Chính trị

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam ấn tượng với phong trào "người cõng cỏ, bò cõng người" ở huyện nhiều đá nhất cả nước

15/03/2021 01:06 141 lượt xem

Đồng chí Thào Xuân Sùng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, dù là huyện nhiều núi đá nhất cả nước, chỉ có 28% diện tích là đất nhưng người dân Mèo Vạc (Hà Giang) vẫn kiên cường bám trụ sản xuất giỏi vừa lo bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc.

Huyện có đàn bò vàng lớn nhất cả nước

 

Trao đổi với đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ngày 12/3, ông Nguyễn Cao Cường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết, là huyện vùng cao núi đá, biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang, địa hình của Mèo Vạc chủ yếu là núi đá hiểm trở, khí hậu khắc nhiệt...

Tuy nhiên, nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, lãnh đạo và nhân dân, trong thời gian vừa qua, Mèo Vạc đã thực hiện tốt, hiệu quả về nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng đảng, củng cố hệ thống chính trị...

Trong đó, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của huyện có nhiều đột phá. Nổi bật nhất là phong trào "Ngày thứ 7 cán bộ và nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới" tiếp tục được các cơ quan đơn vị và ban chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm triển khai có hiệu quả. Mới đây, xã Pả Vi là xã đầu tiên của huyện cán đích nông thôn mới, toàn huyện không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Về lĩnh vực công nghiệp, giao thông, xây dựng, quy hoạch của huyện cũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2021, giá trị công nghiệp đạt 29,24 tỷ đồng đạt 6,51% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước đạt 123,06%; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệpước đạt 3,9 tỷ đồng...

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khen ngợi bí quyết chăn nuôi bò vỗ béo cho thu nhập hàng trăm triệu đồng của bà con xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc.

Đối với công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm xuống còn gần 36%. Thu nhập bình quân đầu người được nâng lên trên 20 triệu đồng/người/năm; tại nhiều địa phương xuất hiện nhiều hộ, mô hình chăn nuôi có thu nhập cao đạt hàng trăm triệu đồng/năm.

Bà Hoàng Thị Chính - Phó phòng nông nghiệp huyện Mèo Vạc cho biết, dựa vào lợi thế của địa hình, khí hậu của địa phương, trong thời gian Mèo Vạc đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi con đặc sản như vỗ béo bò vàng, chăn nuôi lợn đen Lũng Pù, gà đen...

"Nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ chăn nuôi như hỗ trợ giống con đặc sản, hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng cỏ, ngô làm thức ăn cho gia súc, gia cầm mà đến nay tổng đàn con đặc sản của Mèo Vạc đã tăng lên rõ rệt. Tính đến tháng 3/2021, đàn bò vàng, bò vỗ béo của huyện đã đạt trên 32.000 con; đàn lợn đặc sản đạt trên 34.000 con... 

Trong đó có một số trại, trang trại lớn có thu nhập từ vài trăm triệu đến tiền tỷ/năm như trại bò vỗ béo Sùng Mý Hồng ở Pả Vi; trang trại lợn đặc sản Lũng Pù Tuấn Dũng...", bà  Chính chia sẻ.

Là đơn vị luôn theo sát, hỗ trợ hội viên nông dân tại các xã của huyện Mèo Vạc, ông Phàn Minh Pú - Chủ tịch Hội ND huyện Mèo Vạc cho biết, trong thời gian qua, Hội ND huyện đã chỉ đạo các cấp hội cấp dưới tiếp tục duy trì tốt, phát triển nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân cho hội viên vay vốn 2 mô hình nuôi lợn đen Lũng Pù ở thôn Nậm Ban; Nà Hin xã Nậm Ban với số vốn 60 triệu đồng; xây dựng 2 mô hình "Nuôi bò vỗ béo" tại 2 xã Xín Cái và Tát Ngà với tổng nguồn vốn 600 triệu đồng...

Bên cạnh đó, Hội ND các cấp của huyện tích cực vận động hội viên nông dân vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể, tổ liên kết và hợp tác xã...

Để hỗ trợ hội viên, nông dân làm ăn chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam gợi ý BCH Hội ND huyện Mèo Vạc cần nghiên cứu và sớm thành lập 1 chi hội nông dân nghề nghiệp chuyên biệt về chăn nuôi con bản địa; 1 chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi thủy sản trên các hồ thủy điện... Qua đó giúp các hội viên nông dân liên kết lại sản xuất, chăn nuôi sản phẩm hàng hóa vừa để thu hút, phục vụ khách du lịch, vừa nhằm đưa sản phẩm của mình bán đi xa hơn.

Đoàn Công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham trang trại chăn nuôi lợn đen Lũng Pù (lợn đặc sản) nghìn con ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc.

 

Nhân rộng mô hình chăn nuôi con đặc sản

 

Chia sẻ khó khăn với cán bộ, lãnh đạo và người dân huyện Mèo Vạc nói riêng và các huyện vùng cao núi đá của của Hà Giang, đồng chí Thào Xuân Sùng cho hay: Chưa có huyện nào trong cả nước lại có nhiều khó khăn, thách thức như các huyện vùng cao núi đá của Hà Giang. Đặc biệt là Mèo Vạc, chủ yếu diện tích của huyện là núi đá, chỉ có 28% là đất nhưng người dân ở đây vẫn kiên cường bám trụ vừa thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới của đất nước.

Trong số nhiều thành tựu mà huyện núi đá biên giới đã đạt được, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đặc biệt ấn tượng với phong trào "Người cõng cỏ, bò cõng người" của Mèo Vạc. "Đất ít, người dân các xã của Mèo Vạc đã biết cách đưa giống cỏ, ngô trồng phủ xanh các núi đá rồi lại cõng cỏ về chăm bò. 

Nhờ công việc chăn nuôi bò vàng đặc sản, bò vỗ béo, nhiều hộ dân có thu nhập cao, mọi người mua được xe máy, đồ dùng sinh hoạt tốt để dùng. Đời sống bà con ngày càng khấm khá, ổn định hơn. Chúng tôi thực sự nể phục và vui mừng khi thấy được những thành quả đó", người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nói.

Mô hình chăn nuôi cây con đặc sản kết hợp với chăn nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cho người dân tại các xã của huyện Mèo Vạc.

Cùng ngày, đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đến thăm trang trại chăn nuôi lợn đặc sản lớn nhất của huyện Mèo Vạc. Tại trang trại Tuấn Dũng ở xã Lũng Pù đang nuôi trên 1.000 con lợn đen Lũng Pù, trung bình mỗi tháng đơn vị này bán ra cho người dân tại các xã trên địa bàn hàng trăm con lợn giống, lợn nái để phát triển kinh tế.

Đánh giá cao mô hình chăn nuôi con đặc sản của trang trại Tuấn Dũng, đồng chí Thào Xuân Sùng cho biết, trang trại Tuấn Dũng đã biết tận dụng tiềm năng, thế mạnh khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để chăn nuôi con đặc sản quy mô lớn. 

Trao đổi với cán bộ, lãnh đạo huyện Mèo Vạc, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: "Tôi thấy hướng đi của trang trại Tuấn Dũng rất hiệu quả vừa giúp bảo tồn, gìn giữ giống con đặc sản bản địa vừa giúp đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo và làm giàu. 

Mong rằng chính quyền địa phương tiếp tục định hướng, hỗ trợ trang trại Tuấn Dũng và các trang trại, gia trại khác trên địa bàn hiện đại hóa cơ sở vật chất chuông trại để làm du lịch sinh thái tăng thêm thu nhập cho bà con".

Tại buổi làm việc, người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị của Hội nghiên cứu, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân cho các xã của huyện núi đá Mèo Vạc một số mô hình chăn nuôi con đạc sản, cải tạo vườn tạp, mô hình du lịch cộng đồng... Qua đó tạo thêm động lực để các xã khó khăn phát triển hơn.

Kiến nghị với lãnh đạo đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Cao Cường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc đề nghị các thành viên trong đoàn công tác nghiên cứu và cho ý kiến vào Đề án 13-DA/HU, ngày 2/8/2019 về cải tiến tổ chức đám tang ma trong vùng đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mèo Vạc giai đoạn 2019-2022 và những năm tiếp theo; cho ý kiến về những vấn đề cần tổ chức, triển khai trong thời gian tiếp theo trong quá trình triển khai Đề án, đồng thời sắp xếp, bố trí thời gian trao đổi, nói chuyện với các già làng, trưởng bản người dân tộc Mông trên địa bàn huyện.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Mèo Vạc cũng đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tạo điều kiện hỗ trợ một số mô hình kinh tế đối với hội nông dân huyện về cải tạo vườn tạp; kết nối tới các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để liên kết với nông dân huyện trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

 

 


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập