điểm nổi bật trong biên bản này là các lao động đang làm việc tại một số công ty ở Phú Ninh trước khi biên bản được ký kết sẽ được phía các cơ quan chức năng huyện Phú Ninh gửi danh sách và hồ sơ về Phòng LĐTB&XH huyện Mèo Vạc để cùng phối hợp quản lý; khi các công ty ở Phú Ninh có nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ gửi văn bản về số lượng lao động, ngành nghề tuyển dụng cho huyện Mèo Vạc để tuyên truyền đến người dân có nhu cầu việc làm đăng ký... Đặc biệt, nếu người lao động có xảy ra tranh chấp tiền lương, xảy ra tai nạn, thương vong mà không thỏa thuận được với đơn vị sử dụng lao động thì cơ quan chức năng hai huyện sẽ phối hợp giải quyết.

 

Ngay sau khi Biên bản hội đàm được ký kết, chỉ chưa đầy 1 tháng, với nỗ lực phối hợp của các ngành chức năng huyện Mèo Vạc, một số công ty ở Phú Ninh (Trung Quốc) đã liên hệ, đặt vấn đề cần tuyển 195 lao động sang làm cỏ, trồng cây Sở; gia công gỗ; chế biến hải sản và trồng rau với thời hạn 1 năm, mức lương trung bình từ 2.000 – 3.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 7- 8 triệu đồng/tháng). Sau khi được các cấp, các ngành của huyện Mèo Vạc tuyên truyền, có nhiều lao động đã đăng ký sang làm việc ở huyện Phú Ninh. Qua kiểm tra thông tin, khám sức khỏe, có 24 lao động đủ điều kiện làm việc đã được huyện Mèo Vạc hướng dẫn làm hồ sơ, hộ chiếu và bàn giao cho các công ty phía huyện Phú Ninh vào ngày 9.12 vừa qua.

Để người lao động yên tâm và thuận tiện cho việc trao đổi, hỗ trợ giải quyết những vướng mắc mà các lao động gặp phải khi làm việc phía bên kia biên giới, huyện Mèo Vạc đã cung cấp số điện thoại của cấp ủy, chính quyền xã, huyện và Phòng LĐTB&XH huyện cho các lao động. Mỗi nhóm lao động cử ra một trưởng nhóm có trách nhiệm đứng ra ký kết hợp đồng lao động và giải quyết các vướng mắc cho các thành viên trong nhóm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc - Mua Hồng Sinh (bên phải) - trao đổi về cách quản lý lao động với lãnh đạo Chính phủ nhân dân huyện Phú Ninh (Trung Quốc).
Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc - Mua Hồng Sinh (bên phải) - trao đổi về cách quản lý lao động với lãnh đạo Chính phủ nhân dân huyện Phú Ninh (Trung Quốc).

 

Em Vầy Thị Thúy, trú tại thôn Nà Pòong, xã Nậm Ban chia sẻ: “Em vừa mới tốt nghiệp Trung cấp Luật tại trường Trung cấp Kinh tế của tỉnh nhưng không xin được việc làm. Nghe xã, thôn tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng của các công ty ở Phú Ninh (Trung Quốc) với công việc phù hợp, tiền lương so với làm việc trong tỉnh lại cao hơn nhiều mà còn có sự bảo hộ của chính quyền hai bên nếu có xảy ra vướng mắc trong quá trình làm việc nên em đăng ký đi ngay trong đợt này”. Với lao động Cháng Mí Sùng, trú tại xã Thượng Phùng, người đã từng có thời gian lao động tự do ở Trung Quốc cho biết: “Năm 2014 em có đi qua các đường mòn trên địa bàn xã sang Phú Ninh làm công nhân. Đi trái phép như vậy nên chỉ sợ chính quyền bên đó phát hiện. Bây giờ đi theo chương trình này thì yên tâm rồi”.

 

Được biết, hiện nay trên địa bàn huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có 1.650 doanh nghiệp. Nhu cầu lao động hàng năm trên dưới 10.000 người, làm các công việc chủ yếu là quản lý trồng trọt rau xanh, làm cỏ và trồng cây Sở, gia công gỗ, chế biến hải sản, khai phá trồng trọt. Những công việc này rất phù hợp với lao động nông thôn, không có trình độ chuyên môn ở các huyện vùng cao của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Mua Hồng Sinh cho biết: Chúng tôi mong muốn sau chuyến bàn giao người lao động đầu tiên vừa qua, đến gần Tết Nguyên đán, các lao động sẽ được nghỉ về nước ăn Tết, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi gặp mặt lao động để họ tuyên truyền các điều kiện ăn, ở, làm việc bên Trung Quốc, từ đó thu hút lao động đi làm việc hợp pháp, giải quyết được tình trạng người dân địa phương sang Trung Quốc lao động tự do, trái phép. Đảm bảo được các quyền lợi của họ và góp phần thúc đẩy công tác giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông thôn chưa có việc làm trên địa bàn huyện.

 

Hy vọng rằng, từ kết quả phối hợp của huyện Mèo Vạc với huyện Phú Ninh (Trung Quốc), số lượng lao động của huyện Mèo Vạc sang Trung Quốc làm thuê hợp pháp sẽ ngày một tăng lên; các huyện biên giới của tỉnh sẽ học tập kinh nghiệm phối hợp ngoại giao của Mèo Vạc, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động sang Trung Quốc, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, phát triển KT-XH các địa phương vùng sâu, xa, biên giới khó khăn của tỉnh.

 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập