Lịch sử Đảng bộ huyện Mèo Vạc

Đảng bộ huyện Mèo Vạc thành lập, lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (giai đoạn 1963-1986)

01/07/2022 07:33 76 lượt xem

Ngày 15/12/1962, Hội đồng Chính phủ ra quyết định chia tách huyện Đồng Văn thành 3 huyện mới là Đồng Văn, Yên Minh và Mèo Vạc. Ngày 15/01/1963 huyện Mèo Vạc chính thức bước vào hoạt động tại cơ sở mới với nhiệm vụ chính trị quan trọng lúc bấy giờ là xây dựng và kiện toàn hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng huyện Mèo Vạc thành hậu phương vững chắc, huy động tối đa sức người, sức của cho tuyến trước, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.

Huyện Mèo Vạc lúc mới thành lập gồm 16 xã là: Mèo Vạc, Pả Vi, Đoàn Kết, Cán Chu Phìn, Lũng Pù, Khâu Vai, Sủng Trà, Sủng Máng, Lũng Chinh, Lũng Phìn, Hố Quáng Phìn, Sủng Trái, Pải Lủng, Xín Cái, Thượng Phùng và Sơn Vĩ  với 159 thôn bản, 4.259 hộ, 25.086 khẩu thuộc 10 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 80 % dân số toàn huyện. Huyện lỵ đặt tại xã Mèo Vạc. Xác định công tác xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng là quan trọng, vì vậy sau khi thành lập huyện Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra quyết định thành lập Ban cán sự lâm thời Huyện ủy Mèo Vạc do đồng chí Đàm Viết Hải làm Bí thư, đồng chí Sùng Tài Dùng làm Phó Bí thư,....Ủy ban hành chính tỉnh quyết định thành lập Ủy ban hành chính lâm thời huyện Mèo Vạc do đồng chí Sùng Tài Dùng làm Chủ tịch, đồng thời thành lập và củng cố các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị nhằm đáp ứng nhiệm vụ cách mạng của một huyện mới thành lập.

Với vô vàn những khó khăn, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, xong với tinh thần đoàn kết, thống nhất, cấp ủy chính quyền huyện đã khắc phục thiếu thốn, tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ nhất vào ngày 5/5/1963. Nhiệm vụ được đại hội thông qua đã xác định rõ công việc trước mắt là tăng cường đoàn kết trong Đảng, trong các dân tộc, phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh sản xuất,….Kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, Đảng bộ huyện phát triển được 262 đảng viên, 16/16 xã thành lập được Chị bộ Đảng. Huy động  hơn 16.000 ngày công làm mới được 44 con mương, 111 hồ chứa nước, đào 3 giếng nước, xây 4 bể chứa nước, cơ bản đảm bảo nước cho sinh hoạt và 30ha ruộng lúa. Trong lĩnh vực chăn nuôi, năm 1964 tổng đàn gia súc của huyện có 640 con bò, 110 con ngựa, 4.209 con dê,…Các mô hình tổ đổi công, hợp tác xã từng bước phát triển, do vậy cơ bản đã khắc phục được “nạn đói” lúc bấy giờ. Về giáo dục, năm 1963 là năm học đầu tiên sau ngày thành lập huyện, đã có 28 lớp vỡ lòng với 528 học sinh; 22 lớp 1 với 245 học sinh; 4 lớp 2 với 34 học sinh. Phong trào bình dân học vụ tiếp tục duy trì và phát triển. Đến năm 1964, 1.000 người đã được xoá mù chữ. Đặc biệt, trong gia đoạn này đồng bào các dân tộc huyện Mèo Vạc đã đóng góp hàng vạn ngày công làm con đường Hạnh Phúc Hà Giang – Mèo Vạc. Ngày 12/3/1963 tuyến đường đã thông xe đến trung tâm huyện. Đây là một sự kiện kinh tế, chính trị quan trọng, góp phần to lớn vào thúc đầy kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh quốc phòng cho cả một vùng rộng lớn trên cao nguyên Đồng Văn, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc nơi đây ….  

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, huyện Mèo Vạc ra sức chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến đánh Mỹ; hàng trăm thanh niên, những người con ưu tú của nhân dân các dân tộc đã hăng hái lên đường ra mặt trận. Đảng bộ huyện đã lãnh đạo thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội phát động nhân dân tích cực thi đua sản xuất góp phần cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngày 30/4/1975, Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Đảng bộ nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc lại bắt tay vào công cuộc bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ Quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn 1976 đến 1986, bằng sự phấn đấu bền bỉ, anh dũng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, huyện Mèo Vạc đã thực hiện tốt đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của huyện đã có nhiều đổi mới, góp phần đảm bảo ổn định tình hình chính trị, bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc; Khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thiên tai, thiếu vật tư, vốn sản xuất, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã gặp không ít khó khăn, đời sống nhân dân chưa ổn định, tỷ lệ đói nghèo vẫn còn cao,...  Song dưới sự lãnh chỉ đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân các dân tộc Mèo Vạc đã đoàn kết, đồng lòng, từng bước ổn định cuộc sống. Với nhận thức coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo đúng hướng, bằng các biện pháp thâm canh, tăng vụ, khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích gieo trồng lương thực, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất. Năm 1985, năng suất ngô đạt 12,25tạ/ha, riêng ngô thâm canh cao sản đạt 23tạ/ha. Tổng sản lượng quy thóc đạt 9.682 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 20kg/người/tháng. Trong chăn nuôi, giai đoạn này cũng đã được Đảng bộ huyện xác định là thế mạnh của huyện; Năm 1985, toàn huyện có 2.591 con trâu, 9.656 con bò, trên 10 nghìn con lợn, gần 4 nghìn con dê.... Trung bình mỗi hộ có 2 con trâu hoặc bò, 2,4 con lợn hoặc dê. Thu ngân sách đủ chi cho bộ máy Đảng, nhà nước, đoàn thể của huyện hoạt động. Trong xây dựng cơ sở, vật chất giai đoạn này phong trào làm thủy lợi phát triển mạnh, nhân dân đóng góp hàng vạn ngày công cùng với huyện xây mới và sửa chữa được nhiều bể chứa nước, mở mới một số kênh dẫn nước..... Về Giáo dục, tiếp tục có bước phát triển, năm 1980 đã có 4.428 người, chiếm 60% số người từ 15 đến 25 tuổi thoát nạn mù chữ; 16 xã đều có trường phổ thông với 72 lớp và hệ bổ túc văn hóa với 132 lớp tại các xã. Riêng Trường Thiếu nhi dẻo cao của huyện có 9 lớp với 169 học sinh. Mạng lưới y tế xã được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường, năm 1984 có 10 cơ sở Đảng được tặng cờ thưởng luân lưu của Trung ương và Tỉnh ủy, năm 1985 có 15 cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh.

Giai đoạn 1979 - 1986, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn diễn biến phức tạp. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện, lực lượng vũ trang của huyện đã kịp thời dập tắt mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Quốc gia. Năm 1979, huyện Mèo Vạc vinh dự được Chủ tịch nước tặng huân chương chiến công hạng ba về thành tích này.....

Kể từ ngày thành lập huyện, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc dù khó khăn, gian khổ và thiếu thốn, những đã giành được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu đó là động lực để huyện tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng hướng tới gặt hái được những thắng lợi lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo,...

Minh Quang (biên tập)

Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập