Chính trị

Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh khảo sát Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán

23/02/2019 00:00 141 lượt xem

Sáng 21.2, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang đã có chuyến khảo sát tại Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Chí Sán huyện Mèo Vạc. Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; đại diện Công ty Cổ Phần Dược liệu Bông Sen Vàng; Viện nghiên cứu Lâm nghiệp (Đại học Nông Lâm Thái Nguyên); Trần Quang Minh, Bí thư Huyện ủy và các đồng chí lãnh đạo huyện Mèo Vạc.

Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán, là khu rừng có vị trí và giá trị quan trọng đối với huyện Mèo Vạc. Ngoài việc đảm bảo và duy trì được nguồn nước cho toàn bộ thị trấn Mèo Vạc, đây còn là nơi bảo tồn các giá trị hệ sinh thái, các loài động thực vật rừng quý hiếm, phục vụ nghiên cứu, giám sát môi trường... Khu bảo tồn có tổng diện tích là hơn 5.453 ha. Hệ thực vật tại đây rất phong phú với hơn 663 loài của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Đặc biệt, là sự xuất hiện của 12 loài cây Lá kim, chiếm trên 36% tổng số loài được biết đến ở Việt Nam. Trong số này có 56 loài thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Theo các nhà khoa học của Viện nghiên cứu phát triển lâm nghiệp Việt Nam; Viện di truyền nông nghiệp và Viện dược liệu Việt Nam. Với độ cao, phong phú về loài, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng quanh năm mát mẻ thì ngoài việc bảo tồn các loại dược liệu qúy có thể di thực một số loài sâm của Việt Nam về trồng tại đây. Cho rằng, để làm được thì tỉnh cần phải khảo sát, điều tra một cách bài bản, có hệ thống. Qua đó có cơ sở dữ liệu cụ thể để tiến hành xây dựng đề án bảo tồn, phát triển cây dược liệu quý gắn với phát triển du lịch.

Sau khi khảo sát thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Viện nghiên cứu Lâm nghiệp (Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) và Công ty Cổ Phần Dược liệu Bông Sen Vàng về việc bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật quý hiếm tại Khu BTTN Chí Sán. Tại đây, đại diện Viện nghiên cứu Lâm nghiệp đánh giá cao về tiềm năng phát triển cây dược liệu và cây thuốc quý tại Khu BTTN Chí Sán. Để phát triển một cách bài bản Khu BTTN Chí Sán, đại diện Viện nghiên cứu Lâm nghiệp cho rằng cần tiến hành theo lộ trình cụ thể: Điều tra, bảo tồn và phát triển.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến đồng tình với quan điểm khai thác tiềm năng phát triển dược liệu gắn với du lịch tại Khu BTTN Chí Sán của huyện Mèo Vạc. Đồng chí đề nghị huyện cần kiện toàn lại Ban quản lý Khu BTTN Chí Sán, bảo vệ nghiêm ngặt để giữ lại nguồn gen dược liệu quý hiếm; thu hút đầu tư, liên doanh với một số doanh nghiệp lập dự án bảo tồn, phát triển dược liệu gắn với du lịch; tỉnh sẽ lấy Khu BTTN Chí Sán làm điểm trong việc khai thác, phát triển dược liệu và du lịch để rút kinh nghiệm đối với các khu BTTN còn lại trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi làm việc với Viện nghiên cứu Lâm nghiệp (Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) và Công ty Cổ Phần Dược liệu Bông Sen Vàng.

Khảo sát thực tế, cùng ý kiến của các nhà khoa học, tại buổi làm việc Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cho rằng, hiện nay việc phát triển trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi, như sự quyết tâm của Chính phủ, sự quyết tâm của địa phương và tỉnh có 6 khu bảo tồn thiên nhiên, có độ che phủ rừng cao; Bên cạnh đó tỉnh  có nhiều  mô hình về phát triển, quản lý, liên doanh, liên kết hiệu quả. Khẳng định, đây chính là sự nỗ lực của cấp, ủy chính quyền các cấp trong những năm qua về phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Đối với khu bảo tôn Chí Sán là nơi hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi để bảo tồn và trồng các loại dược liệu cần điều tra khảo sát ngay các loài dược liệu hiện hữu tại đây. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, sẽ chọn khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán làm mô hình phát triển kinh tế điển hình. Do đó, cần phải có đề tài điều tra về dược liệu và đề tài khảo nghiệm, di thực thêm những cây mới về trồng. Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh đề nghị Viện nghiên cứu lâm nghiệp Việt Nam; Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam giúp cho tỉnh một đề cương và tỉnh Hà Giang sẽ cử sinh viên làm tốt nghiệp bằng đề tài dược liệu này, để sau này khi tốt nghiệp trở về có thể trực tiếp quản lý và thực hiện. Cùng với đó khi có doanh nghiệp đầu tư vào trồng dược liệu tại Chí Sán thì thị trấn Mèo Vạc nên thành lập HTX dân quân trồng dược liệu, có như vậy, mới đảm bảo vừa bảo vệ rừng cũng như quản lý được dược liệu đã trồng./.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập