Kinh tế

Chuyển biến trong phát triển cây vụ Đông ở Mèo Vạc

18/02/2017 00:00 136 lượt xem

Đến nay, người dân Mèo Vạc đã cơ bản thu hoạch xong các loại cây trồng vụ Đông và bắt tay chuẩn bị sản xuất vụ Xuân. Nếu như những năm trước, vụ Đông khá xa lạ với người dân nơi đây thì nay đã dần trở thành vụ chính. Tập quán canh tác lâu đời đang dần được thay thế bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất và nếp nghĩ về thâm canh tăng năng suất để có thêm thu nhập đang hình thành trong ý thức người nông dân.

 

Mèo Vạc là huyện sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhưng gặp nhiều khó khăn trong phát triển cây vụ Đông (CVĐ). Nguyên nhân được xác định do địa bàn thường xuyên ở trong tình trạng thiếu nước sản xuất và đất canh tác bị bạc màu; hay xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở, sương muối...; điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Bên cạnh đó, trình độ canh tác của người dân thấp, vẫn duy trì tập quán canh tác lạc hậu, vẫn còn tư tưởng bằng lòng với hoàn cảnh thực tại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước... giá cả vật tư nông nghiệp trên thị trường tăng trong khi đó giá nông sản hàng hóa không tăng… Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, địa phương đã phấn đấu đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính và xác định rõ nhiệm vụ phát triển CVĐ nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ. Để hoàn thành mục tiêu đó, huyện đã triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập, từng bước XĐGN.

Đồng chí Lý Xuân Rắng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc cho biết: “Nhằm tạo chuyển biến trong sản xuất CVĐ, huyện đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề; phân công nhiệm vụ cụ thể cho đồng chí trong BTV Huyện ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện phụ trách các xã, thị trấn chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đồng thời, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng phát triển CVĐ; xây dựng kế hoạch hàng năm, phân bổ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất kịp thời; tăng cường công tác khuyến nông, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất CVĐ”. Sau một thời gian triển khai quyết liệt, nhiều xã và hộ gia đình trên địa bàn đã chủ động mở rộng diện tích CVĐ; xác định được cơ cấu giống, mùa vụ thích hợp cho từng vùng; bước đầu tạo được sản lượng hàng hóa, góp phần đáp ứng nhu cầu rau, củ tại chỗ. Đến nay, toàn huyện gieo trồng trên 1.800 ha CVĐ; việc phát triển CVĐ đang cho thấy hiệu quả cao; góp phần khai thác tối đa tiềm năng đất đai, lao động để giải quyết việc làm, tăng hệ số sử dụng đất; tăng giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác; nâng cao thu nhập, góp phần XĐGN, phát triển kinh tế bền vững.

Nếu như các năm trước, người dân ở xã Niêm Sơn để đất trống trong vụ Đông, thì nay được thế chỗ bằng những ruộng rau xanh ngút mắt. Đồng chí Vầy Văn Tạo, Bí thư Đảng ủy xã Niêm Sơn cho biết: Vụ Đông năm 2016, xã gieo trồng được trên 400 ha rau. Để tăng diện tích gieo trồng CVĐ, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi đất trồng hai vụ lúa sang trồng 3 vụ (2 vụ lúa, 1 vụ màu). Do làm tốt các khâu tưới tiêu, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên cây rau phát triển tốt. Nhận thấy hiệu quả từ cây rau vụ Đông, các hộ dân đã cùng nhau tiến hành gieo trồng, hình thành khu vực chuyên canh sản xuất rau của xã; qua đó đã giúp nhiều gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua tìm hiểu, vụ Đông năm 2016, huyện Mèo Vạc đã tập trung mở rộng diện tích, đầu tư thâm canh, kết hợp đưa các loại giống mới vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; chú trọng phát huy những tiềm năng, thế mạnh, quy hoạch và nhân rộng mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, huyện đã xây dựng phương án thực hiện các mô hình theo phương thức luân canh và sử dụng các giống cao sản, ngắn ngày để gieo trồng trong vụ Đông; hỗ trợ giống để mở rộng diện tích cây khoai tây theo phương thức đầu tư có thu hồi trên địa bàn các xã có điều kiện. Đồng thời, áp dụng KHKT ngay từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tiểu thương, cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện tiêu dùng nông sản địa phương, góp phần mang lại nguồn thu nhập cho bà con nông dân.

 Với việc chủ động tạo chuyển biến trong nhận thức người dân, đưa vụ Đông trở thành vụ sản xuất chính, cùng với các cơ chế hỗ trợ kịp thời đang giúp Mèo Vạc hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững; tạo nền tảng thúc đẩy KT – XH và đẩy nhanh công cuộc XĐGN ở địa phương.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập