Văn hóa - Xã hội

Ấn tượng chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng

28/03/2017 00:00 174 lượt xem

Nhằm học tập kinh nghiệm làm Du lịch Cộng đồng để áp dụng triển khai tại một số địa phương trên địa bàn huyện. Vừa qua, huyện Mèo Vạc đã tổ chức đoàn khảo sát và học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại Sa Pa (Lào Cai) và Mai Châu (Hòa Bình). Chuyến đi đã để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng không thể nào quên về cách làm du lịch cộng đồng của người Giáy và người Thái nơi đây.

Tham gia đoàn khảo sát có đồng chí Mua Hồng Sinh, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Phàn Quẩy Vảng, Phó Chủ tịch HĐND huyện; lãnh đạo Phòng Văn hóa thông tin; lãnh đạo xã Tát Ngà cùng một số hộ gia đình ở xã Pả Vi và Tát Ngà. Tại Sa Pa, đoàn đã đi thăm khu du lịch cộng đồng thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van. Tại đây, chúng tôi đã không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bình dị, mộc mạc pha lẫn nét khang trang, lịch sự của những ngôi nhà sàn truyền thống. Ngạc nhiên hơn bởi hình ảnh trẻ em người nước ngoài nô đùa với trẻ em người địa phương rất tự nhiên, vui vẻ và thân thiện như thể đã sống gần nhau từ nhỏ. Đây đó, từng tốp du khách nước ngoài tham quan các thắng cảnh, hoặc điểm làm nghề thủ công truyền thống, hay cùng hòa mình vào cuộc sống thường ngày với người dân bản địa trong những ngôi nhà nghỉ Homestay truyền thống…theo lời giới thiệu của các “hướng dẫn viên” người địa phương. Hầu hết du khách nước ngoài rất thích loại hình du lịch cộng đồng ở Tả Van, bởi tại đây, họ được tự do thưởng ngoạn những thắng cảnh hùng vĩ, tươi đẹp; được tự mình khám phá những nét văn hóa nguyên sơ nhưng cũng rất đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, được làm “công dân” thực thụ của vùng đất này.

Nhà sàn truyền thống của dân tộc Giáy ở thôn Tả Van Giáy

Được sự định hướng của chính quyền địa phương, hiện nay, đa số các hộ dân ở Tả Van Giáy đều xây dựng nhà cửa khang trang, có đầy đủ vật dụng sinh hoạt cùng hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách. Người dân Tả Van Giáy rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu của khách du lịch. Họ học nhau cách sửa sang nhà cửa, cách nấu ăn và học tiếng Anh để phục vụ khách. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, đời sống của nhân dân thôn Tả Van Giáy đã được cải thiện đáng kể.

Homestay ở thôn Tả Van Giáy (Sa Pa, Lào Cai)

Đến với Bản Lác huyện Mai Châu (Hòa Bình), chúng tôi quan sát thấy rất nhiều các quầy hàng trưng bày hàng thổ cẩm, lụa tơ tằm, túi thêu cỡ to, cỡ nhỏ nằm ngay dưới chân nhà sàn. Những cô gái Thái trong trang phục truyền thống vừa bán hàng lưu niệm vừa tranh thủ quay tơ dệt vải. Từ chỗ chỉ dệt những chiếc khăn, chiếc áo thổ cẩm để mặc, phụ nữ trong bản đã tự làm nhiều đồ lưu niệm bán cho khách như: Váy xòe Thái; vải treo tường có trang trí; dây đeo tay và những chiếc ví xinh xắn. Du khách tới đây thoải mái lựa chọn những chiếc váy thổ cẩm, khăn quàng để rồi biến mình trở thành cô gái Thái đi dạo quanh bản làng.

Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình

Hiện tại ở Bản Lác có khoảng 50 ngôi nhà sàn làm dịch vụ Homestay cho khách lưu trú, được xây cất theo quy hoạch, được đánh số theo thứ tự. Nhà sàn với kiến trúc giản dị, không gian thoáng mát, được làm bằng mây, tre, nứa hoặc những tấm gỗ tốt được thiết kế rất chắc chắn, phần mái nhà được lợp bằng lá cọ, lá cỏ tranh đan tết lại với nhau hoặc ngói.

Điểm du lịch cộng đồng Bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình).

Điều đặc biệt là, người Thái vẫn giữ được truyền thống nhà sàn theo kiến trúc truyền thống 100%, không cách tân theo thời thế. Mỗi nhà sàn có thể ở được từ 20 - 30 người, có đầy đủ chăn, đệm, gối được gấp ngăn nắp, gọn gàng. Sát cạnh khu vực sàn để ngủ, nghỉ là khu sàn ngồi để ăn cơm và uống trà. Chỉ với mức giá 80.000 đồng/người, du khách đã có thể sở hữu một khoảng sàn chừng 1,2 x 2 m để ngả lưng qua đêm. Một người trong Bản Lác cho biết: “Khách lưu trú tại bản rất nhiều, vào cuối tuần thường có khoảng trên 1.000 khách, nhưng không vì thế mà chúng tôi lại nâng giá dịch vụ, “chặt chém” du khách như những nơi khác. Được trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, quản lý, tiếp khách… ai trong đoàn cũng hài lòng, tâm đắc. Anh Trần Văn Pảo, Bí thư Chi bộ thôn Tát Ngà cho biết: “Làm du lịch cộng đồng không quá khó như tôi vẫn tưởng, tôi ấn tượng nhất về ý thức vệ sinh môi trường cảnh quan của người dân nơi đây. Qua chuyến đi này tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chú trọng công tác giữ gìn vệ sinh chung, cải tạo không gian sống, đầu tư cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Một số sản phẩm truyền thống của dân tộc Thái ở Bản Lác

Sự thân thiện, hiền hòa, hiếu khách của đồng bào dân tộc Giáy ở Tả Van và dân tộc Thái ở Bản Lác cũng chính là một trong những điểm nhấn ấn tượng đối với mỗi du khách, để rồi khi rời mảnh đất này, họ vẫn cảm thấy nuối tiếc, lưu luyến, muốn quay trở lại không chỉ một lần duy nhất mà muốn còn được đến vào những dịp sau.

Từ thực tiễn các mô hình phát triển du lịch cộng đồng mà đoàn tham quan sẽ là những kinh nghiệm để triển khai xây du lịch cộng đồng ở huyện Mèo Vạc trong thời gian tới.


Tin khác

Liên kết website

Thống kê truy cập