Văn hóa - Xã hội

Các trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc với nhiệm vụ giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy

27/04/2018 00:00 84 lượt xem

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, thời gian qua, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã tích cực giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy trong giờ học ngoại khóa, các buổi sinh hoạt lớp, Hội thi Văn hóa văn nghệ… Hoạt động này có ý nghĩa sâu sắc, giúp các em có thêm kinh nghiệm sống và hiểu hơn những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Ngay từ đầu năm học, các trường học trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã tích cực giáo dục kĩ năng sống cơ bản cho học sinh như: kỹ năng vệ sinh cá nhân, kỹ năng giao tiếp...với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm văn hóa truyền thống, trang phục dân tộc, các tranh ảnh về di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn; tuyên truyền giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, ý nghĩa các lễ hội truyền thống và các phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc; truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, các điệu múa... qua đó, đã giúp cho các em hiểu rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình cùng các dân tộc khác, hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành những di tích và danh lam thắng cảnh ở quê hương mình. Bà Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Pả Vi cho biết: "Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống vào trường học, nhà trường đã phân công cụ thể giáo viên phụ trách các nhóm, lựa chọn và mời các nghệ nhân tham gia truyền dạy, các thầy, cô giáo được phân công dạy văn hóa truyền thống cho học sinh đã tích cực tìm hiểu, sưu tầm tranh ảnh qua sách, báo để khai thác, nắm bắt các nét văn hóa truyền thống của từng dân tộc trên địa bàn để có thêm kiến thức nhằm truyền dạy cho các em thêm phần sinh động, gần gũi, dễ tiếp thu nhất.

Với việc giáo dục kỹ năng sống, giảng dạy bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc theo hình thức tích hợp qua các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân... thường xuyên thực hiện thông qua các hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp; trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, giảng bài của thầy cô. Qua đó, những câu hát, điệu múa và các giá trị tốt đẹp từ văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện sẽ được lưu truyền thông qua thế hệ trẻ. Em Vàng Thị Lan Hương, học sinh lớp 5B, Trường PTDTBT Tiểu học Pả Vi cho biết: "Hoạt động giáo dục kỹ năng sống đã giúp em tự tin hơn trong các hoạt động phong trào của nhà trường và đặc biệt thông qua những kiến thức được trau dồi giúp em hiểu hơn về văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình".

Sau 2 năm thực hiện, việc giáo dục kỹ năng sống và đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã và đang được triển khai thực hiện đúng định hướng, có bước tiến bộ nhanh. Ngoài các hoạt động đã được định hình, nhiều đơn vị trường học đã tạo ra nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, cũng như bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương cho thế hệ mai sau.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập